Dệt May Việt Nam (VGT): Lợi nhuận nửa đầu năm 2025 tăng 112%
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (mã cổ phiếu VGT) cho biết lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay tăng 112% so với cùng kỳ năm 2024, chạm mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh nửa đầu năm 2025 của Dệt may Việt Nam.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh nửa đầu năm 2025 vừa diễn ra, ông Phạm Văn Tân - Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam (mã cổ phiếu VGT - sàn UPCoM) cho biết, tập đoàn đã ghi nhận 9.048 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 598 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm nay, lần lượt tăng 8% về doanh thu và 112% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2024.
Qua đó, Dệt May Việt Nam đã hoàn thành 49% mục tiêu doanh thu và gần 66% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Đây cũng là những kết quả kinh doanh bán niên cao nhất trong 3 năm trở lại đây của tập đoàn này.
Các thị trường xuất khẩu chính của Dệt may Việt Nam bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, và Trung Quốc. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, chiếm tỷ trọng 43,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Lao động bình quân 6 tháng đầu năm của tập đoàn là 47.852 người với mức thu nhập bình quân 11,2 triệu đồng/người/tháng.
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Dệt May Việt Nam chia sẻ, những kết quả trên đánh dấu rõ nét sự hồi phục trở lại của toàn tập đoàn sau giai đoạn thị trường diễn biến đặc biệt phức tạp, cho thấy các đơn vị thành viên đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tận dụng cơ hội khi thị trường khởi sắc.
“Điều này chứng tỏ, các đơn vị trong tập đoàn đã có sự chuẩn bị và hướng đi đúng đắn trong giai đoạn khó khăn vừa qua, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để tận dụng được những cơ hội thị trường ngay khi vừa xuất hiện, chủ động tăng tốc, thiết lập các giải pháp đột phá để tăng tối đa hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025”, ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Dệt May Việt Nam nhấn mạnh giai đoạn 6 tháng cuối năm 2025 sẽ tiếp tục là giai đoạn nhiều biến động, đặc biệt là từ chính sách thương mại quốc tế. Do đó, yêu cầu đặt ra cho toàn tập đoàn là tập trung tối đa cho công tác thị trường, tăng năng suất lao động tổng hợp, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất và tiêu hao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.