Đèo Cả báo lãi 367 tỷ đồng, tiếp tục huy động vốn qua chào bán cổ phiếu
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Công ty Đèo Cả - Mã: HHV) công bố lợi nhuận sau thuế 367 tỷ đồng, đạt 91% chỉ tiêu cả năm sau 9 tháng. Tuy nhiên, tính đến 30/9/2024, nợ phải trả tại doanh nghiệp này cũng ghi nhận hơn 28.215 tỷ đồng.
Lãi sau thuế đạt 91% chỉ tiêu cả năm sau 9 tháng
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 tại Công ty Đèo Cả cho thấy, doanh thu thuần đạt gần 795 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 123 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận gần 2.300 tỷ đồng doanh thu và 367 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 26% và 19% so với cùng kỳ năm trước. Các kết quả này tương đương với mức thực hiện 73% và 91% chỉ tiêu cả năm.
Kết quả kinh doanh tương đối khả quan, tình hình tài chính tại HHV cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản tại HHV đạt hơn 38.293 tỷ đồng, tập trung ở dạng tài sản dài hạn hơn 36.959 tỷ đồng, chiếm 97%. Ngoài ra, các khoản tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 450 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại HHV ghi nhận hơn 28.215 tỷ đồng, trong đó hơn 19.876 tỷ đồng là nợ vay tài chính, giảm nhẹ 408 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương giảm nhẹ 2%, chiếm 67% nợ phải trả. Trong đó, nợ vay ngắn hạn hơn 961 tỷ đồng và gần 18.915 tỷ đồng là nợ vay dài hạn, chủ yếu nợ vay từ ngân hàng.
Một số ngân hàng hiện là chủ nợ lớn tại HHV là Vietinbank, BIDV, TPBank. Sau 9 tháng đầu năm 2024, chi phí lãi vay tại HHV hơn 602 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ 2023.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Vietinbank đang cho HHV vay ngắn hạn nhiều nhất với hơn 803 tỷ đồng. Đến năm 2025, HHV có hơn 356 tỷ đồng số dư nợ vay dài hạn đến hạn trả, chủ yếu đến từ Vietinbank.
Về nợ vay dài hạn, tính đến 30/9/2024, HHV đang vay nhiều nhất tại Vietinbank với hơn 18.300 tỷ đồng. Ngoài ra còn vay TPBank hơn 12 tỷ đồng; BIDV hơn 11 tỷ đồng...
Tính đến 30/9/2024, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của HHV ở mức gần 2 lần (cao hơn mức trung bình ngành là 1,2 lần) do phần lớn tài sản là các tuyến BOT được tài trợ từ nợ vay dài hạn.
Doanh nghiệp hiện vận hành 15 trạm thu phí thuộc các dự án BOT lớn, bao gồm chuỗi hầm Đèo Cả - Cù Mông - Cổ Mã - Hải Vân và các cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Phước Tượng - Phú Gia. Để huy động vốn cho các dự án này, Công ty Đèo Cả đã phát hành trái phiếu, bao gồm lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng với lãi suất cố định 11,5%/năm, đáo hạn vào cuối tháng 10/2024.
Giữa lúc nợ vay cao, chủ yếu đến từ ngân hàng, HHV muốn huy động hơn 400 tỷ đồng cho dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh thông qua chào bán 41,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá thấp hơn so với thị giá hiện nay.
Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, thấp hơn 12% giá chốt phiên 11/11 là 11.350 đồng/cp. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024-2025, sau khi công ty hoàn tất việc đăng ký chào bán lên cơ quan quản lý.
Số tiền 415 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán, HHV dự kiến dùng 145 tỷ đồng góp thêm vào Công ty CP Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh). Số tiền còn lại, công ty dùng để thu xếp vốn cho dự án trên theo hình thức cho vay hoặc hợp tác kinh doanh với Công ty CP Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoặc hình thức khác.
Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của HHV sẽ tăng từ 4.322 tỷ đồng lên 4.737 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 9/2024, HĐQT HHV đã thông qua Nghị quyết ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác với Công ty CP Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh để cùng tham gia thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng). HHV sẽ góp tối đa 600 tỷ đồng từ ngày ký kết hợp đồng hợp tác đến hết ngày 31/12/2026 hoặc đến khi giải ngân hết, tùy thời điểm nào đến trước.
Dòng tiền tại Đèo Cả đang gặp khó?
Theo quy định, khi doanh thu BOT thực tế chênh lệch trên 25% so với phương án tài chính (PATC), chủ đầu tư có quyền đàm phán để điều chỉnh thời gian thu phí nhằm duy trì tỷ suất hoàn vốn. Nếu dự án không đạt phương án tài chính, Chính phủ có thể mua lại dự án. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nào được mua lại, làm tăng khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào các dự án BOT.
Trong một báo cáo vào năm 2023, VNDirect đã chỉ ra những khó khăn về dòng tiền mà HHV đang gặp phải tại các dự án BOT.
Cụ thể, tại dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, dự kiến vận hành 7 trạm BOT nhưng trạm La Sơn - Túy Loan không được thu phí do phản đối từ người dân, dẫn đến doanh thu thu phí chỉ đạt 994 tỷ đồng trong năm 2022. Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất hỗ trợ bằng cách mua lại quyền thu phí với số tiền 2.280 tỷ đồng, tuy nhiên dự án vẫn thiếu khoảng 1.180 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước cam kết.
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cũng gặp trở ngại khi không được thu phí tại trạm Km93+160, khiến doanh thu năm 2022 chỉ đạt 286 tỷ đồng. Dù được gia hạn thời gian thu phí thêm 4 năm đến 2048, dòng tiền ngắn hạn vẫn gặp khó khăn.
Trạm thu phí Bắc Hải Vân cũng đối mặt với thách thức khi hiện đang được sử dụng để thu hồi vốn cho cả hai dự án Hầm Phước Tượng - Phú Gia và Hầm Hải Vân 2. Mức phí tại trạm này đã gần chạm ngưỡng tối đa, nên khả năng tăng giá vé trong tương lai sẽ gặp nhiều trở ngại.
Trong bối cảnh chịu áp lực tài chính, việc Đèo Cả lựa chọn phương án huy động vốn từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được cho là phương án tối ưu.
Ở một diễn biến có liên quan, trên báo Giao thông mới đây, lãnh đạo Công ty Đèo Cả đã phát đi thông báo phản hồi về một số thông tin cho rằng doanh nghiệp này vỡ phương án tài chính, gánh nặng nợ vay…
Theo đó, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Đèo Cả cho biết, các dự án trước khi được ngân hàng rót vốn huy động đều phải qua quá trình thẩm định về pháp lý, năng lực nhà đầu tư, tính khả thi và hiệu quả dự án. Trong khi vốn chủ sở hữu tham gia các dự án thường chỉ 10 - 15% thì thực tế vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của HHV hiện nay lên tới 24%.
Tuy nhiên, theo ông Huy, hoạt động trong lĩnh vực đặc thù này, doanh nghiệp thường phải đối mặt với những thông tin không chính xác về bản chất các khoản vay phục vụ huy động vốn cho các dự án.
"HHV vẫn đang hoạt động liên tục, ổn định và thực hiện đúng, đủ các nghĩa vụ với cơ quan nhà nước, với cổ đông, đối tác và người lao động. Các khoản vay, lãi vay đều được trả đầy đủ, đúng hạn cho các tổ chức tín dụng và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Các thông tin không chính xác này đã gây tổn hại đến hình ảnh, uy tín và hoạt động của doanh nghiệp", ông Huy khẳng định.
Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) với tiền thân là Công ty Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân, sở hữu kinh nghiệm vận hành và sửa chữa các dự án hầm. Giai đoạn 2013-2015, công ty được cổ phần hóa và niêm yết trên sàn Upcom. Đến năm 2016, HHV được Tập đoàn Đèo Cả thâu tóm để trở thành công ty con.
Sau khi tái cơ cấu doanh nghiệp vào năm 2019, HHV đã nhận lại phần vốn góp tại 4 dự án BOT, bao gồm: Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả; dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; hầm Phước Tượng - Phú Gia; mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Khánh Hòa.
Hiện nay, các mảng đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của HHV bao gồm thu phí BOT, xây lắp, bảo trì, duy tu và sửa chữa.