Đẹp sao hình ảnh người mẹ
Hình ảnh người mẹ luôn là đề tài muôn thuở của văn chương và nghệ thuật. Trong những bài vọng cổ, người mẹ hiện lên vừa cao quý lại vừa dung dị, gắn liền và thân thuộc với quê hương.
“Thân tôi ở bụi ở bờ
Chồng con hổng có, chỉ nhờ tiếng kêu”
Bài vọng cổ Má bắt đầu bằng câu đố dân gian quen thuộc, đó cũng là ý tưởng khởi nguồn cho soạn giả Diệp Vàm Cỏ tạc bức tượng đài người mẹ Việt Nam anh hùng bằng vọng cổ.
“Đời má cũng gieo neo như loài cây hoang dại ấy, bởi cha đã hy sinh cùng mấy người con đã thành liệt sĩ anh hùng. Má đang sống trong cảnh giông tố bão bùng, ngày lặn lội trong đồng sâu bưng trấp, đêm lại về trong mái lều tranh”.
Nghệ sĩ Thanh Hằng trình bày bài vọng cổ Bên dòng sông Vàm Cỏ trong chương trình Vầng trăng cổ nhạc (ảnh chụp màn hình)
Hình ảnh người mẹ Việt Nam, người mẹ của vùng quê Đồng Tháp Mười hiện lên thân quen quá đỗi. Những người phụ nữ tiễn chồng, con ra chiến trận, để rồi mãi mãi không hẹn ngày về. Người ở lại ôm nỗi nhớ thương dai dẳng cùng ký ức đau buồn, nhưng vẫn cố nén nỗi đau viết tiếp hành trình vì tự do, độc lập. Má mất con, nhưng lại có thêm nhiều người con khác, không mang nặng đẻ đau, nhưng cũng gọi tiếng “má” rất thân thương.
Bài ca khắc họa góc nhìn của những anh bộ đội từ miền Bắc, miền Trung và từ các nơi khác đã cùng tham gia chiến đấu ở vùng Đồng Tháp Mười. Má luôn yêu thương, chăm lo cho tất cả những đứa con đã về đây chiến đấu đánh đuổi giặc xâm lăng. Những đứa con đến từ 3 miền đất nước, gọi mẹ mình bằng u, bằng mẹ, nay về vùng nước mặn đồng chua thì đã quen dần tiếng “má” và thấy nhớ, thấy thương người má của miền Nam, người đã chịu vất vả dành từng con cá, nhúm rau lo cho những đứa con không máu mủ, ruột rà.
“Ngày ấy con về vai súng nặng mang được má ân cần chăm sóc, con đã no lòng với hạt gạo lúa ma và đã quen dần tiếng má”.
Hình ảnh người mẹ thủy chung, son sắt, hy sinh cho độc lập, tự do như bước ra từ trong lịch sử. Trong chiến tranh má vất vả, hy sinh, trong hòa bình má vẫn luôn son sắt, thủy chung, dặn dò các con phải biết giữ gìn chữ hiếu trung với dân, với nước. Má đã trở thành những mẹ Việt Nam Anh hùng cho ngàn đời luôn yêu kính và ghi nhớ công ơn.
Soạn giả Diệp Vàm Cỏ nói rằng ông dùng tiếng “má” bởi ông thương tiếng gọi mẹ đặc trưng của quê hương. Với ông, tiếng “má” luôn gợi lên nhiều thương nhớ, gắn liền với chính cuộc sống của mình cũng như nhiều đứa con miền Nam khác. Má là một trong những bài vọng cổ đầu tay của soạn giả Diệp Vàm Cỏ, từng được Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thu và phát sóng.
Người mẹ trong các tác phẩm về Long An, của Long An luôn gắn liền với những điều thân quen, dung dị để nói rõ hơn nét đẹp kiên trung của người phụ nữ Việt Nam.
Soạn giả Việt Sơn nói, ông sáng tác bài ca cổ Người mẹ và bãi còng khi được dịp xem một phóng sự của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An về phong trào Những người con hiếu thảo do Huyện đoàn Cần Giuộc thực hiện. Trong phóng sự, hình ảnh một người mẹ sống ở miền hạ huyện Cần Giuộc đã gây ấn tượng sâu sắc cho ông và trở thành tiền đề để ông viết bản vọng cổ Người mẹ và bãi còng. Soạn giả chọn khắc họa sâu hình ảnh người mẹ lưng còng áo vá nhiều nơi lặn lội trên bãi sông bắt còng kiếm sống để nói lên tấm lòng và sự hy sinh to lớn của những người mẹ anh hùng.
Người mẹ ấy cũng từng có gia đình, nhưng lần lượt tiễn chồng, con lên đường tham gia kháng chiến để rồi chẳng bao giờ được đón họ trở về. Mẹ sống một mình trong túp lều tranh, không đòi hỏi bất cứ điều gì khác, chỉ lặng lẽ bắt còng đem ra chợ bán để mưu sinh.
“Tuổi mẹ giờ đây cũng gần đất xa trời. Hơn nửa đời người mẹ hiến dâng cho đất nước, gian khổ lao tù đè nặng đôi vai. Nhưng không hề cất tiếng thở than và cũng không đòi hỏi điều chi cho mẹ. Mẹ sống đây là sống với niềm tin hy vọng, dạy con cháu đời sau lòng chung thủy tuyệt vời”.
Soạn giả chia sẻ: “Bài ca Người mẹ và bãi còng tôi viết khoảng năm 1990, khi đó phong trào chăm lo cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng được khởi xướng và sau này phát triển mạnh mẽ. Tôi chọn khắc họa riêng hình ảnh người mẹ và bãi còng để làm rõ hơn tấm lòng sắt son của mẹ và cũng để mỗi chúng ta quan tâm hơn đến những người mẹ tuyệt vời đã hy sinh cả đời cho đất nước”. Bài vọng cổ được thể hiện qua giọng ca nghệ sĩ Mỹ Châu.
Cũng sáng tác trong cùng một khoảng thời gian, phát cùng trong một chương trình, bài vọng cổ Bên dòng sông Vàm Cỏ của soạn giả Trọng Nguyễn do nghệ sĩ Thanh Hằng thể hiện. Hình ảnh Con chim sáo tật nguyền chọn cây bần tật nguyền làm tổ đã in sâu trong nỗi nhớ người nghe. Vẫn là người mẹ Việt Nam hy sinh cả đời mình cho độc lập. Người mẹ sống bên dòng Vàm Cỏ trong câu chuyện cũng có chồng và 6 người con hy sinh trong kháng chiến. Và nỗi đau khắc sâu vào lòng mẹ không thể nào nguôi, đến nỗi mẹ nhìn con chim sáo tật nguyền mà nghĩ đến “thằng con út”, để lúc sáo bay đi, mẹ cũng ước rằng con sáo về lại Đám lá tối trời thăm bè bạn.
“Biển Long Hựu mùa này nhiều sóng vỗ
Có con sóng nào bằng ngọn sóng lòng của người mẹ Long An (Xang 20)
Dù chưa qua Đức Hòa, Long Trì, Mỹ Lệ
Mà con hiểu Long An qua người mẹ anh hùng”
Soạn giả Trọng Nguyễn là một soạn giả tài ba, những sáng tác của ông luôn có các chi tiết đắt giá, gợi nhớ, gợi thương trong lòng người mộ điệu.
“Con chim sáo tật nguyền về đây làm tổ
Chọn cây bần tật nguyền nó gọi quê hương
Có được quê hương bình yên hạnh phúc
Sự trả giá đến vô cùng của những mảnh đời riêng”
Khói lửa chiến tranh không còn nữa, nhưng sự hy sinh của những người mẹ vẫn còn. Trong chương trình ca cổ phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, nghệ sĩ Kim Ngà và Võ Hoàng Dư đã thể hiện thành công ca khúc Nghĩa tình quân nhân, nói về buổi chia tay của người mẹ với đứa con trai là bác sĩ quân y chuẩn bị lên đường vào miền Nam chống dịch. Chưa dứt nỗi đau mất chồng thì mẹ lại gạt nước mắt tiễn con lên đường làm nhiệm vụ với kỳ vọng con cùng đồng đội sẽ “đánh đuổi giặc covy”.
Dù là ở thời điểm nào đi nữa, những người mẹ Việt Nam vẫn giữ vẹn tấm lòng và sự hy sinh. Và dù cho đứng ở góc nhìn nào thì người mẹ trong lòng các nghệ sĩ, soạn giả Long An cũng đẹp và sáng ngời bởi sự hy sinh./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dep-sao-hinh-anh-nguoi-me-a125795.html