Đi làm việc ở nước ngoài bị lừa là do thiếu thông tin

Đại biểu Quốc hội nêu thực tế các 'công ty ma' thường chủ động tìm đến những người lao động do biết họ thiếu thông tin về thị trường cũng như nhu cầu tuyển dụng lao động.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ngày 6/6, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có thừa nhận có hiện trạng xảy ra tình trạng người lao động bị lừa đi lao động ở nước ngoài.

“Công ty ma” có nhiều cơ hội lừa người lao động

Dù Bộ trưởng có nêu dẫn chứng những công ty đưa người đi lao động ở nước ngoài được cấp phép, việc lừa đảo xảy ra rất ít, phần lớn việc lừa đảo diễn ra tại các trung tâm hoạt động chui của những công ty ma, công ty trá hình. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Bộ trưởng chưa giải thích được cần phải làm như thế nào để ngăn chặn tình trạng này. Trong khi trách nhiệm này thuộc về nhiều Bộ, ngành nhưng Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm chính.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói, người lao động thường thiếu thông tin hoặc là những người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Do đó, người dân tại những khu vực này tiếp cận thông tin về thị trường vô cùng khó khăn. Do đó cần phải có giải pháp để người dân biết được công ty nào do nhà nước thành lập, công ty nào có tư cách pháp nhân và uy tín đưa người đi xuất khẩu lao động. Điều đáng tiếc là trong khi người lao động chưa biết tìm đến những công ty uy tín qua kênh truyền thông nào, thì các “công ty ma” lại luôn chủ động tìm đến với người lao động.

“Trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH trong việc này là phải tăng cường, đẩy mạnh, tuyên truyền đến người dân để họ có thể nắm bắt được thông tin. Khi có thông tin cụ thể, người lao động sẽ không dễ bị lừa. Thực tế, các “công ty ma” thường chủ động tìm đến những người lao động do biết họ thiếu thông tin về thị trường cũng như nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc ở nước ngoài”, vị này chỉ ra.

Để có giải pháp ngăn ngừa tình trạng người dân bị lừa khi có nhu cầu xuất khẩu lao động, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng cần minh bạch thông tin, minh bạch thị trường lao động mới hạn chế được tình trạng này. Tuy nhiên qua phiên chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mới chỉ đưa ra được hiện tượng và nguyên nhân.

“Những trung tâm có uy tín chắc chắn sẽ rất ít xảy ra tình trạng lừa đảo. Nhưng làm như thế nào để ngăn chặn, bảo vệ được quyền lợi người lao động mới là việc cử tri trông chờ giải pháp từ phía Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Lao động nước ngoài có thu nhập đến 2.500 Euro/tháng

Trước đó, liên quan đến nguồn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn ĐBQH TP.HCM đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá về chất lượng nguồn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cũng như những giải pháp, định hướng để nâng cao chất lượng lao động, từ đó tăng cơ hội việc làm cũng như có thu nhập tốt hơn.

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là một giải pháp tạo công ăn việc làm, tăng cường thu nhập, tăng thêm thu nhập cũng như tạo điều kiện cho thanh niên có nhu cầu có thể tiếp cận những công việc mới, công nghệ mới, tác phong làm việc mới.

Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài tập trung chủ yếu tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và gần đây đang thí điểm tại một số quốc gia khu vực châu Âu. Thu nhập bình quân của người lao động tại nước ngoài hiện nay khá cao, nhất là tại 3 thị trường như Đức có thu nhập khoảng 2.500 Euro/tháng, Hàn Quốc khoảng 1.800 USD/tháng, Nhật Bản khoảng 1.500 USD/tháng, còn bình quân có thu nhập khoảng 600 - 700 USD/tháng.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn ĐBQH TP.HCM.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn ĐBQH TP.HCM.

Đáng chú ý, chất lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cơ bản đều được các thị trường đánh giá cao. Người lao động có ý thức trách nhiệm tốt, kỹ năng nghề nghiệp tốt và quan trọng hơn là hiệu suất công việc rất cao. Tuy nhiên, các thị trường lao động vẫn đánh giá trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam vẫn thấp hơn một số quốc gia; ý thức tổ chức kỷ luật lao động của một vài bộ phận không tốt, ví dụ như trốn ở lại, gây gổ đánh nhau, vi phạm pháp luật.

“Với phương châm tập trung nâng cao năng lực của người lao động cũng như các đơn vị được thực thi nhiệm vụ theo luật, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đàm phán, lựa chọn những địa bàn, những khu vực, những vùng miền và những đối tác tiếp nhận lao động có hiệu quả. Đặc biệt, Bộ xây dựng các cơ sở dữ liệu liên thông để quản lý người đi, người về và phát huy sau khi về. Xử lý nghiêm tất cả các trường hợp lợi dụng quá trình này để trục lợi chính sách, lạm dụng cũng như lừa đảo người đi lao động nước ngoài”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-bi-lua-la-do-thieu-thong-tin-post1024858.vov