ĐHĐCĐ NCB: Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 19.280 tỷ đồng, có lãi trước phương án tái cơ cấu
Sáng 29/3, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - mã: NVB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên, trong đó trình Đại hội thông qua phương án lợi nhuận 59 tỷ đồng trước PACCL cùng kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 19.280 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ thường niên 2025 ngân hàng NCB.
Thoái lãi dự thu hơn 3.200 tỷ, trích lập dự phòng hơn 1.700 tỷ dẫn đến khoản lỗ ròng lớn
The tờ trình tại Đại hội, ngân hàng cho biết trong năm 2024 đã thực hiện đầy đủ các giải pháp tài chính đề ra tại PACCL, bao gồm hoàn thành tăng vốn thêm 6.178 tỷ đồng nhờ hoàn tất phát hành 617,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ vào tháng 11/2024, qua đó nâng vốn điều lệ lên 11.780 tỷ đồng. Thu hồi, xử lý nợ đạt 130% so với kế hoạch theo PACCL.
Bên cạnh đó, NCB đã hoàn thành việc thoái toàn bộ lãi phát sinh sau 31/12/2016 theo đúng lộ trình đã xây dựng tại PACCL. Cụ thể, đã thu hồi thoái được 3.204 tỷ đồng lãi dự thu phải thoái trong đó thoái lãi dự thu các khoản cho vay là 2.790 tỷ đồng, thoái lãi dự thu khác 21 tỷ đồng, thu hồi lãi dự thu các khoản cho vay 393 tỷ đồng.
Về trích lập dự phòng, NCB thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ cho danh mục tài sản gán xiết nợ là cổ phiếu, các khoản đầu tư góp vốn và phải thu khó thu hồi theo quy định với giá trị trích lập 1.747,5 tỷ đồng trong 2024. Trong đó, trích lập dự phòng tài sản gán xiết nợ 1.417 tỷ đồng; trích lập dự phòng các khoản đầu tư, góp vốn 283 tỷ đồng; trích lập dự phòng và thu hồi các khoản phải thu khó đòi 47,5 tỷ đồng.
Đây chính là nguyên nhân chính khiến ngân hàng này ghi nhận lỗ trong năm 2024, ngân hàng báo lỗ trước PACCL khoảng 554 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ gần 660 tỷ đồng của năm 2023. Nếu thực hiện được như kế hoạch, 2025 sẽ là năm đầu tiên NCB có lợi nhuận dương trước trích lập dự phòng theo PACCL.
Đẩy nhanh thực hiện PACCL với kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 19.280 tỷ đồng
Năm 2025, NCB tiếp tục thực hiện lộ trình PACCL, trong đó tập trung vào kế hoạch kinh doanh và kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, về ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước phương án cơ cấu lại (PACCL) năm 2025 đạt 59 tỷ đồng, tức có lãi trở lại sau 2 năm lỗ ròng liên tục. NCB cam kết dùng toàn bộ lợi nhuận để thực hiện nghĩa vụ theo PACCL.
Tổng tài sản dự kiến đạt 135.500 tỷ đồng (tăng 14.6%), huy động khách hàng đạt 118.500 tỷ đồng (tăng 23,2%); cho vay khách hàng đạt 92.528 tỷ đồng (tăng 30%). Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 56% (7.586 tỷ đồng).
Về phương án tăng vốn điều lệ trình Đại hội, ban lãnh đạo NCB đề xuất phương án chào bán 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương tăng 63,67% vốn điều lệ NCB tại thời điểm chào bán. Sau khi hoàn tất đợt tăng vốn, NCB sẽ nâng vốn điều lệ từ 11.780 tỷ đồng lên 19.280 tỷ đồng.
Thời gian dự kiến phát hành trong khoảng quý II – quý IV/2025, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nhận được hộ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp, NCB dự kiến huy động thêm 7.500 tỷ đồng từ đợt chào bán. Toàn bộ số tiền được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Theo ban lãnh đạo NCB, việc tăng vốn điều lệ không chỉ giúp ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống chịu trước rủi ro thị trường, mà còn đóng vai trò then chốt để triển khai thành công và đẩy nhanh tiến trình thực hiện Phương án cơ cấu lại (PACCL) giai đoạn 2023 – 2025, và định hướng đến năm 2030.
Tăng vốn điều lệ cũng là một nội dung trong phương án khắc phục dự kiến trường hợp được can thiệp sớm mà NCB trình Đại hội thông qua. Theo tờ trình Đại hội, NCB cho biết đã triển khai việc kiểm tra mức chịu đựng của vốn dựa trên kịch bản căng thẳng trong quá trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP). Kết quả đánh giá này sẽ xác định mức vốn mục tiêu cần duy trì và là cơ sở để lập kế hoạch vốn cho NCB trong giai đoạn trung hạn. Theo đó, ngân hàng có kế hoạch xây dựng lộ trình tăng vốn cụ thể để đảm bảo khắc phục dần tình trạng thiếu vốn và đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn.
“Để đảm bảo an toàn vốn đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, cũng như đáp ứng kế hoạch kinh doanh, duy trì mục tiêu phát triển bền vững của ngân hàng, NCB cần bổ sung vốn điều lệ, gia tăng vốn tự có”, tờ trình của NCB nêu rõ.