Di sản Huế với ngành công nghiệp văn hóa

HNN - Với mục tiêu phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GRDP vào năm 2030, thành phố Huế đang tận dụng lợi thế, biến vốn di sản văn hóa giàu có thành động lực của kinh tế sáng tạo. Song, để phát triển bền vững, bên cạnh các chính sách về đầu tư, công nghệ, nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, Huế cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử đối với di sản Huế dành cho các nhà sáng tạo, du khách và doanh nghiệp.

 Du khách tham quan lăng Gia Long. Ảnh: Ngọc Hòa

Du khách tham quan lăng Gia Long. Ảnh: Ngọc Hòa

Một trụ cột kinh tế quan trọng

Công nghiệp văn hóa tuy là một trong những cụm ngành mới ở giai đoạn đầu phát triển nhưng lại có tiềm năng trở thành một trụ cột kinh tế quan trọng của thành phố Huế. Điều này đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Không chỉ có 89 di tích được xếp hạng Di tích cấp quốc gia, 106 di tích cấp tỉnh, 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Huế còn là địa phương sở hữu nhiều di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới nhất cả nước với 6 di sản riêng và 2 di sản đồng sở hữu với các địa phương khác.

Ngoài ra, Huế còn sở hữu hàng nghìn di sản chưa được xếp hạng khác, từ chùa, miếu, đình làng cho đến nghệ thuật biểu diễn, lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống, tín ngưỡng, lễ hội… Hệ thống di tích cổ kính gắn với cảnh sắc thiên nhiên hài hòa và đời sống đa sắc màu của người Huế chính là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các sản phẩm văn hóa mới thuộc nhiều loại hình khác nhau: phim ảnh, hội họa, thời trang, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn…

Di sản Huế đồng thời cung cấp bối cảnh cho điện ảnh, biểu diễn thời trang, triển lãm, trưng bày hiện vật lịch sử văn hóa, tái hiện các sự kiện lịch sử, giúp truyền tải thông điệp mạnh mẽ và sâu sắc hơn đến người xem. Sự giàu có về di sản đặc biệt giúp Huế thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động bán vé và tạo ra chuỗi giá trị dịch vụ đi kèm (lưu trú, vận tải, ẩm thực, hướng dẫn viên, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ,…), giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương.

Trong chiều ngược lại, doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa chính là nguồn lực quan trọng để đầu tư vào công tác nghiên cứu, bảo quản, trùng tu di tích, phục dựng các di sản có nguy cơ thất truyền.

Một bộ quy tắc ứng xử đối với di sản

Thông qua lễ hội, phim ảnh và các sản phẩm sáng tạo đậm bản sắc địa phương khác, di sản văn hóa Huế cũng đồng thời được nâng cao vị thế và quảng bá rộng rãi trong nước cũng như nước ngoài. Một số bộ phim được quay tại Huế: Trăng nơi đáy giếng, Mắt biếc, Gái già lắm chiêu, Em và Trịnh, MV ca nhạc nổi tiếng: Không thể cùng nhau suốt kiếp (Hòa Minzy), Chúng ta của hiện tại (Sơn Tùng M-TP), hay các sự kiện, lễ hội gắn với di sản văn hóa Huế (Festival Huế, Triển lãm Nghệ thuật hội họa của vua Hàm Nghi "Trời, Non, Nước - Allusive Panorama, Hành trình ký họa di sản Cố đô Huế, Festival Nhiếp ảnh Quốc tế...) là những ví dụ tiêu biểu cho khả năng thu hút các nhà sáng tạo đến Huế và sự lan tỏa của di sản văn hóa Huế thông qua các sản phẩm sáng tạo trong thời gian gần đây. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công nghiệp văn hóa, nhất là công nghệ 3D, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế mở rộng (XR) cũng đã mở ra những cách tiếp cận di sản mới mẻ cho người dân và du khách.

Tiềm năng của di sản đối với công nghiệp văn hóa và lợi ích mà công nghiệp văn hóa mang lại cho di sản và người dân Huế là điều dễ nhận thấy. Tuy nhiên, di sản văn hóa Huế đồng thời phải đối diện với những tổn thương do bị xâm hại và làm biến dạng nếu không có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ trong quá trình khai thác.

Sự quá tải và tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm di tích do lượng du khách tập trung quá đông, gây sức ép cho công tác bảo tồn cũng như trải nghiệm của du khách. Các yếu tố di sản tách khỏi bối cảnh văn hóa để phục vụ du lịch (như ca Huế, nhã nhạc, ẩm thực…) cũng dễ mất đi tính nguyên bản vốn có. Một số cảnh phim và MV ca nhạc hư cấu quá mức, dàn dựng bối cảnh sai lệch so với lịch sử, trang phục và tình tiết không phù hợp với không gian trang nghiêm của di tích cũng là thực tế,...tất cả đang đặt ra cho Huế câu chuyện bảo vệ di sản trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

NGUYÊN NINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/di-san-hue-voi-nganh-cong-nghiep-van-hoa-155983.html