Dệt 'sợi nhớ, sợi thương'

Qua trung tâm xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng), con đường 'độc đạo' quanh co, đôi khi dốc dựng đứng, hai bên là rừng cây xanh bạt ngàn đưa tôi đến thôn Trà Chẩu - nơi có nghề dệt truyền thống nổi tiếng. Càng tới gần, những thanh âm dệt vải càng rộn ràng như mời gọi khách phương xa tới thăm thôn người Dao họ đang 'vào mùa' may áo mới.

Tiếng lách cách thoi đưa dẫn bước chân tôi tới nhà bà Đặng Thị Chỉ. Trước hiên nhà, bà Chỉ đang miệt mài ngồi dệt vải bên khung cửi mà không biết sự có mặt của tôi. Dù đã ở “tuổi xưa nay hiếm”, nhưng đôi tay nhuộm màu chàm vẫn thoăn thoắt, nhịp nhàng đưa thoi. Gần 50 năm gắn bó với nghề dệt truyền thống của dân tộc, bà Chỉ thực hiện các thao tác thuần thục. Tấm vải bà đang dệt có chiều dài tính bằng 90 sải tay, được dùng để may những chiếc yếm xinh xắn - phần quan trọng không thể thiếu trong trang phục truyền thống của phụ nữ Dao họ.

Theo bà Chỉ, phụ nữ người Dao họ được các bà, các mẹ truyền dạy nghề dệt từ lúc 15 - 16 tuổi nên hầu như cô gái người Dao họ nào đến tuổi lấy chồng cũng biết dệt, biết thêu và may vá. Đó không chỉ là nét đẹp văn hóa, mà còn thể hiện giá trị, sự khéo léo, chăm chỉ, chịu khó của phụ nữ.

Không chỉ là trang phục truyền thống, việc dệt vải để may chăn, đệm, mũ, khăn hoặc túi đeo… cho các thành viên trong gia đình đều do phụ nữ đảm nhiệm. Đàn ông sẽ giúp họ đóng khung cửi, căn chỉnh và sửa chữa. Các sản phẩm từ nghề dệt của người Dao họ còn được sử dụng trong những nghi lễ đặc biệt và cuộc sống hằng ngày, như chăn thổ cẩm dùng cho lễ cấp sắc, mũ đội đầu bảo vệ trẻ em tránh ma tà xâm nhập, địu trẻ khi lao động... Hơn nữa, trang phục truyền thống của người Dao họ không bán trên thị trường. Chính vì vậy, nghề dệt càng có vai trò quan trọng trong đời sống của họ.

Bà Chỉ tâm sự: Xưa kia, người dân trong thôn chủ yếu dệt bằng sợi bông, vì nhà nào cũng trồng cây bông. Bây giờ, mọi người dùng sợi bán sẵn ở ngoài chợ, giá cả phải chăng, tiết kiệm thời gian hơn. Mỗi lần kéo sợi hay dệt vải, các chị, em trong thôn cùng làm để hỗ trợ nhau các công đoạn, nhằm rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm, qua đó không chỉ giúp lan tỏa tình yêu với nghề truyền thống, mà còn tăng tình đoàn kết giữa các chị, em trong thôn.

Từ cuộn sợi được tính bằng cân mua ngoài chợ, để đưa vào được khung cửi phải trải qua nhiều công đoạn như kéo sợi, luộc sợi, hồ sợi bằng nước cháo, phơi khô, cuốn sợi thành lô… Đặc biệt, khi luộc sợi phải đun liên tục trong nhiều giờ, để lửa cháy đều, đồng thời nấu nồi cháo gạo tẻ to, rồi lọc lấy nước cháo đổ lên các nắm sợi, tiếp đó vò đi vò lại thật kỹ để hồ thấm đều. Sau đó, cho bó sợi lên cây sào và phơi nắng đến lúc thật khô. Làm như vậy sợi mới dai, không xù, lúc kéo không bị đứt và dệt được tấm vải đẹp. Đặc biệt, khi dệt vải, người Dao họ có những điều kiêng kỵ tuyệt đối như khi kéo sợi không được nói những điều không hay, không được bước chân qua sợi chỉ (kể cả trẻ em hay bất kỳ con vật nuôi nào), nếu không sẽ làm sợi chỉ dễ đứt, không may mắn.

Để dệt được tấm vải phải kỳ công như vậy nên bao năm qua, bà Chỉ cũng như nhiều người cao tuổi trong thôn tựa những con ong cần mẫn, hằng ngày miệt mài góp nhặt, gìn giữ nét đẹp tinh túy của nghề dệt truyền thống trao truyền cho thế hệ sau.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nghề dệt truyền thống, từ nhỏ chị Bàn Thị Ky đã được xem bà, mẹ ngồi bên khung dệt, miệt mài chuốt sợi để làm nên những tấm áo, chiếc khăn đẹp mắt. Tình yêu với nghề dệt truyền thống của chị Ky đã được nuôi dưỡng từ những năm tháng tuổi thơ như thế. Lớn lên, chị được mẹ dạy cách kéo sợi, xe chỉ, dệt vải, nhuộm màu. Cứ thế, niềm đam mê của chị dành cho từng nhịp thoi đưa, từng đường kim, mũi chỉ lớn dần theo thời gian.

Chị Bàn Thị Ky bộc bạch: Tôi được bà nội và mẹ dạy thêu và dệt vải từ lúc 15 tuổi. Đến khi lấy chồng, tôi tự may quần áo cho mình và người thân trong gia đình. Đến bây giờ, tôi cũng truyền dạy lại nghề dệt cho 2 con gái của mình. Tôi mong các con, cháu người Dao họ chịu khó học nghề dệt để vừa biết làm trang phục dân tộc và nhiều sản phẩm khác, vừa góp phần giữ gìn nghề truyền thống...

Ngày nay, người Dao họ đã có nhiều thay đổi trong phong tục, tập quán, không còn thách cưới bằng bạc nén, trâu, bò, lợn, gà như trước nhưng vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, trong đó nghề dệt là nét đẹp văn hóa mà người Dao họ nơi đây đang rất thành công trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị.

Đặc biệt, tháng 4/2022, nghề dệt của người Dao họ ở xã Sơn Hà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực để chính quyền và người dân nơi đây tiếp tục giữ gìn, bảo tồn nghề dệt truyền thống - niềm tự hào của người Dao họ.

Rời Trà Chẩu khi mặt trời đã xuống núi, sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình của bà con trong thôn, tiếng lách cách thoi đưa và hình ảnh những phụ nữ Dao họ cần mẫn, miệt mài bên khung cửi càng khiến tôi ấn tượng với mảnh đất này. Trò chuyện với các bà, các chị người Dao họ, tôi cảm nhận được tình yêu họ dành cho nghề dệt truyền thống cũng như bộ trang phục họ mặc trên người. Đối với phụ nữ người Dao họ, dù đi đâu về đâu, xa quê hương bao lâu nhưng khung cửi và những sợi chỉ trắng muốt luôn như những “sợi nhớ, sợi thương” chứa đựng bao tâm tư, tình cảm, tấm lòng của họ dành cho những người thân yêu, cho quê hương, thôn bản.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363999-det-soi-nho-soi-thuong