ĐHCĐ Vietnam Airlines (HVN): Thời điểm khó khăn nhất đã qua

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) khẳng định như vậy tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 sáng 21/6.

ĐHCĐ Vietnam Airines

ĐHCĐ Vietnam Airines

Năm 2023, Vietnam Airlines Group đã vận chuyển hơn 24,1 triệu lượt hành khách và 230.000 tấn hàng hóa, tăng lần lượt 16,4% và 5,8% so sánh cùng kỳ. Kết quả khai thác khả quan giúp Vietnam Airlines đạt 93.265 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, cao hơn cùng kỳ năm 2022 gần 30% và tiệm cận mức đỉnh năm 2019. Mức lỗ hợp nhất trước thuế giảm 5.583 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2022. Quý I/2024, Vietnam Airlines đã có lãi hơn 4.000 tỷ đồng.

Để có kết quả trên, Vietnam Airlines đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp tự thân, bám sát diễn biến thị trường. Hãng đã khôi phục mạng đường bay quốc tế tương đương 90% năm 2019, mở thêm các đường bay mới như Hà Nội/TP.HCM - Mumbai, Hà Nội - Melbourne, TP.HCM – Perth. Mạng đường bay nội địa tiếp tục khai thác với số lượng đường bay đã phục hồi tương đương 2019. Hãng triển khai tốt công tác thương mại, quảng cáo, truyền thông, giúp gia tăng doanh thu và nâng cao hình ảnh, thương hiệu của Vietnam Airlines.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines chú trọng quản trị chi phí, triệt để tiết kiệm. Ngoài việc giảm chi phí theo quy mô sản lượng, Tổng công ty đã triển khai tiết kiệm chi phí, đàm phán giảm giá, giãn hoãn thanh toán… giúp cắt giảm được chi phí với số tiền ước tính đạt hơn 3.200 tỷ đồng. Đồng thời, Vietnam Airlines chủ động tái cơ cấu các khoản nợ vay, sử dụng linh hoạt nguồn vốn vay ngắn hạn.

Năm 2024, kinh tế - chính trị thế giới vẫn khó khăn với các xung đột địa chính trị kéo dài và giá nhiên liệu duy trì ở mức cao 104 USD/thùng. Lãi suất USD duy trì ở mức cao, ảnh hưởng tỷ giá ngoại tệ và chi phí đầu vào. Dự báo sản lượng khách toàn cầu phục hồi hoàn toàn so với 2019, nhưng châu Á – Thái Bình Dương cần thêm thời gian, đặc biệt Đông Bắc Á. Rủi ro vĩ mô và quá tải hạ tầng sân bay vẫn tiềm ẩn. Vấn đề nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney triệu hồi động cơ trên toàn cầu gây thiếu hụt tàu bay, ảnh hưởng khai thác.

Trong nước, bức tranh kinh tế vĩ mô có nhiều điểm tích cực như kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng ổn định, thị trường hàng không nội địa tăng trưởng 6%-8%. Đây là cơ sở để Vietnam Airlines tiếp tục đặt mục tiêu lớn về giảm số lỗ còn lại và hướng tới cân đối được thu chi.

Để đạt được mục tiêu này, ông Đặng Ngọc Hòa cho biết, Vietnam Airlines triển khai các giải pháp đồng bộ trên mọi mặt sản xuất kinh doanh. Đối với thị trường quốc tế, hãng sẽ mở rộng mạng bay quốc tế với các đường bay mới đến Tây u và Đông Nam Á trong năm 2024. Đối với thị trường nội địa, hãng điều chỉnh tần suất bay để phù hợp với nhu cầu thị trường, duy trì thị phần chính trên các đường bay trọng điểm và tăng tải trên các đường bay du lịch. Tổng công ty chủ động xây dựng các phương án điều hành theo các kịch bản kế hoạch, nâng cao năng lực quản trị điều hành sản phẩm và giá cả.

Đối với đội tàu bay, Vietnam Airlines tập trung chuẩn bị đầu tư dự án tàu bay thân hẹp, dự án chuyển đổi cấu hình các tàu bay A321ceo để nâng cao hiệu quả khai thác, đáp ứng nhu cầu của thị trường và phát triển trên cơ sở phù hợp với định hướng tái cơ cấu đội tàu bay. Tổng công ty cũng sẽ hoàn thành chuẩn bị đầu tư Tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành để chuyển sang giai đoạn thực hiện đầu tư.

Hãng tiếp tục triển khai tái cơ cấu nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Các giải pháp tái cơ cấu tập trung hoàn thành thoái vốn tại một số công ty thành viên và trình cấp thẩm quyền về phương án gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn, đồng thời đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tổ chức, giảm tầng nấc trung gian, đầu tư công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn lực.

Ông Đặng Ngọc Hòa cho biết: “Hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp toàn diện về tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư, tổ chức bộ máy và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Mục tiêu lớn là giảm lỗ, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024.”

Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết, tình trạng thiếu hụt máy bay còn kéo dài. Một là do từ tháng 9/2023, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney đã thông báo về việc triệu hồi động cơ PW 1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên 42 máy bay Airbus A321 NEO do Vietnam Airlines và VietJet Air khai thác. Việc này làm 50% số máy bay Airbus A321 NEO phải dừng khai thác từ tháng 1/2024. Thứ hai là các hãng hiện xếp hàng mua máy bay mới đặt từ hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới gồm Boeing và Airbus. “Nếu đặt từ bây giờ thì tận 2030 mới được giao tàu”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.

Thủy Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dhcd-vietnam-airlines-hvn-thoi-diem-kho-khan-nhat-da-qua-post347923.html