Đèo Cả, Futa Group ngóng Nhôm Lâm Đồng
Đèo Cả, Futa Group sẽ phải chờ đánh giá hiệu quả thu hồi hàng triệu tấn quặng bauxite từ Nhôm Lâm Đồng để thông đường cho hai cao tốc nghìn tỷ tại Lâm Đồng.
Được quyết định chủ trương từ tháng 11/2022, dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương trị giá khoảng 36.000 đồng, thực hiện theo phương thức đối tác công tư tới nay vẫn chưa hoàn thành khâu chuẩn bị để triển khai và kịp cán đích trong hai năm tới.
Hai cao tốc lần lượt do các liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (đại diện) - Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh – Công ty CP Tập đoàn Nam Miền Trung và Tập đoàn T&T – Công ty CP đầu tư Tập đoàn Phương Trang (Futa group) – Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành làm nhà đầu tư thực hiện.
Nguyên nhân chậm tiến độ là do hai dự án cao tốc chồng lấn với quy hoạch mỏ bauxite tại 6 khu vực với tổng diện tích hơn 224ha, chiều dài tuyến khoảng 36,4km.
Với chiều dài toàn tuyến khoảng 66 km, cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc đi qua địa phận Lâm Đồng 55km, thuộc các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc.
Trong phạm vi cao tốc này, ghi nhận hơn 7,2 triệu tấn quặng bauxite nguyên khai (gần 2,9 triệu tấn quặng tinh) thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác quặng bauxite năm 2023 của Thủ tướng và 990 nghìn tấn quặng nguyên khai không thuộc quy hoạch.
Tương tự, nằm trong khu vực cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương (hơn 73km chạy qua 3 huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và TP. Bảo Lộc) là 118 nghìn tấn quặng nguyên khai nhưng không thuộc quy hoạch thăm dò, khai thác bauxite. Đối với hai khu tái định cư phục vụ các đoạn cao tốc nêu trên, trữ lượng quặng bauxite được xác định là hơn 1,2 triệu tấn.
Trước vướng mắc này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo hồi tháng 9/2024, với nội dung: UBND tỉnh Lâm Đồng xin hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường theo hướng lấy quy hoạch đất đai làm gốc, trong đó đã có đất dành cho công trình giao thông nên ưu tiên dự án xây dựng giao thông làm trước, khoáng sản được đưa vào quy hoạch dự trữ, báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý.
Từ đây, Bộ Tài nguyên và môi trường đã hướng dẫn nguyên tắc xử lý vấn đề chồng lấn theo hướng căn cứ vào hiệu quả của việc thu hồi khoáng sản.
![Nút thắt chồng lấn khoáng sản bauxite đang khiến nhiều dự án quan trọng, cấp thiết tại Lâm Đồng chưa thể rộng đường triển khai. Ảnh minh họa: Hoàng Anh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_358_51425775/a471e39ad9d4308a69c5.jpg)
Nút thắt chồng lấn khoáng sản bauxite đang khiến nhiều dự án quan trọng, cấp thiết tại Lâm Đồng chưa thể rộng đường triển khai. Ảnh minh họa: Hoàng Anh
Cụ thể, với các khu vực trong phạm vi hai cao tốc và hai khu vực dân cư, tái định cư ghi nhận tài nguyên bauxite, Bộ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện đánh giá, so sánh hiệu quả kinh tế của việc thu hồi/không thu hồi khoáng sản trong phạm vi dự án.
Nếu việc thu hồi không có hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng đến thực hiện các dự án thì Bộ Tài nguyên và môi trường thống nhất không tiến hành thu hồi khoáng sản. Trường hợp này, UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch khoáng sản (đối với các khu vực chồng lấn quy hoạch khoáng sản).
Sau khi được đưa ra khỏi quy hoạch khoáng sản, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng xem xét, khoanh định các khu vực này là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia như chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà hồi tháng 9/2024.
Về phía mình, Bộ Công thương cũng đã đưa ra ý kiến xoay quanh phương án gỡ vướng cho vấn đề triển khai dự án bị chồng lấn theo quy hoạch khoáng sản.
Theo đó, bộ này cho rằng, đề nghị của tỉnh Lâm Đồng về việc hạn chế, cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đối với các khu vực đặc thù trữ lượng lớn, diện tích phân bố rộng, được khai thác lộ thiên với chiều sâu không lớn như bauxite, trên nguyên tắc bảo vệ tài nguyên để thực hiện các dự án cấp bách là có cơ sở.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và môi trường là cơ quan thẩm quyền, chủ trì trong quyết định khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản có tính chất đặc thù, theo Quyết định 333 năm 2024 của Thủ tướng.
Mới nhất, Sở Công thương Lâm Đồng đề nghị Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng đánh giá sơ bộ tính khả thi việc khai thác quặng bauxite trong diện tích xây dựng đường cao tốc, một số dự án tái định cư, dự án quan trọng của tỉnh có chồng lấn với Quy hoạch khoáng sản.
Trong đó, cung cấp các số liệu và văn bản liên quan đến sản lượng, định mức, đơn giá, giá thành thực tế hoặc các quy định về tính giá thành sản phẩm khai thác quặng nguyên khai, tuyển quặng tinh trong thời gian 2019-2024 tại Công ty.
Đồng thời, Nhôm Lâm Đồng đánh giá giá trị kinh tế, tính khả thi của việc khai thác quặng bauxite, phương án khai thác nhanh, thu hồi khoáng sản trong phạm vi chồng lấn Quy hoạch khoáng sản trong khu vực xây dựng của dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương cũng như các dự án tái định cư, báo cáo trước 12/2.
Thực tế, bản thân Nhôm Lâm Đồng (thuộc TKV) mới đây cũng đối diện gian nan mang tên chồng lấn quy hoạch bauxite, khi đảm trách vận hành triển khai dự án tổ hợp bauxite – nhôm trị giá hơn 15.400 tỷ đồng tại Lâm Đồng.
Cụ thể, nằm trên địa bàn huyện Bảo Lâm, công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm, dự án chính thức vận hành từ tháng 10/2013. Theo kế hoạch, giai đoạn 2024 - 2027, Tập đoàn công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ triển khai hai dự án phục vụ duy trì sản xuất của tổ hợp này là hồ chứa bùn thải sau tuyển quặng bauxite số 2 và hồ chứa bùn đỏ sau chế biến Alumin giai đoạn 2.
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng hai hồ chứa bùn thải gặp khó khăn do một phần diện tích xây dựng chồng lấn lên các thân quặng bauxite đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng trong Quy hoạch khoáng sản quốc gia ban hành tháng 7/2023, nhưng chưa được cấp phép khai thác quặng cho TKV.
Đồng thời, một phần diện tích thuộc 2 dự án nằm trong ranh giới các khối trữ lượng và tài nguyên quặng bauxite theo các quyết định của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia vào các năm 2007 và 2013.
Đối chiếu Quy hoạch khoáng sản cũng như quy định tại Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan, việc đầu tư xây dựng hai hồ chứa bùn thải trên khu vực có khoáng sản quặng bauxite chỉ được phép thực hiện theo nguyên tắc phải thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
TKV tính toán, nếu thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết nhằm được cấp giấy phép khai thác khoáng sản (trước khi bắt tay xây dựng công trình hai hồ trên), thì sớm nhất cũng phải tới năm 2027 mới xong. Tức, sẽ lỡ tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng trước tháng 5/2028 đối với hồ chứa bùn số 2 và trước tháng 6/2026 đối với hồ thải bùn đỏ, dẫn tới nguy cơ phải dừng toàn bộ hoạt động của tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng.
Từ đây, đại diện chủ đầu tư đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho TKV thực hiện đầu tư xây dựng hai dự án hồ chứa bùn thải trên khu vực quặng bauxite đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng.
Trong quá trình xây dựng, TKV cam kết thu hồi tối đa tài nguyên quặng bauxite, bảo vệ, tập kết, lưu trữ khoáng sản và báo cáo cấp thẩm quyền cho phép sử dụng quặng thu hồi từ hoạt động xây dựng để cung cấp cho nhà máy alumin và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính.
Tuy nhiên, đề xuất này đã bị “bác” vì việc chấp thuận cho TKV xây dựng hai dự án hồ chứa bùn thải trên khu vực quặng bauxite không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, mà thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường. Hiện, câu trả lời chính thức để rộng đường triển khai cho siêu dự án bauxite nhôm của TKV tại Lâm Đồng vẫn đang bỏ ngỏ.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/deo-ca-futa-group-ngong-nhom-lam-dong-d38944.html