Di sản góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế

Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Việt Nam được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Quan họ Bắc Ninh là một trong những di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Thảo Ngọc

Quan họ Bắc Ninh là một trong những di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Thảo Ngọc

Nâng cao uy tín của quốc gia

Đây là lần thứ 2 Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào vị trí này, tiếp tục thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, ghi nhận đóng góp tích cực của ta trong UNESCO cũng như trong nỗ lực thúc đẩy vai trò của văn hóa, sáng tạo cho sự phát triển bền vững, bao trùm và tự cường.

Trước đó, năm 2022, Việt Nam đã được bầu là thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022 - 2026 với số phiếu tín nhiệm rất cao, là thành viên Ủy ban Chấp hành Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Đầu năm 2023, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, điều này khẳng định Việt Nam đã tham gia hiệu quả, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm là thành viên của các tổ chức, Ủy ban của các Công ước quốc tế về lĩnh vực di sản văn hóa của UNESCO.

Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005 gồm 24 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO về văn hóa, chịu trách nhiệm trong giám sát thực thi Công ước, đề xuất các biện pháp triển khai, hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực này… để Đại hội đồng Công ước thông qua. Công ước UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được thông qua vào ngày 20/10/2005 và đến nay đã được 152 quốc gia phê chuẩn. Là một trong những nước nỗ lực tham gia vào quá trình soạn thảo và sớm phê chuẩn Công ước 2005, lần đầu tiên, Việt Nam trúng cử và đảm nhiệm thành công vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước UNESCO là vào nhiệm kỳ 2011-2015.

Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, với vị trí này, Việt Nam có nhiều cơ hội để học hỏi tri thức, kinh nghiệm và các nguồn lực bên ngoài cho phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa, sáng tạo, hỗ trợ phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Thể hiện trách nhiệm bảo vệ di sản

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn thể hiện vai trò chủ động trong đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm cũng như nỗ lực và trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa của nhân loại thông qua việc cung cấp đội ngũ chuyên gia trình độ cao, uy tín quốc tế để tham gia vào các hoạt động hợp tác, đóng góp chuyên môn sâu cho các tổ chức chuyên môn của UNESCO (như Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hiệp hội bảo tàng quốc tế ICOM, Chương trình ký ức thế giới). Đồng thời, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trên thế giới và khu vực Đông Nam Á về kiến thức, kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ trình UNESCO xếp hạng, ghi danh, trong hoạt động bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Tại Kỳ họp lần thứ 16 (tháng 12/2021) của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Thảo Ngọc

Tại Kỳ họp lần thứ 16 (tháng 12/2021) của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Thảo Ngọc

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO chia sẻ bên lề Kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005) của UNESCO cho biết: “Với tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2005, đồng thời cũng tranh thủ tri thức, kinh nghiệm và các nguồn lực bên ngoài cho phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa, sáng tạo, hỗ trợ phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Ta cũng có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới - một Việt Nam phát triển năng động, hội nhập sâu rộng, đổi mới sáng tạo, song cũng đậm đà bản sắc”.

Theo Cục Di sản văn hóa, từ vai trò này, Việt Nam sẽ tham gia chủ động, tích cực nhằm tiếp tục nhận diện, lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO xếp hạng, ghi danh để thế giới biết rõ hơn về kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, ý nghĩa sâu sắc và lịch sử lâu đời của đất nước, con người Việt Nam.

Đồng thời truyền thông, quảng bá sâu và rộng hơn nữa về các giá trị của di sản văn hóa Việt Nam ở trong nước và với bạn bè thế giới, gắn bảo vệ và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch, để di sản trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn với bạn bè thế giới. Từ đó, phát huy giá trị di sản, khẳng định lĩnh vực di sản văn hóa sẽ ngày càng góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, vừa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội như quan điểm về phát triển bền vững của UNESCO: “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai”.

Thảo Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/di-san-gop-phan-nang-cao-vi-the-quoc-gia-tren-truong-quoc-te-post459201.html