Đi làm sớm, tốt nghiệp muộn

Trung bình một khóa đào tạo ở các trường đại học hiện chỉ có khoảng phân nửa tốt nghiệp đúng hạn...

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Sinh viên ra trường muộn là vấn đề phổ biến. Trung bình một khóa đào tạo ở các trường đại học hiện chỉ có khoảng phân nửa tốt nghiệp đúng hạn, một số trường còn chưa đạt tới 40%, nhất là trường thiên về kỹ thuật.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên tốt nghiệp muộn như người học thiếu định hướng nghề nghiệp, kỹ năng quản lý thời gian, tài chính khó khăn hoặc sức khỏe không tốt; chương trình đào tạo của nhà trường thiếu linh hoạt… Trong đó đáng chú ý là tình trạng sinh viên đi làm thêm quá nhiều.

Hiện, nhiều doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân tuyển dụng khá cởi mở, tập trung vào đánh giá năng lực, nên sẵn sàng tuyển làm việc chính thức cả người chưa có bằng tốt nghiệp đại học. Một số nhóm công việc sinh viên có thu nhập không thua kém gì nhân sự đã có bằng như IT, marketing, bán hàng… nên có người cảm thấy bằng cấp không quan trọng, bỏ bê việc học.

Ở Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn hằng năm của trường vào khoảng 60%. Cộng với số tốt nghiệp muộn, tỷ lệ sinh viên có bằng ở mỗi khóa khoảng 90%, tức còn 10% không được lấy bằng.

Đi làm sớm bỏ bê việc học dẫn đến tốt nghiệp muộn, thậm chí không lấy được bằng ảnh hưởng lớn đến tương lai. GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, trong số không lấy được bằng ở trường này, một lượng rất nhỏ sinh viên giỏi, khởi nghiệp sớm, còn đa số dính “bẫy thu nhập trung bình”.

Đó là tình trạng sinh viên nhanh chóng kiếm được việc với mức 5 - 10 triệu đồng/tháng từ thời đi học nhưng khả năng cao nhiều năm họ không thể đạt được mức lương, vị trí cao hơn. Nguyên nhân theo GS.TS Chử Đức Trình, sinh viên đi làm sớm sẽ bỏ lỡ những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong trường. Sau tốt nghiệp, các em khó làm những việc mang tính đổi mới sáng tạo, bị gạt ra khỏi nhóm lao động chất lượng cao mà thị trường đang cần.

Mặc dù được lợi vì nhân công trẻ, giá rẻ, phù hợp yêu cầu ngắn hạn nhưng những nhà tuyển dụng chuyên nghiệp không đánh giá quá cao sinh viên bỏ học đi làm, không lấy được bằng tốt nghiệp. “Ngoài giá trị chứng minh chuyên môn, bằng đại học còn phản ánh sự kiên trì, năng lực học tập, khả năng tiếp thu và quản lý thời gian của ứng viên trên thị trường lao động”, một giám đốc nhân sự chia sẻ.

Tham gia thị trường lao động sớm để trải nghiệm là cần thiết với sinh viên, nhưng sa đà vào kiếm tiền, bỏ bê việc học dẫn đến tốt nghiệp muộn hoặc bỏ học thì không bao giờ là điều nên khuyến khích. Đây cũng là lý do mà Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT đã đặt ra quy định cho các trường: “Tỷ lệ tốt nghiệp, được xác định bằng tỷ lệ người học tốt nghiệp trong thời gian không chậm quá 2 năm so với kế hoạch học tập chuẩn, không thấp hơn 60%; tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn không thấp hơn 40%”.

Gần đây, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng lần đầu tiên đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm tuy nhiên không quá 24 giờ/tuần trong kỳ học. Người lao động là học sinh, sinh viên khi làm việc bán thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục đào tạo.

Tổ chức đào tạo sinh viên để bảo đảm thời hạn tốt nghiệp theo quy định là trách nhiệm của các trường đại học. Tuy vậy, trước tình trạng sinh viên sa đà làm thêm, bỏ bê việc học, dẫn đến tốt nghiệp muộn hoặc không lấy được bằng, các trường hiện gặp nhiều khó khăn trong quản lý.

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh nỗ lực truyền thông, thực hiện các biện pháp theo quy chế đào tạo từ các trường đại học, cần có hành lang pháp lý phù hợp và nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về vấn đề này, để người học có nhận thức đúng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính.

Mai Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/di-lam-som-tot-nghiep-muon-post731040.html