Dị dạng mạch máu não: Nguy cơ tử vong và tàn phế cao
Dị dạng mạch máu não thường có những biểu hiện khá mơ hồ như nhức đầu kéo dài hoặc có những cơn co giật… cho đến lúc vỡ dị dạng và gây xuất huyết não, mới gây nên những triệu chứng: nhức đầu, nôn mửa, rối loạn ý thức. Nếu không được thăm khám, phát hiện kịp thời có thể gây tử vong và tàn phế rất cao.
Nhận biết bệnh
Dị dạng mạch máu não có nhiều nguyên nhân, nhưng thường gặp và gây nguy hiểm nhất cho người bệnh là phình động mạch não và dị dạng động tĩnh mạch não. Phình động mạch não thường chỉ biểu hiện như: Nhức đầu mạn tính (50-70%), một số ít có dấu thần kinh khu trú như sụp mi, nhìn đôi… cho tới khi bị vỡ, gây triệu chứng như nhức đầu dữ dội, nôn mửa, rối loạn ý thức, hoặc đột tử tại chỗ (nên còn được gọi là sát thủ thầm lặng).
Dị dạng động tĩnh mạch não (AVM) là bệnh có tính chất bẩm sinh, nghĩa là mắc bệnh từ lâu nhưng triệu chứng rất mơ hồ như động kinh (dưới 30-40%), nhức đầu mãn tính, co giật động kinh cục bộ, hoặc tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe, cho tới khi khối phình vỡ gây ra các triệu chứng rõ nét hơn, như nhức đầu, nôn mửa, rối loạn ý thức, co giật, liệt tay, chân hay mặt. Dị dạng động tĩnh mạch não là sự kết nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch trong cơ thể.
Các động mạch vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến não. Tĩnh mạch mang máu thiếu oxy trở lại phổi và tim. Khi động tĩnh mạch não bị dị dạng sẽ phá vỡ quá trình quan trọng này. Dị dạng động tĩnh mạch não chiếm khoảng < 2% tất cả các cơn đột quỵ xuất huyết mỗi năm, đồng thời là nguyên nhân gây xuất huyết ở trẻ em và thanh niên bị xuất huyết não. Dị dạng động tĩnh mạch não làm giảm oxy đến mô não.
Với dị dạng động tĩnh mạch não, máu bỏ qua mạng lưới mao mạch và chảy trực tiếp từ động mạch đến tĩnh mạch. Máu chảy nhanh qua mạch máu vì nó không bị chậm lại bởi các mao mạch, dẫn đến các mô não bao quanh không thể dễ dàng hấp thụ oxy từ máu do chảy nhanh. Không có đủ oxy, các mô não suy yếu hoặc có thể chết hoàn toàn.
Các phương pháp chẩn đoán
Các phương pháp sau đây hiện đại, có giá trị giúp chẩn đoán và thường được sử dụng nhiều nhất.
Chụp cắt lớp vi tính sọ não (chụp CT): là phương pháp không xâm nhập. Sử dụng tia X để chụp hình ảnh các phần khác nhau của cơ thể. Chụp CT là một phương pháp tốt để phát hiện chảy máu não hoặc các vùng dịch xung quanh não. Cách chụp não này có thể được thực hiện với thuốc cản quang hoặc không. Chụp CT có thể nhìn thấy một dị dạng mạch máu não, đặc biệt là sau khi thuốc cản quang.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): cũng là phương pháp không xâm nhập. Đây là phương pháp tạo ra những hình ảnh có độ chi tiết cao của cơ thể mà không phải sử dụng tia X. Chụp động mạch MRA sử dụng “chuỗi xung” được thiết kế đặc biệt để hiển thị các động mạch và tĩnh mạch của não cũng như dị dạng mạch máu não.
Chụp mạch máu não số hóa xóa nền (DSA): Là phương pháp xâm nhập tối thiểu. Sử dụng một ống thông nhỏ được đưa vào động mạch ở háng. Ống thông này đi trong lòng mạch máu và được luồn lên các mạch máu từ háng về phía não dưới sự hướng dẫn của máy DSA. Thuốc cản quang được tiêm vào mạch máu não và hình ảnh của dị dạng mạch máu não sẽ xuất hiện. Các bác sĩ có thể thấy chính xác vị trí và kích thước của dị dạng này. Đây là phương pháp tiêu chuẩn vàng để các bác sĩ chẩn đoán xác định và thiết lập kế hoạch để điều trị can thiệp loại bỏ dị dạng mạch não.
Phương pháp điều trị
Với phình động mạch não, vỡ túi phình mạch não có thể gây 3/10 người tử vong trước viện, túi phình sẽ tái vỡ lần 2 trong khoảng 24-72 giờ và thời gian sau đó tỷ lệ tái vỡ 36-40%. Nhưng nếu tái vỡ lần 2 nguy cơ tử vong 60-80%. Vì vậy, nguyên tắc điều trị là bằng mọi cách phải loại bỏ túi phình mạch não thông qua can thiệp mạch não, phẫu thuật kẹp túi phình mạch não bằng clip hoặc điều trị nội khoa bảo tồn… Điều này tùy thuộc vào vị trí, kích thước, hình dạng, tình trạng vỡ hay chưa vỡ của túi phình, bên cạnh các nguy cơ gây bệnh như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá và độ tuổi của người bệnh… Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó có thể chỉ định các phương pháp điều trị hợp lý nhất. Bệnh nhân được điều trị với các phương pháp trên tỷ lệ lành bệnh thường hơn 95%.
Với dị dạng động tĩnh mạch não: Tùy theo cấu trúc và kích thước, vị trí của khối dị dạng AVM, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp can thiệp với mục đích loại bỏ giả phình gây xuất huyết não, giảm nguồn nuôi khối dị dạng hoặc giảm kích thước hoặc loại bỏ hoàn toàn khối dị dạng bằng cách sử dụng các phương pháp riêng biệt hoặc kết hợp: Nút mạch, xạ phẫu hoặc phẫu thuật.
Cách đề phòng bệnh
Phình động mạch não có thể bẩm sinh hoặc mắc phải. Những yếu tố nguy cơ như: Thuốc lá, huyết áp, tiểu đường hoặc thường xuyên sử dụng các chất kích thích trong đó thuốc lá là nguy cơ cao cho tạo phình mạch, huyết áp là yếu tố tạo điều kiện gây vỡ túi phình. Bệnh nhân có thể phòng ngừa bằng cách bỏ và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ đó.
Với dị dạng động tĩnh mạch não, nguyên nhân do bẩm sinh. Cách phòng ngừa hiệu quả chính là cần phát hiện sớm trước khi AVM vỡ, vì thế bệnh nhân cần lưu ý các triệu chứng bệnh để thăm khám, phát hiện và xử lý đúng chỉ định, không cho nó bành trướng và vỡ gây xuất huyết não, đến tàn phế, tử phong. Người bệnh cũng nên dự phòng động kinh (nếu có).
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng đã thực hiện can thiệp thành công nhiều ca dị dạng động tĩnh mạch não. Cách đây không lâu, bệnh viện đã tiến hành can thiệp thành công ca dị dạng động tĩnh mạch não phức tạp và đặc biệt cho một nữ bệnh nhân hơn 40 tuổi nhưng > 30 năm động kinh và đang bị động kinh kháng trị do khối dị dạng AVM khổng lồ xâm nhập gần hết bán cầu não trái bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Đây là phương pháp xâm nhập tối thiểu, giúp người bệnh không cần phải mổ sọ, có thể không cần gây mê nên hạn chế được các tai biến, biến chứng. Ngay sau khi can thiệp bệnh nhân đã cải thiện tình trạng nhức đầu kéo dài, giảm động kinh rõ và sức khỏe hồi phục tốt. Các bác sĩ tiếp tục lên kế hoạch điều trị để loại bỏ hoàn toàn khối dị dạng cho bệnh nhân.