Đi khám bác sĩ

'Tớ thấy thần sắc cậu không được khỏe, lại đang lúc covid bất ổn, cậu nên đi khám bác sĩ xem sao'; 'Mẹ nghĩ, mang bầu lần đầu, con nên chịu khó đi khám bác sĩ để họ tư vấn cho'; 'Gì thì gì cũng không được chủ quan, cô cứ đi khám bác sĩ cho yên tâm'... Người ta thường nói với nhau như thế. Đó là chuyện bình thường trong cuộc sống. Cái không bình thường là tổ hợp 'đi khám bác sĩ' nghe ra có vẻ rất không logic.

Không logic nếu ta đem các phát ngôn như thế ra phân tích rạch ròi theo cấu trúc cú pháp tiếng Việt. Đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ? Làm sao có chuyện ai đó “đi khám bác sĩ”, bởi như thế thì người ấy sẽ vào vai chủ thể (chủ ngữ) của động từ vị ngữ “đi khám”. Thực chất là người đó “đi (đến bệnh viện) để bác sĩ khám (bệnh) cho”. Đây rõ ràng là phát ngôn đã bị tỉnh lược (bỏ bớt) đi theo quy luật tiết kiệm ngôn ngữ (từ đó mà gây mơ hồ).

Ngay cả các câu “Tôi đi khám tim”, “Tôi đi khám bệnh”... thì chủ thể của hành động “khám” hoàn toàn không phải là “tôi” mà là một người đang hoạt động chuyên ngành y (thực hiện việc “khám” cho “tôi”).

Tương tự, câu “Hùng đi cắt tóc” hay “Hà đi làm đầu” thì phải hiểu là “Hùng ra hiệu cắt tóc để người ta cắt tóc cho” và “Hà đến hiệu làm tóc để họ cắt tóc (hay sửa tóc, nhuộm tóc) và làm bộ tóc mới (chứ không phải làm cái “đầu” mới)”. Với câu sau: “Sao cậu lại cắt cái đầu nom “khủng” thế?”. Nếu ta phân tích và theo logic máy móc thì sẽ là “Đầu chàng nọ đã bị “cắt”“. Quả là khiếp thật. Thực tế, ý người nói là “Cậu đã để người ta cắt mái tóc không được bình thường, không được đẹp (tóc nằm trên đầu nên cắt tóc thành ra “cắt đầu”)”.

Một người nước ngoài học tiếng Việt sẽ ngạc nhiên khi thấy một bà mẹ Việt Nam hỏi con: “Con ăn đũa hay ăn thìa?”. Bởi nếu phân tích theo cấu trúc bình thường, như các câu: “Tôi ăn cơm”, “Nó ăn cháo”, “Chị ăn bánh cuốn”,... thì 3 câu này sẽ có 3 chủ ngữ (tôi, nó, chị), 3 vị ngữ (đều là “ăn”) và 3 bổ ngữ trực tiếp (cơm, cháo, bánh cuốn). Đối chiếu với câu trên thì chuyện con “ăn đũa” hay “ăn thìa” là vô lí vì “đũa” và “thìa” đâu phải thức ăn? Nhưng một người Việt Nam bình thường (như đứa bé lên 5 hoặc 6) đều không ngô nghê để hiểu sai đến mức ấy (ở đây là “ăn bằng đũa/ ăn bằng thìa”). Cũng như không một đứa trẻ nào (đã thụ đắc tiếng Việt tới mức vừa đủ) lại hiểu câu “Con nhớ ăn sáng” (hay “ăn trưa”, “ăn tối”) là “đem buổi sáng (hay buổi trưa, buổi tối) ra ăn như ăn một món nào đó: xôi, phở, cơm hay bánh đa, bánh đúc”.

Quy luật tiết kiệm ngôn ngữ, như đã nói, trong giao tiếp người ta có thể rút gọn tới mức cao nhất có thể. Một nhà hàng hoàn toàn hiểu và thực thi khi một thực khách vào quán ăn gọi: “Bà chủ cho chúng tôi hai nạm gầu, một tái lăn, một chín ít bánh và ba “gơ” vàng có đá nhé!” (2 bát phở bò nạm gầu, 1 bát phở bò tái lăn, 1 bát phở bò chín ít bánh phở, 3 chai bia Tiger Vàng có thêm đá). Tương tự, chủ quán giải khát không hề xa lạ khi được gọi: “Hai đen đá”, “Một nâu nóng”, “Ba nâu sữa đá”, v.v. Trong những trường hợp như vậy, chính cách gọi quá “chỉn chu” đầy đủ lại không bình thường và làm “rắc rối ngôn từ”.

Cũng có một thời, nhiều người lên tiếng phê phán tổ hợp “Xay bột trẻ em” và cho rằng không ổn. Thực tế thì không có chuyện gì. Chỉ khi họ phân tích thì nhiều người mới tá hỏa và đồng loạt lên tiếng phản đối. Thực ra, cấu trúc “(Xay) bột trẻ em” cũng chẳng khác gì “Xay bột khô”, “Xay bột ướt”, “Xay bột làm bánh”, “Xay bột ngô”, “Xay bột chăn nuôi”... Hồi kháng chiến chống Pháp, do hoàn cảnh thiếu thốn trong chiến đấu, bộ đội ta thường có sáng kiến làm thức ăn mặn dùng dần (công thức: 1kg cân thịt lợn + 1kg cân muối + 0,5kg ớt) mà Bác Hồ thường nói đùa là “Thịt Việt Minh”. Chắc không ai nghĩ rằng món thịt kho đó là thịt của người thuộc Mặt trận Việt Minh./.

PGS. TS. Phạm Văn Tình

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/noi-dung-viet-dung/di-kham-bac-si-134838