'Dẹp cò mồi' cổng bệnh viện dưới góc nhìn của chuyên gia y tế
Vụ việc Công an phường Cửa Nam (Hà Nội) vừa tạm giữ một nhóm 'cò mồi' hoạt động quanh khu vực Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo người dân cần hết sức cảnh giác trước những loạt bẫy 'khám nhanh, bác sĩ tốt' của các đối tượng cò mồi cổng bệnh viện.

"Cò mồi" cổng bệnh viện đã tồn tại hàng chục năm nay
Trao đổi với Báo PNVN, một số chuyên gia công tác lâu năm trong ngành Y tế đã đề cập nhiều nội dung xoay quanh vấn đề "cò mồi" ở cổng bệnh viện. Tuy nhiên, họ lại đề nghị không nêu tên trên mặt báo vì nhiều lý do phía sau, liên quan đến đề tài khá "nhạy cảm" này.
Vấn nạn "cò mồi" đã tồn tại hàng chục năm!
Từ các bệnh viện tuyến đầu như Bạch Mai, Phụ sản Trung ương, Việt Đức tại Hà Nội cho đến nhiều cơ sở y tế lớn tại TPHCM, Đà Nẵng, tình trạng "cò mồi" hoạt động công khai hoặc tinh vi quanh cổng viện không còn là hiện tượng cá biệt. Không ít người trong số họ giả làm người nhà bệnh nhân, nhân viên bệnh viện, hoặc "từng đi khám ở đây" để lấy lòng tin.
Mục tiêu của cò mồi thường là những bệnh nhân lần đầu đến viện, người lớn tuổi, bệnh nhân ở tỉnh xa, không quen với quy trình khám chữa bệnh tại các thành phố lớn, hoặc đang trong trạng thái lo lắng, sốt ruột vì sức khỏe. Chính lúc này, chỉ cần một lời gợi ý, mời mọc, họ rất dễ bị dẫn dắt sang những phòng khám tư, nơi không phải lúc nào cũng đảm bảo chất lượng chuyên môn và trang thiết bị y tế.
TS. Nguyễn Huy N, chuyên gia y tế phân tích: "Cò mồi tồn tại là bởi có sự bắt tay ngầm giữa họ và một số cơ sở y tế tư nhân kém chất lượng. Hệ sinh thái trục lợi này hoạt động có tổ chức, tinh vi - cò được trả hoa hồng trên mỗi bệnh nhân đưa tới, còn cơ sở khám bệnh thì thu được nguồn thu không minh bạch. Hậu quả là người bệnh không chỉ mất tiền mà có thể mất cả cơ hội điều trị đúng tuyến, đúng chuyên môn".

Hai "cò mồi" tại Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều (Hà Nội), từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây mất trật tự công cộng.
Không ít trường hợp, sau khi đến phòng khám tư, bệnh nhân vẫn phải quay lại bệnh viện công để khám lại từ đầu, gây lãng phí thời gian, tiền bạc. Thậm chí, có trường hợp bị điều trị sai, dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Có trường hợp bệnh nhân mang thai ngoài tử cung được chẩn đoán sai tại cơ sở tư, nhập viện muộn trong tình trạng nguy kịch.
TS. N. nhận định: "Tình trạng cò mồi đã tồn tại hàng chục năm và không dễ dẹp bỏ, một phần do hoạt động của họ diễn ra ở không gian công cộng - nơi cơ quan quản lý khó kiểm soát triệt để. Họ len lỏi, trá hình, thường không để lại bằng chứng trực tiếp, khiến lực lượng chức năng gặp khó trong xử lý.
Dù đã có nhiều chiến dịch ra quân xử lý, gắn camera giám sát, tăng cường lực lượng bảo vệ quanh bệnh viện… nhưng chỉ cần buông lỏng một thời gian, cò mồi lại tái xuất. Một trong số những lý do là nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn luôn rất cao, trong khi tâm lý người bệnh ngại chờ đợi, ngại thủ tục vẫn còn phổ biến".
Để công nghệ số dẫn lối
Theo TS. T.Đ.P, trong bối cảnh ngành y tế đang từng bước số hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ công, việc xuất hiện của cò mồi không chỉ gây phiền nhiễu mà còn làm méo mó hình ảnh bệnh viện, tạo ra sự nghi ngờ trong xã hội. Tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn vấn nạn này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống - từ công an, chính quyền địa phương, ngành y tế cho đến mỗi người dân.
TS. TĐP cho rằng, hàng ngày bệnh viện cần phải giao ban với đơn vị bảo vệ để hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị bảo vệ thực hiện các nhiệm vụ như là tuần tra thường xuyên để ngăn ngừa những trường hợp giả mạo. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng loa và có biển cảnh báo, hướng dẫn quy trình khám tại các vị trí tập trung đông người để cho bệnh nhân biết.
Để giảm tối đa tình trạng cò mồi, các bệnh viện nên đẩy mạnh các dịch vụ công nghệ số như website, facebook và đặt lịch khám online để người bệnh nắm được các thông tin chuẩn xác nhất từ bệnh viện.
"Tận dụng các kênh thông tin số của bệnh viện như đặt lịch online, tra cứu thông tin trước khi đến bệnh viện giúp giảm đáng kể nguy cơ bệnh nhân bị cò mồi dẫn dụ sai lệch. Bởi khi đặt lịch khám online trước khi đến viện, được hướng dẫn đến đúng phòng, đúng thời gian, giảm thời gian chờ đợi. Người bệnh biết được bác sĩ nào phụ trách chuyên khoa mình cần khám, giá dịch vụ là bao nhiêu, cần mang theo giấy tờ gì…, thì sẽ ít hoang mang và không dễ bị cò lợi dụng. Ngược lại, càng mù mờ thông tin, càng dễ tin theo những lời ‘rỉ tai’ tưởng là giúp đỡ" - TS.TĐP đề xuất.
Lực lượng chức năng cũng đưa ra khuyến cáo, khi đến các bệnh viện thăm khám chữa bệnh, đề nghị người dân cần phải nghiêm túc chấp hành đầy đủ theo sự hướng dẫn và chỉ định trực tiếp của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế để đảm bảo việc khám chữa bệnh được an toàn, đúng quy trình.
Người dân tuyệt đối không giao dịch với người không quen biết. Với những đối tượng đưa ra thông tin có người quen hoặc có thể tiếp cận với bác sĩ, người dân cần báo cho lực lượng bảo vệ, lực lượng công an có mặt tại bệnh viện để kịp thời xử lý.