Di dời dân bị ảnh hưởng quanh Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân

Thông số bụi và tiếng ồn từ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đã vượt ngưỡng đối với các khu nhà dân bên cạnh.

Ngày 10-11, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh, đã ký báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về giám sát bảo vệ môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Một góc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Một góc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Theo đó, từ đầu tháng 3-2020, khi kho than Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng bắt đầu hoạt động, bụi than xuất hiện nhiều hơn và lan rộng ra địa bàn thôn Vĩnh Phúc và thôn Vĩnh Tiến (Vĩnh Tân, Tuy Phong).

Ngoài ra các nhà máy hoạt động có lưu lượng chất thải phát sinh từ quá trình hoạt động rất lớn (nước thải, nước làm mát, khí thải, tro xỉ, bụi than…).

Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy bụi, tiếng ồn phát sinh từ các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đã ảnh hưởng đến khu vực dân cư thôn Vĩnh Phúc và thôn Vĩnh Tiến.

Kết quả phân tích mẫu không khí xung quanh khu vực dân cư thôn Vĩnh Phúc (tại các vị trí có khoảng cách từ 130 m đến 180 m so với tường rào Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng) cho thấy thông số bụi đã vượt từ 1,19 đến 1,63 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; tiếng ồn vào ban đêm đã vượt khoảng 1,05 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

Ngày 22-6, Bộ TN&MT có Công văn đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét sớm việc di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để tạo hành lang an toàn môi trường cho khu vực dân cư thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân. Nguyên nhân là sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hành lang cây xanh cách ly giữa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân với khu dân cư từ 10,84 ha đến nay chỉ còn 4,07 ha.

Tường rào của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng chỉ cách nhà dân khoảng 80 m và người dân thường xuyên phản ánh về ô nhiễm bụi than nên phải di dời để đảm bảo sức khỏe cho người dân, tránh nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại khu vực.

Đến tháng 8-2020, UBND tỉnh đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và các cơ quan có liên quan của tỉnh Bình Thuận khảo sát, lập chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nhìn từ Hòn Cau.

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nhìn từ Hòn Cau.

Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo rà soát, kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét giải quyết hài hòa việc chồng lấn quy hoạch giữa Khu bảo tồn biển Hòn Cau với các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Bến cảng Quốc tế Vĩnh Tân.

Tỉnh đã thống nhất chủ trương giao Sở NN&PTNT thực hiện Đề án “Rà soát, điều chỉnh phân khu chức năng Khu bảo tồn biển Hòn Cau” theo quy định.

Hiện, Sở NN&PTNT đang phối hợp Viện Hải dương học Nha Trang triển khai khảo sát đa dạng sinh học, thu thập thông tin dữ liệu kinh tế - xã hội các dự án trong khu vực và thực hiện các bước theo đề cương được duyệt.

UBND tỉnh cũng đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành Trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để giải quyết các tồn tại trong việc xử lý chất thải phát sinh có nguy cơ tác động đến môi trường xung quanh. Đặc biệt là vùng biển ven bờ, các tác động ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân trong vùng dự án, Khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Cau…

UBND tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ môi trường miền Nam chủ động giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của các nhà máy; đặc biệt là việc thu gom, xử lý chất thải.

Tuy nhiên, hiện một số nội dung vẫn chưa hoàn thành, một số vướng mắc vẫn chưa được giải quyết, nhất là các nội dung liên quan đến tiêu thụ tro, xỉ nhà máy nhiệt điện thay cho giải pháp chôn lấp hiện nay, việc xử lý dứt điểm bụi than phát sinh vào nhà dân vào thời điểm có gió lớn, lốc xoáy.

UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt “Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”, trong đó có các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo Đoàn giám sát thuộc Tổng cục Môi trường tiếp tục công tác kiểm tra, giám sát các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; qua đó yêu cầu các nhà máy khắc phục các tồn tại đảm bảo giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình hoạt động.

UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và các cơ quan có liên quan của tỉnh Bình Thuận khảo sát, lập chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn để thực hiện di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Bãi xỉ Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Bãi xỉ Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

UBND tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết các kiến nghị của tỉnh về việc đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ biển, đồng thời lưu chứa vật chất nạo vét của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Cùng với đó là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc tiêu thụ tro, xỉ nhà máy nhiệt điện than; chỉ đạo thực hiện việc đầu tư một trạm quan trắc không khí xung quanh tự động và một trạm quan trắc nước biển ven bờ tự động tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân,… để kịp thời cảnh báo, xử lý và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại khu vực.

Đối với việc xử lý tro xỉ tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, theo thiết kế, bãi xỉ có diện tích 59,5 ha, dung tích lưu chứa 7.456.000 m3 (chiều cao đổ tro, xỉ là 25 m); đê bao xây bằng đất, đá, cát,….

Tại bãi xỉ, Công ty bắt đầu chôn lấp tro xỉ từ tháng 4-2018, chiều cao lớn nhất của đê hiện tại là 5 m, được chia thành 16 ô nhỏ, tổng khối lượng tro, xỉ phát sinh cho đến tháng 10-2020 khoảng 3.277.620 tấn, được vận chuyển bằng xe chuyên dùng đến đổ tại bãi xỉ. Tổng khối lượng tro được chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu khoảng 290.065 tấn.

Bên cạnh chuyển giao tro xỉ phát sinh tại nhà máy cho một số đơn vị, Công ty đang nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền để phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng xuất tro xỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có công suất tiếp nhận tàu biển trọng tải đến 7.000 DWT để giảm tối đa chi phí vận chuyển và tiêu thụ tro, xỉ, cũng như mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.

Công ty cũng đã thực hiện việc đánh giá hợp chuẩn, hợp quy đối với tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng theo quy định của Bộ Xây dựng..

Đối với bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, theo thiết kế, bãi xỉ có diện tích 38,37 ha, dung tích lưu chứa 9.300.000 m3 (chiều cao đổ tro, xỉ là 27 m).

Công ty bắt đầu chôn lấp tro xỉ vào năm 2015, chiều cao lớn nhất của đê hiện tại là 20 m, tổng khối lượng tro, xỉ phát sinh cho đến nay khoảng 6.598.661 tấn được vận chuyển bằng xe chuyên dùng đến đổ tại bãi xỉ. Tổng khối lượng tro được chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu khoảng 946.545,5 tấn.

Bên cạnh chuyển giao tro xỉ phát sinh tại nhà máy cho một số đơn vị, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đã được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho phép Công ty được phép khai thác tạm thời cảng dầu 1.000 tấn thuộc Bến cảng Nhà máy Vĩnh Tân 2 tiếp nhận tàu vận chuyển tro xỉ.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có tổng khối lượng tro, xỉ phát sinh cho đến nay khoảng 500.243,62 tấn, được vận chuyển bằng xe chuyên dùng đến đổ tại bãi xỉ Vĩnh Tân 2.

Bên cạnh đó, khối lượng tro được chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu khoảng 287.790,17 tấn.

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/moi-truong/di-doi-dan-bi-anh-huong-quanh-trung-tam-dien-luc-vinh-tan-949182.html