Di sản định cư biển đảo: Nhìn từ Lý Sơn
(Báo Quảng Ngãi)- Lịch sử về vùng đất và con người sinh sống ở đảo Lý Sơn được ghi chép rất rõ. Dưới góc nhìn về di sản định cư, càng cho thấy giá trị to lớn của vùng đất và con người nơi đây.
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tuấn Lâm nhận định, tài sản vô cùng quý giá mà cư dân sinh sống trên đất đảo Lý Sơn từ ngàn xưa để lại cho đời nay đó là di sản định cư, biểu hiện của nó là một nền văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc, một Lý Sơn sừng sững như cột mốc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc giữa Biển Đông.
Đất lành chim đậu
Lý Sơn cũng là địa bàn cư trú của con người từ rất sớm. Vết tích đầu tiên của con người được tìm thấy trên núi Giếng Tiền. Bằng những khảo sát bước đầu, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều hiện vật của nền văn hóa thời Tiền sử có niên đại cách ngày nay trên dưới 30 vạn năm, tương đương với văn hóa Núi Đọ ở Thanh Hóa. Việc phát hiện và khai quật hai di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh tại Xóm Ốc, Suối Chình có niên đại khoảng 3000 - 2500 năm tr.CN đã làm rõ bằng chứng về sự cư trú của cư dân thời tiền - sơ sử nơi đây.
Nối tiếp cư dân Sa Huỳnh là cư dân thuộc văn hóa Chăm Pa phát triển từ những năm đầu Công Nguyên. Vết tích văn hóa vật chất của họ được tìm thấy qua các vết tích thuộc tầng văn hóa lớp trên của 2 di chỉ Xóm Ốc, Suối Chình và hàng loạt các di tích lịch sử - văn hóa khác như đền thờ Thiên Y A Na, miếu bò Nadin, các giếng cổ...
Âm linh tự ở Lý Sơn. ẢNH: PV
Kế tiếp nền văn hóa Chăm Pa là văn hóa Việt, xuất hiện từ những năm cuối của thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII khi một bộ phận cư dân Việt ven biển Bình Châu - Bình Sơn, Sơn Tịnh ra khai khẩn đất đai, lập làng mạc trên đảo. Trải qua quá trình sinh tụ lâu dài, từ thế hệ này qua thế hệ khác lao động sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển, đảo... đã tạo nên những sắc màu văn hóa vừa độc đáo vừa đa dạng của riêng Lý Sơn.
Nền văn hóa đó đã được thể hiện qua một quần thể di tích văn hóa-lịch sử phong phú trên mảnh đất này. Với diện tích khoảng 10km2, huyện đảo Lý Sơn sở hữu đến 56 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tính trung bình, có tới hơn 5 di tích trên một cây số vuông. Đây là nơi có sự phân bố di tích dày đặc mà hiếm nơi nào có được.
Sự hòa quyện của văn hóa
Chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Tuấn Lâm cho biết, chứng cứ của di sản định cư là lịch sử làng xã, đền thờ, các truyền thuyết và câu chuyện về các nhân vật lịch sử; kiến trúc cổ... chứng tỏ con người từng tồn tại và phát triển. Người Việt sinh sống trên đảo Lý Sơn đã xác lập một nền tảng văn hóa vững chãi với thiết chế làng xã bền chặt dựa trên một hương ước được mọi thành viên trong làng thống nhất xây dựng và thực hiện rất quy củ và có hiệu quả.
Tuy sự xuất hiện của văn hóa Việt là hơi muộn, nhưng nó đã phát triển thịnh vượng và dung hòa được các nền văn hóa trước đó, quyện lại làm một và bám sâu vào trong mọi tầng lớp cư dân trên đảo. Văn hóa Việt ở đảo Lý Sơn hình thành từ hai nguồn cơ bản là văn hóa Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ (phản ánh qua các kiến trúc đình làng) và văn hóa biển-hải đảo của miền Trung (thể hiện qua tổ chức vạn, xóm) cùng phát triển song song, giao thoa và bổ sung, quyện chặt thành một nét văn hóa truyền thống của đảo. Mỗi dạng thức văn hóa đều xuất phát từ nền kinh tế truyền thống tương hỗ lẫn nhau, đó là kinh tế nông nghiệp trồng hoa màu và kinh tế biển.
Kinh tế nông nghiệp trồng hoa màu được thiết lập quần cư theo mô hình làng, đứng đầu là ông Cả làng, nơi sinh hoạt cộng đồng và tế tự là đình làng. Kinh tế khai thác biển được thiết lập trên cơ sở tổ chức vạn, đứng đầu là Chủ vạn, nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng là các lăng vạn. Đảo Lý Sơn có hai làng là An Vĩnh và An Hải; hai vạn là Vĩnh Thạnh và An Phú.
Qua đình làng trên đảo Lý Sơn, không những cho ta thấy được giá trị về mặt kiến trúc văn hóa đình làng, mà thông qua đó phản ánh được lịch sử hình thành vùng đất Lý Sơn và là những bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, tiêu biểu nhất qua các tế lễ, đặc biệt là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra ở đình làng...
Với sự xuất hiện sớm cùng các loại hình lao động, sản xuất gắn liền với biển, văn hóa phi vật thể ở đây đa dạng, phong phú và có vai trò rất quan trọng đối với đời sống tâm linh của cư dân trên đảo. Để trở thành người chủ thật sự của biển đảo, cư dân trên đất đảo Lý Sơn đã không ngừng lao động sáng tạo, ứng xử thông minh với môi trường, với biển cả để tồn tại và phát triển, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.