Người trẻ 'bật' cảm hứng sáng tạo thủ công giữa thời đại số
Giữa nhịp sống hối hả và áp lực của thời đại số, ngày càng nhiều bạn trẻ đắm mình trong các hoạt động sáng tạo thủ công, tự tay làm ra những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân, đồng thời kết nối với các giá trị văn hóa và tinh thần.
Dù là người hướng ngoại, năng động, thường xuyên chia sẻ cuộc sống trên mạng xã hội, nhưng đôi lúc Linh Hương (1998) lại cảm thấy “sợ cầm điện thoại, sợ lướt mạng, sợ nơi ồn ào”. Những lúc như vậy, cô tìm đến các workshop như: vẽ tranh, làm nến thơm, đồng hồ để bàn, tranh tiểu cảnh, hay đèn Mosaic.

Khi hòa mình vào thế giới thủ công, Linh Hương có thể tạm thời rời xa mạng xã hội và thư giãn đầu óc.
Cô nàng gen Z thường dành thời gian cuối tuần, khi rảnh rỗi hoặc những lúc căng thẳng để tham gia các workshop trang trí, sáng tạo. Theo quan sát của cô, phần lớn người tham gia các buổi workshop thủ công đều là giới trẻ, trong khi người trung niên hoặc lớn tuổi ít xuất hiện. Với Linh Hương, việc tự tay tạo ra một sản phẩm mang dấu ấn cá nhân không chỉ mang lại niềm vui sáng tạo mà còn giúp giảm căng thẳng và tìm thấy sự nhẹ nhàng trong tâm hồn.
Minh Quang (2004) cũng là một bạn trẻ tìm thấy niềm vui trong các hoạt động sáng tạo. Cậu bạn từng tham gia trang trí tranh Đông Hồ, ghép bát vỡ, pha chế cà phê Trung Nguyên và đặc biệt là trang trí tranh Sơn Mài tại Làng nghề sơn mài Hạ Thái.
Trong nhịp sống hối hả và dòng chảy xu hướng không ngừng biến đổi, Minh Quang tìm thấy sự bình yên và độc đáo trong không gian trải nghiệm ấm cúng tại làng nghề sơn mài. “Việc được nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn từng nét, từng bước để tự tay làm ra sản phẩm đã cho mình thấy rõ sự tỉ mỉ và kiên nhẫn cần có. Đó không chỉ là học một kỹ thuật, mà còn là hành trình sống chậm lại, để cảm nhận và chiêm nghiệm”, Minh Quang chia sẻ.
Với Quang, Gen Z không chỉ tìm kiếm các lựa chọn giải trí đơn thuần mà còn khao khát những trải nghiệm chân thực, mang tính cá nhân hóa và có giá trị bền vững. Khi chính tay mình tạo ra một món đồ sơn mài, Minh Quang đã có cơ hội kết nối với di sản văn hóa và càng thêm trân trọng những giá trị thủ công tinh xảo trong thời đại số.

Theo Minh Quang, những workshop thủ công đang mở ra một không gian trải nghiệm đầy ý nghĩa cho giới trẻ, giúp họ cân bằng giữa thế giới số và nhu cầu kết nối với những giá trị chân thực, mang tính sáng tạo cao.
Cậu sinh viên cũng nhấn mạnh: “Cảm giác hoàn thành một món đồ do chính mình làm ra, dù không hoàn hảo, nhưng mang đậm dấu ấn cá nhân, thực sự rất thỏa mãn và tự hào. Đây không chỉ là giải trí mà còn là cách để mình rèn luyện sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và khám phá thêm những khía cạnh nghệ thuật của bản thân”.
Giống với Minh Quang, Ngô Kiên (2001) cũng là một người trẻ năng động trong các hoạt động sáng tạo. Anh từng tham gia vẽ hoa trên cột điện, làm giấy dó và vẽ sáp ong của người H'Mông, thử sức với ba cuộc thi tái chế, thiết kế trang phục, và gần đây nhất là tổ chức vẽ tranh số hóa để ủng hộ người dân vùng cao. Kiên thường hưởng ứng khi có chương trình của cơ quan, chính quyền địa phương và xã hội đối với những hoạt động tương tự.

Ngô Kiên cho rằng, việc mở workshop sáng tạo thủ công không quá khó khăn song cần trải qua nhiều công đoạn và thời gian.
Chia sẻ về lý do khiến Ngô Kiên bị thu hút bởi những hoạt động trải nghiệm sáng tạo thủ công, anh cho biết: “Mình thường cảm thấy dễ chịu với các hoạt động nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, đặc điểm của các loại hình này rất dễ thực hiện, phù hợp với nhiều độ tuổi khác nhau, tạo điều kiện cho nhiều người tham gia và cùng trải nghiệm.
Giữa thời đại mà mạng xã hội trở thành phương tiện lan tỏa cảm xúc và kết nối cộng đồng, ngày càng đông đảo bạn trẻ tìm đến các hoạt động trải nghiệm sáng tạo thủ công. Điều này đã mở đường cho sự phát triển của nhiều workshop đa dạng và phong phú, đáp ứng nhu cầu của thế hệ trẻ. Xu hướng này cho thấy, bên cạnh những hoạt động sôi động và thời thượng, giới trẻ vẫn dành không gian cho những khoảnh khắc tĩnh tại. Đó là nơi họ có thể khám phá bản thân, gắn kết với giá trị văn hóa truyền thống và tạo tác những sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.