Dệt may đối diện nguy cơ bị áp phòng vệ thương mại

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cảnh báo nước này có thể áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với một số mặt hàng, đặc biệt là dệt may.

Doanh nghiệp dệt may cần nắm bắt các thông tin, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để chủ động trước những hàng rào kỹ thuật ở nước xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Doanh nghiệp dệt may cần nắm bắt các thông tin, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để chủ động trước những hàng rào kỹ thuật ở nước xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết: Chính phủ Indonesia tái khẳng định cam kết bảo vệ ngành dệt may trong nước trước làn sóng hàng nhập khẩu dệt may tràn ngập thị trường nội địa, gây sức ép lớn lên ngành dệt may.

Trước động thái trên, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo các doanh nghiệp (DN), hiệp hội xuất khẩu Việt Nam thuộc các nhóm hàng liên quan cần theo dõi sát sao thị trường, tham vấn các đơn vị hữu quan của Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia để có những giải pháp ứng phó trong trường hợp Indonesia áp dụng các biện pháp phòng vệ có liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trước xu hướng bảo hộ gia tăng, hàng hóa Việt Nam ngày càng đối diện nhiều hơn với các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài. Xu hướng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ngày càng mở rộng sang các nước đang phát triển cũng như các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Thông qua công tác cảnh báo sớm, các DN đã được cung cấp thông tin, giúp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc DN cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các DN có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.

Theo bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ở tất cả các nước, kiện phòng vệ thương mại là một quy trình pháp lý, đấu tranh về mặt kỹ thuật rất phức tạp. Qua theo dõi phần lớn các trường hợp kháng kiện chưa hiệu quả xuất phát từ việc bị động, thời gian chuẩn bị ngắn và bất ngờ trong việc ứng phó với những vụ kiện.

Bà Trang khuyến nghị, cảnh báo sớm giúp DN biết nguy cơ từ sớm và có sự chuẩn bị, giảm thiểu được thiệt hại. Bởi trong những vụ việc chúng ta đứng ở tâm thế tự vệ, và làm sao phải giảm thiểu tối đa thiệt hại. Khả năng phòng tránh thì khó, nhưng nếu có sự điều chỉnh thích hợp như: mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, giảm bớt độ nóng, sức ép của việc gia tăng quá mạnh xuất khẩu hàng hóa sang một thị trường,… cũng là một cách thức để tránh được nguy cơ.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/det-may-doi-dien-nguy-co-bi-ap-phong-ve-thuong-mai-10285404.html