Đi du lịch để... sống ảo và 'cúng' Face
Đi du lịch 4 ngày 3 đêm mà chị mang tới 2 chiếc valy cỡ lớn chỉ để đựng váy và giày. Hôm đến bãi đá, vì diện giày cao gót mải mê chụp ảnh mà chị suýt ngã sấp mặt nếu anh không đỡ kịp. Đi du lịch nước ngoài chị chỉ chăm chú chụp thật nhiều ảnh, về nhà gom lại thành một kho dữ liệu để sống ảo, cúng face dần.
Cô bạn học cùng cấp ba với tôi cứ một tuần lại đăng lên trang Facebook cá nhân một chùm ảnh đi du lịch khắp các nơi trong nước và thế giới.
Mới nhất, tuần vừa rồi là hình ảnh cô ấy cùng nhóm bạn cưỡi lạc đà trên sa mạc ở Dubai. Trước đó, cũng nhóm này chao đảo trên những chiến mủng ở rừng dừa Bảy Mẫu, Hội An. Thôi thì đủ các tư thế, lúc trông như nữ hoàng nâng quyền trượng, khi thướt tha áo bà ba bắt cá dưới kênh rạch Nam bộ… Tấm ảnh nào cũng được chỉnh sửa bằng phần mềm khiến những phụ nữ ngoài bốn mươi trông như thiếu nữ mới lớn.
Dưới những bức ảnh là hàng trăm dòng comment không tiếc lời khen tặng. Nào là “nhất chị đẹp”, “người có tiền sướng thật”, nào là “người phụ nữ thách thức thời gian”, “chị của em trẻ như con gái mười tám”…
Tiện tay, tôi cũng bấm like và thả biểu tượng mặt cười kèm một dòng comment trêu đùa: “Ngoài đời đổ nát hoang sơ. Lên face thì vẫn nên thơ hữu tình”. Bị “bóc phốt” nhưng bạn tôi vẫn vui vẻ.
Theo cô ấy, “sống ảo” khi đi du lịch trở thành một xu hướng không chỉ của giới trẻ mà còn cả những chị em đã sắp lên bà. Nó là thói quen, là nhu cầu chính đáng để cuộc sống vui vẻ hơn.
“Vẫn biết, nhiều người thả tim, thả like dạo, comment bằng những lời có cánh đôi khi quá mức nhưng đó cũng là cách để tăng tương tác, giao tiếp, khiến mình cảm thấy cuộc đời tươi đẹp hơn”, bạn tôi quả quyết.
Nhưng không phải ai cũng nghĩ như bạn tôi. Nghĩa là “cúng facebook” có giới hạn và chỉ dừng lại ở mức vui vẻ. Tôi từng chứng kiến và trở thành nạn nhân của nhiều cuộc du lịch mà mục đích cuối cùng chỉ là để nuôi con face.
Chủ nhật vừa rồi, gia đình tôi đến một khu di tích lịch sử quốc gia thắp hương, vãn cảnh. Từ xa phát hiện ra tôi, một bà chị U50 là người quen cũ hét toáng lên: “Đây rồi! Bắt được nhà báo, chuyên gia chụp ảnh đây rồi. May quá”.
Nói rồi chị dí chiếc điện thoại vào tay tôi kèm lời dặn: “căn chỉnh cẩn thận, chụp cho có tâm vào đấy”. Mặc cho tôi lý giải, mình chỉ chuyên chụp ảnh báo chí, ảnh thật nên không thành thạo chụp ảnh… tự sướng. Thậm chí tôi còn nói đùa rằng, mình chỉ chuyên chụp ảnh về ô nhiễm môi trường, trang trại lợn xả thải, cá chết dưới kênh rạch… nhưng chị và nhóm bạn vẫn nhất quyết yêu cầu tôi tác nghiệp ngay.
“Chú cứ chụp đi. Có gì về chỉnh sửa sau. Còn có app gánh mà, lo gì”, các bà chị cười lớn.
Mỗi lần bấm xong một kiểu, chị lại yêu cầu tôi cho xem lại. Nếu không ưng ý, chị bắt tôi xóa, chụp lại. Cứ thế, đến hơn 50 kiểu ảnh chụp đi, xóa lại, tôi mất nửa tiếng đồng hồ lăn lê bò toài, đủ các tư thế để chiều lòng các bà chị.
Một lát sau, nhóm của tôi đang nghe thuyết minh giới thiệu về giá trị lịch sử của khu di tích thì nhóm chị ùa vào. Thay vì im lặng lắng nghe, chị và những người bạn chen lấn chiếm vị trí đẹp nhất để chụp ảnh. Đến lúc vào hậu cung ngôi đền, nơi thờ tự, chiêm bái, hương khói, đoàn của chị cũng không buông tha. Những long ngai, bài vị sơn son thếp vàng cũng trở thành những thứ để làm nền cho các chị sống ảo, tự sướng. Vừa chụp ảnh, vừa cười nói rôm rả như chỗ không người ở nơi mà lẽ ra khách du lịch cần tĩnh tâm để bày tỏ lòng tôn kính trước tiền nhân.
Nhiều cặp đôi sau một chuyến du lịch đã đường ai nấy đi chỉ vì mâu thuẫn phát sinh trong quá trình chụp ảnh nuôi face. Có anh chàng muốn chuyến đi kín đáo vì anh đã báo ốm xin công ty nghỉ nhưng cô nàng bạn gái lại muốn tình yêu của họ phải được cả thế giới biết thông qua những bức ảnh cùng nhau đi đến cuối chân mây. Vậy là suốt chuyến đi, chàng trai bị biến thành thợ chụp ảnh. Hai người gần như không có giây phút riêng tư để cảm nhận chiều sâu vẻ đẹp từ cuộc sống. Cả ngày chụp ảnh, đến bữa cơm, cô bạn gái cũng chỉ chúi mắt vào điện thoại để lựa ảnh, chỉnh sửa quăng lên face khoe khoang.
Bạn tôi, một nhiếp ảnh gia nghiệp dư nhưng từng giành một số giải thưởng ảnh về môi trường tại địa phương. Vừa rồi, vợ điều động anh đi chụp ảnh phục vụ hợp lớp cấp 3 tại một điểm du lịch nổi tiếng. Chụp xong, đăng facebook, đa số đều chê anh chụp không đẹp. Vợ anh vì thế bị mang tiếng có chồng… nhiếp ảnh gia mà không biết chụp ảnh phục vụ sống ảo.
Thế là vợ chồng lục đục cả tuần. Gặp tôi anh lắc đầu ngao ngán: “Mình chủ yếu bắt cái thần thái, cái chân thật để làm bật lên thanh xuân của các bà ấy nhưng tất cả họ đều không hiểu. Gần 50 tuổi rồi nhưng cứ muốn lên face, hình ảnh phải như em bé”.
Thấy tôi có vẻ đồng cảm, anh không ngần ngại “tố” thói quen sống ảo của vợ. Theo anh kể thì đi du lịch 4 ngày 3 đêm mà chị mang tới 2 chiếc valy cỡ lớn chỉ để chứa váy và giày. Hôm đến bãi đá, vì diện giày cao gót mải mê chụp ảnh mà chị suýt ngã sấp mặt nếu anh không đỡ kịp. Có lần cũng vì sống ảo mà chiếc điện thoại mới mua của chị rớt xuống nước, phải thuê người lặn xuống hồ tìm mãi mới vớt lên được để lấy lại dữ liệu.
Có người đi du lịch nước ngoài chỉ chăm chú chụp thật nhiều ảnh. Về nhà gom lại thành một kho dữ liệu để sống ảo, cúng face dần. Đến chỗ đông người, họ không cần biết quyền riêng tư của người khác, cứ thế chụp, quay, livetream một cách hồn nhiên để thỏa sức sống ảo.
Chụp ảnh sống ảo khi đi du lịch thực ra không phải là vấn đề nghiêm trọng. Trong kỷ nguyên số, chỉ cần một chiếc smarphone, mỗi người đều có thể lưu giữ được nhiều kỷ niệm đáng nhớ sau mỗi chuyến đi. Thế nhưng đi du lịch không chỉ để đã con mắt, nó còn là dịp để trải nghiệm nhiều chiều góc khác nhau của cuộc sống. Làm sao để mỗi chuyến đi, chúng ta hiểu thêm về các vùng đất, tập tục, con người, bồi đắp thêm tri thức, văn hóa. Kết hợp được việc lưu giữ khoảnh khắc bằng chụp ảnh nhưng cũng nên dành thời gian để có thêm những trải nghiệm khác mới thấy hết được sự hấp dẫn, thú vị của những nơi mà mình đi qua.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/di-du-lich-de-song-ao-va-cung-face-d198170.html