ĐHQGHN công bố đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025

Ngày 9/8, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức công bố đề thi tham khảo bài thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông thứ hai.

Đề tham khảo được thiết kế phục vụ đối tượng dự thi là học sinh theo học chương trình trung học phổ thông mới tham dự các đợt thi tổ chức từ năm 2025.

Bài thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông của Đại học Quốc gia Hà Nội được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh trung học phổ thông đạt được theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thông qua nội dung chương trình giáo dục phổ thông, bài thi đánh giá ba nhóm năng lực cốt lõi: Giải quyết vấn đề và sáng tạo; Giao tiếp và hợp tác; Tự chủ và tự học, tìm hiểu, khám phá và ứng dụng khoa học tự nhiên và/hoặc khoa học xã hội và một số năng lực đặc thù (Năng lực ngôn ngữ, tính toán, lập luận, tư duy logic, tin học và năng lực Tiếng Anh).

Điểm mới trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cấp độ cao. Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực. Đây là những thay đổi chất về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực.

Đặc biệt từ năm 2025, bên cạnh phần thi Khoa học, năm nay cấu trúc đề thi đánh giá năng lực có thêm phần thi tiếng Anh để thí sinh đăng ký các ngành học liên quan ngôn ngữ có thể lựa chọn để phục vụ cho công tác xét tuyển.

 Điểm mới trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Ảnh: VNU.

Điểm mới trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Ảnh: VNU.

Cụ thể, cấu trúc bài thi gồm 3 phần với giới hạn thời gian làm bài lần lượt là 75 phút, 60 phút và 60 phút. Phần thứ nhất về Toán học và xử lí số liệu/Tư duy định lượng (thang điểm 50) bao gồm 50 câu hỏi, trong đó có 35 câu hỏi trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn và 15 câu hỏi điền đáp án, chưa bao gồm câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.

Phần thứ hai về Văn học - Ngôn ngữ/Tư duy định tính cũng được tính trên thang điểm 50 và bao gồm 50 câu hỏi (trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn). Trong đó có 25 câu hỏi đơn và 5 chùm câu hỏi gồm 1 ngữ cảnh đi kèm 5 câu hỏi, chưa bao gồm câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.

Phần thi thứ ba cho phép thí sinh lựa chọn Khoa học hoặc Tiếng Anh, bao gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn và điền đáp án, chưa bao gồm câu hỏi thử nghiệm không tính điểm, tính trên thang điểm 50.

Về phần thi Khoa học, thí sinh chọn 3 trong tổng số 5 chủ đề: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Mỗi chủ đề có từ 16 đến 17 câu hỏi, trong đó có các câu hỏi đơn và 1-2 chùm câu hỏi gồm 1 ngữ cảnh đi kèm 3 câu hỏi. Trong một lựa chọn, hai chủ đề thuộc cùng lĩnh vực (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội) có 17 câu hỏi/1 chủ đề, chủ đề còn lại có 16 câu hỏi. Các chủ đề thi về Vật lí, Hóa học, Sinh học có tối thiểu 01 câu hỏi điền đáp án/1 chủ đề.

Về phần thi Tiếng Anh, thí sinh có 50 câu hỏi câu hỏi trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn trong đó là 35 câu hỏi đơn và 3 chùm câu hỏi gồm 1 ngữ cảnh đi kèm 5 câu hỏi về từ vựng, ngữ pháp, diễn đạt trong văn bản viết, đọc hiểu văn bản, tình huống,... Phần này được thiết kế để phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.

Kiến thức phân bổ tương đối như sau: lớp 10 khoảng 10%; lớp 11 khoảng 30%; lớp 12 khoảng 60%. Riêng chủ đề Vật lí, Sinh học có thể thay đổi trong khoảng 5% theo phân bổ chương trình giữa các lớp. Phần thi Tiếng Anh kiến thức trong chương trình lớp 12 khoảng 45%; kiến thức tổng hợp, vận dụng bậc cao trong chương trình khoảng 15%.

Đề thi tham khảo cung cấp dạng thức câu hỏi, cấu trúc bài thi để học sinh xây dựng kế hoạch học tập phù hợp yêu cầu của kỳ thi. Trong đề thi tham khảo cũng như đề thi chính thức, câu hỏi không sắp xếp từ dễ đến khó mà được xáo trộn một cách ngẫu nhiên theo ma trận cố định. Thí sinh làm bài tham khảo để quen với dạng thức bài thi, ôn tập bổ sung kiến thức, kỹ năng và luyện tập cách kiểm soát thời gian khi làm bài.

 Một số câu hỏi trong phần thi thứ nhất (Toán học và xử lí số liệu/Tư duy định lượng) của đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực học sinh phổ thông năm 2025 Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Chụp màn hình.

Một số câu hỏi trong phần thi thứ nhất (Toán học và xử lí số liệu/Tư duy định lượng) của đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực học sinh phổ thông năm 2025 Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Chụp màn hình.

Điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Trong bài thi chính thức, điểm đạt được trên máy sẽ hiện ra sau khi thí sinh kết thúc các phần thi. Đa phần các trường đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực có thể nhận hồ sơ theo tổng số điểm bài thi.

Tuy nhiên, một số trường có thể có thêm các yêu cầu về các chủ đề lựa chọn ở thi phần Khoa học (phần 3). Phần thi tiếng Anh được thiết kế để đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.

Theo hướng dẫn của đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực học sinh phổ thông năm 2025 Đại học Quốc gia Hà Nội, để đạt kết quả tốt, thí sinh phải kiểm soát tốt, biết cách phân phối thời gian đọc hiểu đầu bài, đọc hướng dẫn trước khi lựa chọn đáp án. Với mỗi phần, thí sinh cần phân chia tổng thời gian của từng phần chia cho số câu hỏi của phần đó để xác định thời gian cần thiết hoàn thành phần thi.

Nếu có thể, tiết kiệm thời gian của từng câu hỏi để xem lại toàn bộ các phương án đã trả lời, làm lại các câu hỏi khó trong hợp phần đó trước khi chuyển sang phần kế tiếp. Thời gian làm bài của mỗi phần được tính đủ để thí sinh kết thúc các câu hỏi. Tuy nhiên, nếu gặp phải một câu hỏi quá khó thì hãy làm câu hỏi tiếp theo sau đó trở lại câu hỏi đó nếu còn thời gian. Lưu ý là thí sinh đang làm bài ở phần nào thì không thể quay lại làm các câu hỏi ở phần trước đó.

Khi trở lại với câu hỏi khó, thí sinh hãy cố gắng phát huy tư duy logic để loại những đáp án không đúng. So sánh các câu trả lời đã chọn với các câu còn lại và tìm hiểu xem chúng khác nhau ở điểm gì. Sự khác biệt này có thể gợi ý cho câu trả lời đúng. Thí sinh có thể loại trừ các câu trả lời sai nhiều nhất có thể, sau đó lựa chọn đáp án dựa trên những mối liên hệ giữa đáp án và đầu bài.

Từ ngày 1/9 tới đây, thí sinh có thể truy cập vào Cổng đăng thí thi đánh giá năng lực của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội để làm bài trên máy tính.

Đề thi tham khảo đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2025 xem TẠI ĐÂY.

Đề thi tham khảo bài thi đánh giá năng lực và các tài sản thuộc bản quyền, sở hữu của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội. Mọi hành vi sao chép, sử dụng, công bố liên quan đến đề thi tham khảo bài thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông là không được phép khi chưa nhận được sự chấp thuận của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 6 đợt, với hơn 104000 tổng số lượt đăng ký, bắt đầu từ ngày 23/3 đến ngày 2/6/2024 tại 19 địa điểm thi. Thống kê số lượng thí sinh các tỉnh thành dự thi năm 2024, ngoại trừ Hà Nội, Nam Định là nơi có số thí sinh đăng ký nhiều nhất, kế đó lần lượt là Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Hưng Yên,…

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dhqghn-cong-bo-de-thi-tham-khao-ky-thi-danh-gia-nang-luc-nam-2025-post244682.gd