Dệt may phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hơn 44 tỷ USD

Trái với thuận lợi những tháng đầu năm, khi lượng đơn hàng dồi dào, mức tăng trưởng cao, sang nửa cuối năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đối diện rất nhiều khó khăn về giá và đơn hàng sụt giảm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm cho người lao động. Bằng sự linh hoạt trong triển khai giải pháp thích ứng thị trường, đẩy mạnh sản xuất, các doanh nghiệp đã từng bước vượt khó và quyết phấn đấu, hướng tới mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 44 tỷ USD.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định.

Trong 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt khoảng 38 tỷ USD, bình quân mỗi tháng 3,8 tỷ USD. Với tình hình lạm phát và lượng tồn kho tăng cao, thị trường xuất khẩu chủ lực hàng dệt may Việt Nam đã bão hòa, các doanh nghiệp đang phấn đấu chặn đà giảm sâu, gắng gỏi giữ mức kim ngạch hơn 6 tỷ USD trong hai tháng cuối năm.

Thị trường đảo chiều

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, trái với sáu tháng đầu năm khi lượng đơn hàng dồi dào, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 15-20% mỗi tháng thì từ tháng 7 trở đi, đơn giá và lượng hàng có xu hướng giảm dần, khiến doanh nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn. Phần lớn doanh nghiệp ngành dệt may đang trong tình trạng “đói đơn hàng”, chỉ có số ít doanh nghiệp uy tín, bảo đảm chất lượng, thời gian cung ứng sản phẩm tốt mới duy trì được ổn định sản xuất.

Riêng đối với Hugaco, đơn hàng hiện có đến hết tháng 11 và nửa tháng 12, số thiếu hụt còn lại có thể bù đắp bằng việc nhận đơn hàng nhỏ của Hàn Quốc và một số thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc,... Không chỉ gặp khó khăn về số lượng đơn hàng, đơn giá hàng dệt may cũng bị giảm hơn 20%, thậm chí có đơn hàng giảm tới 40-50%.

Trong 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị tăng khoảng 8% so cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên các đơn hàng dễ đang bị thiếu vì chủ hàng có xu hướng rút khỏi Việt Nam, chuyển sang những thị trường có giá nhân công rẻ, thuế suất thấp như Bangladesh, Myanmar, châu Phi,...

Còn đơn hàng khó vẫn giữ ở thị trường Việt Nam nhưng lượng hàng bị phân chia, những doanh nghiệp trước đây làm hàng dễ giờ phải chuyển sang làm hàng khó nhằm duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm cho công nhân.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định Đào Văn Phương cho biết thêm, mặc dù thị trường năm nay có nhiều biến động nhưng bằng sự linh hoạt trong công tác điều hành, dự kiến doanh thu của đơn vị vẫn duy trì như năm 2021, đạt khoảng 450 tỷ đồng, cổ tức dự kiến chia 20%.

Từ tháng 7 trở đi, đơn giá và lượng hàng có xu hướng giảm dần, khiến doanh nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn. Phần lớn doanh nghiệp ngành dệt may đang trong tình trạng “đói đơn hàng”, chỉ có số ít doanh nghiệp uy tín, bảo đảm chất lượng, thời gian cung ứng sản phẩm tốt mới duy trì được ổn định sản xuất.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương

Với lợi thế sẵn có, khi khách hàng truyền thống của Nhật Bản chuyên đặt mặt hàng vải cao cấp may áo veston cho nên quý IV năm 2022 được dự báo gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn bảo đảm việc làm cho người lao động, đơn hàng hiện gần như đã lấp đầy sang quý I năm 2023. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đầu tư, đổi mới thiết bị, nâng cao công tác quản trị,... nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với các loại vải nhập khẩu.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu đánh giá, 10 tháng qua đối với ngành dệt may là giai đoạn thuận lợi và khó khăn đan xen. Bất ổn về thị trường do dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine gần như không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sáu tháng đầu năm của Vinatex, kết quả sản xuất, kinh doanh rất thuận lợi với doanh thu và lợi nhuận vượt kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, ngay từ đầu quý III, lượng đơn hàng và giá có xu hướng giảm mạnh khiến doanh nghiệp dệt may gặp không ít thách thức trong hoạt động sản xuất. Do nhận định tình hình và dự báo các tín hiệu của thị trường khá chính xác nên lãnh đạo Tập đoàn đã định hướng, lưu ý các đơn vị sản xuất tình huống xấu từ sớm để có biện pháp đối phó.

Qua đó, doanh thu hợp nhất trong 9 tháng của Tập đoàn vẫn đạt 14 nghìn tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 1.150 tỷ đồng, cao hơn 24% so kế hoạch. Mặc dù vậy, trong quý IV, do lạm phát tăng cao và lượng tồn kho lớn tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thời điểm cuối năm bị ảnh hưởng nặng nề.

Doanh thu hợp nhất trong 9 tháng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vẫn đạt 14 nghìn tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 1.150 tỷ đồng, cao hơn 24% so kế hoạch. Mặc dù vậy, trong quý IV, do lạm phát tăng cao và lượng tồn kho lớn tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thời điểm cuối năm bị ảnh hưởng nặng nề.

Chủ động thích ứng thị trường

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 vẫn đạt khoảng 38 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ tháng 9 và tháng 10 trở lại đây, lượng hàng xuất khẩu sụt giảm so với những tháng trước do khó khăn về đơn hàng, lượng tồn kho tăng cao; đặc biệt, tại Mỹ và EU, những thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam, đơn giá giảm khoảng 30%, tiến độ cung ứng nguyên phụ liệu bị chậm do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-Covid, gây khủng hoảng chuỗi logistics, lao động biến động,...

Mặc dù các doanh nghiệp trong ngành tìm mọi giải pháp để thúc đẩy sản xuất, giữ được lượng hàng xuất khẩu nhưng do xung đột Nga-Ukraine tác động mạnh đến giá năng lượng, thị trường nằm gần khu vực chiến sự và trong chiến sự không thực hiện được việc xuất khẩu hàng hóa. Một vấn đề nghịch lý khác, từ đầu năm đến tháng 7, khách hàng đặt lượng hàng rất lớn nhưng lại rơi đúng vào thời điểm các nước phát triển không đạt mức tăng trưởng kinh tế như mong muốn, lạm phát tăng cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng giảm.

Khi hàng tồn kho không tiêu thụ được, các nhãn hàng, khách hàng buộc phải dừng đặt hàng, thậm chí lùi thời gian giao hàng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. “Trước đây, có tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2-4,3 tỷ USD, nay giảm xuống chỉ còn khoảng 3 tỷ USD/tháng và còn có những tín hiệu xấu đi. Các đơn vị đang cố gắng giữ vững dòng chảy thị trường đến hết năm, duy trì ở mức khoảng 3 tỷ USD/tháng để tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt hơn 44 tỷ USD, tăng 17,2% so năm 2021”, Phó Chủ tịch Vitas Trương Văn Cẩm hy vọng.

Nhiều doanh nghiệp dệt may tuy có đơn hàng đến hết năm, thậm chí có đơn gối đầu sang quý I năm 2023 nhưng số đó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may. Phần lớn các doanh nghiệp còn lại rơi vào tình trạng ăn đong, thiếu đơn hàng.

Trước tình trạng các nhãn hàng chào giá rất thấp, chỉ bằng 40-50% so giá cũ, Vitas khuyến nghị các doanh nghiệp hết sức cẩn trọng, cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn đơn hàng với mục tiêu bảo đảm việc làm nhưng tránh gây lỗ, cố gắng bảo đảm khấu hao, giữ vững thu nhập cho người lao động.

Chung quan điểm, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu khẳng định, những tháng cuối năm, ngành dệt may gặp rất nhiều thách thức khi giá nguyên phụ liệu, các khoản chi phí tăng cao nhưng lượng hàng và đơn giá giảm mạnh. Đặc biệt, ngành sợi tiếp tục đối diện diễn biến bất lợi khi giá bông nhập khẩu tháng 9 tăng khoảng 46% so thời điểm đầu năm và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới, trong khi giá sợi xuất khẩu trung bình của Việt Nam có xu hướng giảm mạnh, hiện ở quanh mức 2,8 USD/kg sợi, giảm 15% so thời điểm đầu năm 2022.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường dệt may dự báo sẽ trầm lắng đến hết quý IV năm 2022 và kéo dài sang năm 2023. Bên cạnh đó, thị trường tài chính-tiền tệ cũng ảnh hưởng khá tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đỉnh điểm vào tháng 9 vừa qua, giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị và giá bán sợi trung bình đã ngang bằng nhau, doanh nghiệp lỗ toàn bộ phần biến phí. Do đó, các đơn vị sản xuất sợi phải lường trước khả năng lượng sợi tồn kho tăng cao, lỗ rất sâu, cân nhắc giảm sản xuất hoặc dừng sản xuất có lựa chọn.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường dệt may dự báo sẽ trầm lắng đến hết quý IV năm 2022 và kéo dài sang năm 2023. Bên cạnh đó, thị trường tài chính-tiền tệ cũng ảnh hưởng khá tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Mặc dù tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng khoảng 15 điểm, lên quanh mức 23.715 đồng/USD, mất giá 3,8% so với đồng USD, nhưng đây là mức thấp nhất trong các quốc gia xuất khẩu dệt may, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về giá,...

Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đề ra, các doanh nghiệp dệt may phải linh hoạt triển khai các giải pháp nhằm giữ vững lực lượng lao động, bảo đảm các điều kiện tốt nhất để triển khai sản xuất trong mọi tình huống.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, doanh nghiệp dệt may nhanh chóng hoàn thiện hệ thống quản trị, đáp ứng nhu cầu quản trị nhanh chóng, tức thời; duy trì và ổn định chất lượng sản phẩm; bố trí sản xuất linh hoạt, tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn; đồng thời, cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để có thể tổ chức sản xuất chủ động ngay khi thị trường có tín hiệu khởi sắc.

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/det-may-phan-dau-dat-muc-tieu-kim-ngach-xuat-khau-hon-44-ty-usd-54779