Di sản văn hóa hát Then trong sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng

Di sản văn hóa trên bản đồ thế giới đã có thêm địa chỉ đỏ khi 'Thực hành hát Then của người Tày, Nùng, Thái' vừa được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 13/12/2019. Đây là niềm tự hào cho văn hóa Việt Nam, nhưng cũng đặt ra những vấn đề về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể.

Các nghệ nhân biểu diễn nghi lễ trong hát Then người Tày tại Hội thảo khoa học về Then Việt Bắc với phát triển du lịch.

Các nghệ nhân biểu diễn nghi lễ trong hát Then người Tày tại Hội thảo khoa học về Then Việt Bắc với phát triển du lịch.

Đời sống văn hóa cộng đồng ẩn hiện trong Then

Then cổ là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình thầy Then (ông Then, bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: Cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới... Khi các thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Tùy theo mục đích của việc cầu cúng mà thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn trước ban thờ Then những vị thần bản địa khác nhau. Thầy Then thường sử dụng các đồ vật như kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông... để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại ban thờ Then ở nhà của thầy.

Là một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng, Then cổ có tiếng gọi từ biến âm của “Thiên” (nghĩa là trời), là thế giới thần linh huyền ảo của những vị thần, chính vì sự thiêng liêng ấy nên hát Then thường được dùng trong tế lễ, cầu mùa, cầu phúc, cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa, tiếng Then qua người hát cất lên gửi về trời mà thấu hiểu cho mọi người, mọi nhà bình an, yên vui, hạnh phúc. Với Then thì cây đàn Tính là vật không thể tách rời, người Tày gọi cây đàn là “ăn tính Then”- cái đàn trời. Then là điệu hát của trời, đàn Tính là cây đàn được trời ban cho người làm Then, là cầu nối giữa hai thế giới tâm linh và hiện thực, giữa cõi trời và hạ giới nên người làm Then phải am hiểu về phong tục tập quán, các ông Then, bà Then thường có sự kế thừa truyền thống của gia đình. Then tồn tại hai dòng: Then văn và Then võ. Then văn thường thiên về sự kể lể trong lời ca, giai điệu không rõ ràng và người làm Then không dùng chân “xóc” nhạc, còn Then võ lại có lời ca rõ ràng, mạnh mẽ sôi nổi và người làm Then dùng chân để “xóc” nhạc. Âm nhạc trong Then rất phong phú, mang tính trữ tình sâu lắng của những lời tự sự. Múa Then có tính chất lễ thức nhịp nhàng uyển chuyển, phong phú về động tác, chủ yếu tồn tại dưới ba hình thức múa: múa Chầu, múa Sluoong, múa nghi lễ. Đứng trên phương diện văn học, Then được xem như những bản trường ca với các đoạn chương móc xích với nhau logic từ đầu đến cuối, Then mang tính huyền thoại gắn với những sự tích để răn dạy con cháu ăn ở có hiếu có đức như sự tích con ve sầu, núi hoa, núi tuyết... Về mỹ thuật thì đó là sự phong phú về cách trang trí bàn lễ, đồ lễ, kim ngân… nhất là thể hiện trên chiếc mũ Then, đó là sự miêu tả cuộc sống nơi thiên đình với rồng cuộn, mây bay, hạc vàng óng ánh.

Giữ gìn và phát huy giá trị di sản

Mới đây, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã tổ chức Hội thảo khoa học về Then Việt Bắc với phát triển du lịch, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Sau vinh danh vẫn còn có những nỗi lo. Phải làm gì để di sản Thực hành Then thực sự được bảo tồn và phát huy giá trị, đúng với tầm vóc di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại? Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Thực hành Then ở một số địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong việc duy trì, phát triển. Nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công tác bảo tồn văn hóa dân tộc; việc tuyên truyền, vận động cộng đồng giữ gìn văn hóa dân tộc chưa được tiến hành thường xuyên…

Theo Ths. Dương Thị Lâm, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc: Cần kịp thời có chính sách cụ thể cho các nghệ nhân. Một số nghệ nhân cao tuổi ít có điều kiện giao lưu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, dần dần sẽ thất truyền. Đây là những nghệ nhân luôn âm thầm cống hiến, bản thân họ là nguồn lưu trữ nguồn văn hóa dân tộc rất lớn. Những nghệ nhân cao tuổi này vẫn lặng lẽ sử dụng vốn văn hóa của mình đi tuyên truyền ở các bản làng. Còn Ths. Lý Thị Chiên, đại diện Khu du lịch Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Cần chú trọng “bảo tồn sống”, tức là bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng. Tăng cường hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm, hướng tới trao truyền những giá trị của di sản cho lớp trẻ…

Được biết, toàn tỉnh hiện có hàng trăm câu lạc bộ, nhóm sở thích về hát Then, đàn Tính thu hút trên 500 người tham gia. Đặc biệt, toàn tỉnh có 11 Nghệ nhân ưu tú và 1 Nghệ nhân Nhân dân về hát Then được Nhà nước phong tặng. Đây chính là những “di sản sống” đang tiếp tục tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Tuy nhiên, để phát huy tốt giá trị văn hóa gắn với du lịch, rất cần có những chính sách khuyến khích phát triển và tạo sức hút bằng hoạt động trải nghiệm đối với khách du lịch.

Hát then và đàn tính từ lâu đã trở thành “đặc sản” của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Thái tập trung tại vùng miền núi phía Bắc, trong đó trung tâm là vùng các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn Tuyên Quang, Quảng Ninh). Với Thái Nguyên, Định Hóa chính là trung tâm của vùng di sản văn hóa phi vật thể này. Tại huyện Định Hóa, dân tộc Tày và dân tộc Nùng chiến tới 65% dân số toàn huyện, trong đó hầu hết 24 xã, thị trấn đều có các mô hình câu lạc bộ, nhóm sở thích duy trì hoạt động văn hóa hát Then, đàn tính đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của một vùng di sản.

Trinh An

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/van-hoa/di-san-van-hoa-hat-then-trong-sinh-hoat-tin-nguong-cua-cong-dong-268808-98.html