ĐH Hùng Vương TP.HCM tổ chức diễn đàn hợp tác quốc tế về giáo dục nghề Việt - Trung
Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM hợp tác cùng trường, doanh nghiệp của Trung Quốc để phát triển 'tiếng Trung + kỹ năng nghề' đối với nhân lực.
.t1 { text-align: justify; }
Ngày 10/7/2025, tại thành phố Hồ Chí Minh, diễn đàn“Hợp tác quốc tế về giáo dục nghề giữa Trung Quốc và Việt Nam” đã chính thức diễn ra. Sự kiện được tổ chức với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực đào tạo nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nhà máy và tập đoàn lớn đang hoạt động tại Việt Nam.
Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh cả Việt Nam và Trung Quốc đều đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp, kéo theo nhu cầu cấp thiết về nguồn lao động có tay nghề cao và phù hợp với yêu cầu thực tiễn sản xuất.
Diễn đàn“Hợp tác quốc tế về giáo dục nghề giữa Trung Quốc và Việt Nam” do Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh (DHV) phối hợp cùng Trường Cao đẳng Nghề Phật Sơn - Trung Quốc và Hội Liên hiệp Doanh nghiệp Quảng Đông tại Việt Nam tổ chức. Diễn đàn thu hút sự quan tâm, hưởng ứng từ đông đảo trường cao đẳng nghề tại Việt Nam, các chuyên gia giáo dục, phụ huynh cùng sinh viên.
Diễn đàn có sự tham gia của ông Từ Châu - Phó Tổng Lãnh sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh; ông Lê Thắng Lợi - Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam; ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM); bà Đào Thị Lê - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật và Cao đẳng Việt Nam (ATEC).
Về phía Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh có sự góp mặt của Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung - Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng các giảng viên, sinh viên nhà trường.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao, diễn đàn được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gắn kết, bền chặt và hiệu quả hơn trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Diễn đàn “Hợp tác quốc tế về giáo dục nghề giữa Trung Quốc và Việt Nam” do Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh (DHV) phối hợp cùng các đơn vị tổ chức. Ảnh: DHV
Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Từ một cơ sở giáo dục trẻ, trường đã từng bước xây dựng được uy tín, trở thành một trong những trường đại học định hướng ứng dụng có nền tảng đào tạo thực tiễn, linh hoạt và phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, giáo dục đại học phải đối mặt với nhiều yêu cầu mới".
Cô Mỹ Dung cho biết, trường xác định rõ đổi mới toàn diện công tác đào tạo là ưu tiên chiến lược trong giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo, với các định hướng chủ đạo như: Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng liên ngành - linh hoạt - thực tiễn; Chuyển đổi số mạnh mẽ trong đào tạo và quản lý; Gắn kết doanh nghiệp – đào tạo theo đặt hàng; Phát triển đội ngũ giảng viên và môi trường học tập chất lượng; Hợp tác quốc tế và liên kết đào tạo.
Từ đó, Phó Hiệu trưởng nhà trường cam kết, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành một đơn vị đào tạo hiện đại - thực tiễn - linh hoạt, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: DHV
"Chúng tôi tin rằng giáo dục không chỉ là dạy kiến thức, mà là truyền cảm hứng học tập suốt đời, bồi dưỡng con người phát triển toàn diện. Với nền tảng 30 năm, cùng chiến lược phát triển đúng đắn, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng tiêu biểu tại Việt Nam. Rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ và hợp tác của các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp trong thời gian tới", Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung nhấn mạnh.
Diễn đàn “Hợp tác quốc tế về giáo dục nghề giữa Trung Quốc và Việt Nam” hướng tới mục tiêu hợp tác giữa Trường Cao đẳng Nghề Phật Sơn, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp Trung Quốc, nhằm xây dựng hệ thống đào tạo nhân lực kỹ năng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của 2 quốc gia.
Đặc biệt, chương trình tập trung vào nhu cầu nhân lực cho các nhà máy của tập đoàn Midea tại Việt Nam, đào tạo nhân tài có tầm nhìn quốc tế, thành thạo kỹ năng tiên tiến và phù hợp với đặc điểm chuỗi cung ứng Trung - Việt.
Đồng thời, diễn đàn cũng hướng tới việc thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và các đối tác ở địa phương. Mô hình này tận dụng hiệu quả lợi thế về giáo dục nghề nghiệp của Trường Cao đẳng Nghề Phật Sơn, nguồn lực địa phương của Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Qua đó, thúc đẩy quá trình quốc tế hóa giáo dục nghề nghiệp, phát triển mô hình kết hợp “tiếng Trung + kỹ năng nghề”, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Bên cạnh đó hướng tới mục tiêu thiết kế chương trình đào tạo và hệ thống thực hành chung, nhằm đào tạo giáo viên và xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng đào tạo và mở rộng quy mô nhân lực, cung cấp nguồn nhân lực ổn định cho doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ diễn đàn, ông Lê Thắng Lợi, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam bày tỏ: "Việc thiết lập cơ chế hợp tác hiệu quả giữa nhà trường, doanh nghiệp và các đối tác địa phương nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp hai nước là hoạt động quan trọng, góp phần hiện thực hóa chủ trương đã đề ra và tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được".

Ông Lê Thắng Lợi, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam. Ảnh: DHV
Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hóa các chương trình giáo dục và tăng cường hội nhập quốc tế, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh (DHV) và Trường Cao đẳng Nghề Phật Sơn đã chính thức công bố các lĩnh vực hợp tác chiến lược. Thỏa thuận này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp cho sinh viên Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể, hai bên tập trung triển khai 6 nội dung hợp tác trọng điểm như sau:
Thứ nhất, phát triển chương trình giáo dục không cấp bằng. Hai bên sẽ phối hợp tổ chức các khóa đào tạo kỹ thuật ngắn hạn (dưới 6 tháng) tập trung vào các lĩnh vực đang được quan tâm như: sản xuất thông minh, điện tử và công nghệ thông tin, xe năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo, điện, hàn, sửa chữa cơ khí, kinh tế và thương mại,… nhằm trang bị cho học viên các chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, chương trình đào tạo dự bị tiếng Trung (từ 3 tháng đến 2 năm) cũng sẽ được triển khai nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam.
Thứ hai, tổ chức các chuyến học tập ngắn hạn. Sinh viên từ các cơ sở giáo dục Việt Nam sẽ được sang Trường Cao đẳng Kỹ thuật Phật Sơn (Foshan Polytechnic) học tập trao đổi và hoạt động thực tế tại các doanh nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra, một phần tín chỉ học tập sẽ được hỗ trợ chuyển đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong quá trình học liên thông.
Thứ ba, khám phá và thúc đẩy cơ chế chuyển đổi tín chỉ trong mô hình đào tạo liên kết giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Thứ tư, xây dựng các dự án giáo dục tại Việt Nam, thiết kế chương trình học chung giữa Trung Quốc và Việt Nam, cử giáo viên Trung Quốc sang giảng dạy tại Việt Nam nhằm mang đến môi trường học tập đa dạng, chất lượng cao và chuẩn quốc tế cho sinh viên.
Thứ năm, triển khai mô hình đào tạo đặt hàng liên kết. Các chương trình đào tạo sẽ được thiết kế riêng theo nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Sinh viên sẽ học giai đoạn đầu tại Việt Nam, sau đó tiếp tục đào tạo chuyên sâu tại Trung Quốc theo hình thức đặt hàng từ doanh nghiệp.
Thứ sáu, chuẩn hóa chương trình học và tiêu chuẩn ngành nghề. Cơ sở giáo dục Trung Quốc sẽ cung cấp khung chương trình đào tạo, tài nguyên giảng dạy, giáo trình và tiêu chuẩn chứng nhận kỹ năng nghề cho các lĩnh vực công nghiệp cụ thể...

Đại diện Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Nghề Phật Sơn ký hợp tác. Ảnh DHV

Ảnh: DHV

Đại diện tổ chức tham gia chương trình hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: DHV

Sinh viên Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh cùng sinh viên Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn. Ảnh: DHV
Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trường đại học ngoài công lập đầu tiên và lâu năm tại Việt Nam. Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo.
Từ một cơ sở giáo dục trẻ, trường đã từng bước xây dựng được uy tín, trở thành một trong những trường đại học định hướng ứng dụng có nền tảng đào tạo thực tiễn, linh hoạt và phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Với hơn 22.000 cử nhân và thạc sĩ đã tốt nghiệp, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh (DHV) đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đáng chú ý, giai đoạn 2008 - 2010 chứng kiến quy mô sinh viên đạt đỉnh với hơn 10.000 người, một minh chứng rõ nét cho uy tín và vị thế của nhà trường.