Dệt may Việt Nam đón đầu xu hướng vải tái chế
Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hà Nội và Tập đoàn Hansae vừa ký kết thỏa thuận xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược và đặc quyền về dự án vải tái chế.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông K.Kim – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hansae cho biết, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ tới đời sống của nhân loại, điều này đã thúc đẩy những biện pháp hành động mạnh mẽ hơn của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Không nằm ngoài xu hướng đó, ngành dệt may cũng đã và đang khởi động phát triển các sản phẩm xanh, dệt may tái chế… nhằm giảm bớt lượng rác thải. Với sự kiện lần này, Vinatex, Hanosimex và Tập đoàn Hansae sẽ là những đơn vị đầu tiên trong ngành Dệt May Việt Nam tạo ra bước ngoặt mang tính “lịch sử” với việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện từ sợi – dệt – nhuộm – may dành riêng cho các sản phẩm tái chế.
Hansae tin tưởng với đội ngũ bán hàng giàu kinh nghiệm của Tập đoàn, cùng với đó là mạng lưới các đơn vị trải dài khắp cả nước của Vinatex sẽ là cơ hội giúp hai bên hợp tác sâu rộng hơn. Với Hanosimex, đây sẽ là “bước chân đầu tiên” mà Hansae bước đi cùng Vinatex để hiện thực hóa con đường phát triển, tạo ra sự thành công lớn sau này.
Ông Hồ Lê Hùng – Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội ( Hanosimex) nhận định, sản xuất sợi và vải từ xơ tái chế là lĩnh vực mới đối với Hanosimex. Do đó, trong thời gian tới Tổng Công ty sẽ nghiêm túc, tập trung nguồn lực, hợp tác chặt chẽ với Hansae để thực hiện thành công dự án này.
Đồng thời, ông Hùng cũng đề nghị các bộ phận liên quan của hai đơn vị khẩn trương triển khai các bước đi, công việc cụ thể để thực hiện dự án một cách nhanh chóng nhất, sớm mang lại hiệu quả cho đôi bên.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex Lê Tiến Trường đánh giá cao sự chuyển giao công nghệ từ phía đối tác, đặc biệt là Hansae nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh của các đơn vị trong hệ thống, đặc biệt là Hanosimex
Cũng theo ông Lê Tiến Trường, nền kinh tế tuần hoàn và các sản phẩm quần áo thân thiện với môi trường là một trong những xu hướng của thị trường dệt may thế giới. Từ nay cho tới năm 2050, EU sẽ có những quy định mới về sản phẩm dệt may, trọng tâm là các sản phẩm xanh.
Do đó, việc ký kết hợp tác chiến lược giữa Hanosimex và Hansae sẽ giúp hai bên tăng khối lượng và tỷ trọng các sản phẩm mặt hàng dệt kim có nguồn gốc tái chế, sản phẩm thời trang xanh thân thiện với môi trường.
Với tư cách là công ty mẹ, Vinatex cam kết hỗ trợ Hanosimex trong các chương trình về đào tạo nguồn nhân lực, nền tảng quản lý (hệ thống hạ tầng kỹ thuật số) dựa trên lợi ích chung, tuân thủ pháp luật và xu hướng thị trường thời trang trên toàn thế giới.
Vinatex đánh giá cao sự chuyển giao công nghệ từ phía đối tác, đặc biệt là Hansae nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh của các đơn vị trong hệ thống, đặc biệt là Hanosimex.
Ông Nguyễn Song Hải – Phó Tổng Giám đốc Vinatex, Chủ tịch HĐQT Hanosimex cho biết, ngay sau buổi ký kết đơn hàng đầu tiên, khoảng 4.000 tấn vải tái chế dành cho thị trường EU sẽ được đưa vào sản xuất. Đồng thời tiếp tục hoàn thành làm mẫu các sản phẩm sợi, vải, phát triển thành công các thị trường khác như: Mỹ, Nhật Bản… với cả hai mặt hàng vải là dệt kim và dệt thoi nhằm đưa doanh số của cả hai bên đạt 500 triệu USD vào năm 2025 và 1 tỷ USD vào năm 2030.
Nguyễn Phương
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/det-may-viet-nam-don-dau-xu-huong-vai-tai-che-223181.html