Đi lại của người dân còn bị… cát cứ!
Nghị quyết 128 của Chính phủ có nội dung rất rõ ràng, các tiêu chí cũng rất cụ thể nhưng vẫn có địa phương tự hiểu theo cách riêng của mình.
Căn cứ vào diễn biến tình hình dịch Covid-19, Chính phủ đã có Nghị quyết 128, tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19.
Chính phủ yêu cầu các địa phương không ban hành quy định mới và bãi bỏ ngay những yêu cầu, điều kiện trái với quy định của Trung ương, gây khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp; không cát cứ, tách biệt, không áp dụng một cách cực đoan các biện pháp phòng, chống dịch.
Yêu cầu của Chính phủ rất rõ ràng, để các địa phương vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế với phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Tuy nhiên, chỉ nói riêng về mặt đi lại, lưu thông, trong những ngày gần đây các địa phương vẫn ban hành những quy định trái với yêu cầu của Trung ương.
Nghị quyết của Chính phủ chia các địa bàn thành 4 cấp độ dịch: cấp 1 (nguy cơ thấp - tương ứng với bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Theo Hướng dẫn về thích ứng an toàn Covid-19 của Bộ Y tế, người dân được quyền đi lại từ cả 4 cấp độ nguy cơ. Riêng với người đến từ địa bàn cấp 3 (nguy cơ cao) kèm theo điều kiện về tiêm vắc-xin, xét nghiệm. Còn người đến từ địa bàn cấp 4 thì phải hạn chế đi lại.
Về yêu cầu xét nghiệm Covid-19, Hướng dẫn về thích ứng an toàn Covid-19 của Bộ Y tế nêu cụ thể không xét nghiệm với việc đi lại của người dân. Người dân chỉ phải xét nghiệm khi đến từ địa bàn cấp 4 (nguy cơ rất cao) hoặc khu phong tỏa; người cần điều tra dịch tễ đến từ địa bàn cấp 3. Người đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc F0 khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.
Yêu cầu và quy định như vậy nhưng những ngày qua vẫn còn tình trạng mỗi địa phương cho phép người dân đi lại mỗi kiểu.
Hà Nội là địa phương thuộc "vùng xanh" nhưng lại "hiểu" Nghị quyết 128 theo cách riêng, cho đến tối 15-10 mới bỏ 22 trạm kiểm soát dịch, tổ chức thực hiện Nghị quyết 128 quá chậm chạp, gây khó khăn trong lưu thông.
Nhưng Hà Nội vẫn còn làm nhanh hơn Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị… cho đến ngày 16-10 vẫn chưa áp dụng theo Nghị quyết 128. Lý do đang nghiên cứu, chờ tham mưu, hướng dẫn…
Tỉnh Quảng Nam hiện đã đáp ứng các tiêu chí tương ứng cấp 1 (màu xanh - bình thường mới) nhưng các chốt kiểm soát dịch vẫn đang hoạt động; vẫn yêu cầu người đến từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ…
Lâm Đồng đã chính thức mở lại các dịch vụ liên quan đến du lịch, nhà hàng ăn uống nhưng trước ngày 15-10 vẫn cách ly tập trung người đến từ vùng nguy cơ cao và phải đến sau 15-10 Nghị quyết 128 của Chính phủ mới có hiệu lực ở địa phương này khi cho phép cách ly, theo dõi y tế tại nhà đối với người đến từ vùng nguy cơ cao.
An Giang "hiểu" Nghị quyết 128 "cực đoan" nhất khi yêu cầu người dân ra khỏi tỉnh phải có đơn, khi về phải theo dõi sức khỏe 2 tuần. Đối với các tổ chức, cá nhân đến An Giang với mục đích công tác, làm việc, học tập, đầu tư, kinh doanh… phải xuất trình thư mời, kế hoạch công tác, chương trình làm việc tại tỉnh (hoặc văn bản chấp thuận của UBND tỉnh, TP nơi đi cho phép đến An Giang).
Với Đồng Nai, tỉnh tự xếp ở mức bình thường mới (cấp 1 - nguy cơ thấp), vẫn yêu cầu người lao động đi lại giữa Đồng Nai với TP HCM và các địa phương khác phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 7 ngày.
Tại Thanh Hóa, người dân muốn vào nội tỉnh vẫn phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ. Tại Nghệ An, đến trưa 16-10 vẫn quy định người từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An chỉ cần trình xác nhận tiêm 2 mũi vắc-xin thì được qua chốt; nếu tiêm một mũi hoặc chưa tiêm thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2...
Về mặt pháp lý, Nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực thi hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nghị quyết 128 rất rõ ràng, các tiêu chí cũng rất cụ thể. Các địa phương chỉ cần tự nhận diện, phân vùng theo các cấp độ (theo tiêu chí của Bộ Y tế) nên cũng cần có thời gian nhưng không thể quá lâu, ảnh hưởng đến việc lưu thông trên phạm vi cả nước.
Nghị quyết của Chính phủ cũng cho phép các địa phương có thể linh hoạt áp dụng biện pháp bổ sung, nhưng các biện pháp này không được phép trái với quy định của Trung ương và nhất là không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của người dân.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao một số địa phương đã triển khai rất tốt Nghị quyết 128 trong khi một số địa phương khác vẫn tiếp tục "nghiên cứu"? Sợ trách nhiệm hay "chưa hiểu" hay hiểu Nghị quyết 128 theo cách hiểu của địa phương mình?