Di sản bài chòi thành 'đặc sản' du lịch Quảng Ngãi

Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng của miền Trung Việt Nam, cũng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tại Quảng Ngãi, loại hình này được nhiều địa phương khai thác hiệu quả, tạo thành 'đặc sản' du lịch.

Thời gian qua, làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) trở thành điểm du lịch hút nhiều du khách cả trong và ngoài nước.

Các du khách hào hứng tham gia chơi bài chòi.

Các du khách hào hứng tham gia chơi bài chòi.

Gò Cỏ không chỉ có di sản mà văn hóa làng còn vẹn nguyên. Đặc biệt, hát bài chòi ở Gò Cỏ đã trở thành một trong những “đặc sản” không thể thiếu mỗi khi đặt chân đến nơi đây.

Câu lạc bộ Bài chòi - hát hố Gò Cỏ được thành lập vào năm 2020 với 21 thành viên. Những ca khúc được các thành viên sáng tác mang nội dung mới hơn, có ý nghĩa thực tế trong cuộc sống ngày nay từ sản xuất, làm du lịch đến truyện kể dân gian.

“Tôi sinh ra và lớn lên tại đây nên thuộc lòng nhiều lời bài chòi do cha ông để lại. Tôi cũng đã sáng tác gần 20 bài hát mới để phục vụ người dân và du khách”- bà Huỳnh Thị Thương, nghệ nhân bài chòi ở làng Gò Cỏ chia sẻ.

Câu lạc bộ Bài chòi - hát hố Gò Cỏ phục vụ du khách.

Câu lạc bộ Bài chòi - hát hố Gò Cỏ phục vụ du khách.

Dù trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng tình yêu với bài chòi vẫn luôn cháy trong trái tim của người dân Gò Cỏ. Họ cùng nhau gây dựng phong trào văn nghệ, biểu diễn, sáng tác bài chòi... để phục vụ dân làng và du khách.

Chị Nguyễn Thị Thủy, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chơi bài chòi, rất ấn tượng và hấp dẫn. Đặc biệt phần hô hát của các nghệ nhân rất hay, chắc chắn có dịp tôi sẽ quay lại làng Gò Cỏ để được tham gia lần nữa”.

Tại điểm du lịch sinh thái Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn), các đội bài chòi thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng này làm phong phú thêm sản phẩm du lịch tại bàu Cá Cái.

“Đến đây, không chỉ được khám phá thiên nhiên hoang sơ, mà còn được thưởng thức làn điệu bài chòi. Thật thú vị khi ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, tham quan vùng nước ngập mặn trải dài, mênh mang sông nước hữu tình và được nghe các nghệ nhân hát bài chòi”- anh Nguyễn Văn Tuấn (du khách đến từ Đà Nẵng) bày tỏ.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Tiến Dũng, Quảng Ngãi đang triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi.

Quảng Ngãi tập trung phát triển các đội, nhóm, câu lạc bộ hát bài chòi ở các địa phương, gắn kết loại hình nghệ thuật này với hoạt động du lịch.

Quảng Ngãi tập trung phát triển các đội, nhóm, câu lạc bộ hát bài chòi ở các địa phương, gắn kết loại hình nghệ thuật này với hoạt động du lịch.

Qua đó, tập trung phát triển các đội, nhóm, câu lạc bộ hát bài chòi ở các địa phương, gắn kết loại hình nghệ thuật này với hoạt động du lịch. Việc đưa bài chòi vào khai thác phục vụ du khách là cần thiết, nhằm đa dạng các sản phẩm du lịch, góp phần cải thiện kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo Đề án này, Quảng Ngãi đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 100% di sản văn hóa nghệ thuật bài chòi được sưu tầm, kiểm kê và số hóa, lưu trữ trên phương tiện công nghệ hiện đại; xây dựng và tổ chức thí điểm trình diễn nghệ thuật bài chòi phục vụ nhân dân và khách du lịch tại 1 điểm du lịch.

Phục dựng thí điểm một điểm trò chơi dân gian hô bài chòi tại TP Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì trung tâm bài chòi đã thành lập, 100% các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng và hải đảo thành lập câu lạc bộ bài chòi trực thuộc cấp huyện…

Định hướng đến năm 2030, nhân rộng mô hình tổ chức trình diễn nghệ thuật bài chòi phục vụ Nhân dân và khách du lịch tại các điểm du lịch khu vực đồng bằng, hải đảo, phục dựng các điểm trò chơi dân gian hô bài chòi tại các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, phấn đấu có 50% các xã, phường, thị trấn đồng bằng và hải đảo thành lập các câu lạc bộ bài chòi cấp xã.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/di-san-bai-choi-thanh-dac-san-du-lich-quang-ngai.html