Đi bộ thôi chưa đủ, đi bộ theo cách này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Chúng ta đều biết rằng đi bộ có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng đi bộ như thế nào sẽ đem lại hiệu quả phòng ngừa bệnh tiểu đường?

Đi bộ là việc mà hầu hết mọi người đều làm hàng ngày. Với những người ít vận động hoặc lười tập thể dục nặng thì đi bộ là cách đơn giản nhất họ chọn để cơ thể "không bị ì". Thực tế, đi bộ cũng là cách vận động có lợi cho cơ thể, kể cả phòng bệnh tiểu đường. Theo một một nghiên cứu, để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, ngoài việc nên đi bộ bao nhiêu thì cách đi bộ cũng vô cùng quan trọng.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh vào ngày 28/11 chỉ ra rằng, đi bộ nhanh có thể làm giảm gần 40% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 sau này.

Đi bộ nhanh có thể làm giảm gần 40% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 sau này. Ảnh minh họa

Đi bộ nhanh có thể làm giảm gần 40% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 sau này. Ảnh minh họa

"Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng đi bộ thường xuyên có liên quan đến khả năng giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Điều này có nghĩa là những người dành nhiều thời gian đi bộ hơn mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn", tác giả chính của nghiên cứu, ông Ahmad Jayedi, trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe tại Đại học Khoa học Y tế Semnan ở Iran, cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu từ 508.121 người được theo dõi trong 10 nghiên cứu được công bố từ năm 1999 đến năm 2022 và phát hiện ra rằng: Sau trung bình 8 năm theo dõi, những người đi bộ đi bộ với tốc độ trung bình (từ 3,2km/h đến 4,8km/h) có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn 15% so với người đi bộ tốc độ chậm. Những người đi bộ với tốc độ khá nhanh (4,8km/h - 6,4km/h) có nguy cơ thấp hơn 24% so với những người đi bộ tốc độ bình thường. Và người đi bộ nhanh (hơn 6,4km/h) có nguy cơ thấp nhất - giảm 39% rủi ro.

Điều này có nghĩa, tốc độ đi bộ tăng 1 km/h giúp giảm 9% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Trong nghiên cứu này, tốc độ đi bộ tối thiểu là 4km/h tương đương với 87 bước/phút đối với nam và 100 bước/phút đối với nữ.

Theo tin đưa trên CNN, Tiến sĩ Robert Gabbay, giám đốc khoa học và y tế của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, cho biết, không có gì ngạc nhiên khi đi bộ nhanh hơn sẽ tốt hơn cho sức khỏe.

Tiến sĩ Carmen Cuthbertson, trợ lý giáo sư về giáo dục và nâng cao sức khỏe tại Đại học East Carolina, người không tham gia vào nghiên cứu, cũng cho biết trên CNN: Nghiên cứu này cũng xác nhận ý kiến cho rằng "cường độ đi bộ rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường".

Nghiên cứu trước đây cũng ủng hộ quan điểm cho rằng đi bộ nhanh hơn là một yếu tố dự báo tốt về sức khỏe. Ảnh minh họa

Nghiên cứu trước đây cũng ủng hộ quan điểm cho rằng đi bộ nhanh hơn là một yếu tố dự báo tốt về sức khỏe. Ảnh minh họa

Lợi ích của đi bộ nhanh

Theo Tiến sĩ Robert Gabbay, nghiên cứu này không chứng minh được mối quan hệ nhân quả, nhưng "người ta có thể tưởng tượng rằng tập thể dục cường độ cao có thể giúp khỏe mạnh hơn, giảm trọng lượng cơ thể, do đó kháng insulin và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường".

Tiến sĩ Michio Shimabukuro, giáo sư và chủ tịch khoa tiểu đường, nội tiết và chuyển hóa tại Trường Y thuộc Đại học Y Fukushima, đồng ý rằng "cường độ tập thể dục tăng lên do tốc độ đi bộ nhanh hơn có thể dẫn đến kích thích lớn hơn cho các chức năng sinh lý và tình trạng sức khỏe tốt hơn".

Tiến sĩ Borja del Pozo Cruz, nhà nghiên cứu chính về sức khỏe tại Đại học Cadiz ở Tây Ban Nha, người không tham gia vào nghiên cứu, đồng tình rằng tốc độ đi bộ cũng có thể phản ánh tình trạng sức khỏe, nghĩa là những người khỏe mạnh hơn có khả năng đi bộ nhanh hơn.

Nghiên cứu trước đây cũng ủng hộ quan điểm cho rằng đi bộ nhanh hơn là một yếu tố dự báo tốt về sức khỏe. Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy người có tốc độ đi bộ nhanh ít có dấu hiệu lão hóa hơn, đồng thời tuổi sinh học cũng trẻ hơn tới 16 tuổi khi bước vào trung niên.

Theo CNN, Insider

TT

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/di-bo-thoi-chua-du-di-bo-theo-cach-nay-se-lam-giam-dang-ke-nguy-co-mac-benh-tieu-duong-20231209204757683.htm