Di sản văn hóa - Nguồn lực cho sự phát triển bền vững
Việt Nam có hệ thống hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Các di sản không chỉ mang những giá trị lịch sử, là tài sản tinh thần vô giá, mà còn là 'mỏ vàng' của quốc gia, là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế.
Di sản - bức tranh văn hóa đa dạng
Đất nước Việt Nam có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đồ sộ, phong phú và đa dạng. Theo đó, ở loại hình di sản văn hóa vật thể, những di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long, Quần thể danh thắng Tràng An-Ninh Bình, Phong Nha- Kẻ Bàng, Quần thể di tích cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Khu di tích Chăm Mỹ Sơn, Thành nhà Hồ… là những di sản đã được UNESCO vinh danh.
Bên cạnh đó, hàng trăm di tích quốc gia đặc biệt như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Đền Hùng, Côn Sơn – Kiếp Bạc… và hàng nghìn các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, huyện… mỗi di tích mang đều mang trong mình một lớp trầm tích về văn hóa, lịch sử gắn với sự phát triển của dân tộc Việt Nam.
Ở loại hình di sản văn hóa phi vật thể, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Hội Gióng đền Phù Đổng và Đền Sóc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mấu Tam phủ của người Việt, Thực hành Then Tày Nùng người Thái, Nghệ thuật xòe Thái… là những di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, được UNESCO công nhận, cùng hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể khác thuộc các loại hình lễ hội, nghi lễ, tín ngưỡng, nghệ thuật, tri thức dân gian, phong tục tập quán, nghề truyền thống… Những di sản này được coi như “mã định danh” khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Có thể nói, hiện nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một “cường quốc về văn hóa” tại Đông Nam Á, với hơn 40 di sản thuộc các loại hình khác nhau được UNESCO vinh danh, gồm: các di sản vật thể, di sản phi vật thể đại diện, di sản tư liệu, công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển thế giới… cùng hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh, huyện, xã. Các di sản văn hóa là sản phẩm vật chất và tinh thần gắn liền với cộng đồng dân cư, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện sự đa dạng, bản sắc của cộng đồng, là tài sản quý báu mang đậm nét đặc trưng của quốc gia, của dân tộc.
Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: Di sản văn hóa như một AND của một quốc gia, là bản sắc, là dấu hiệu để nhận biết quốc gia đó. Di sản văn hóa chứng tỏ sự sáng tạo, bề dày của lịch sử và sự sáng tạo của con người trong quá trình khởi lập xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, di sản văn hóa cũng thể hiện sắc thái của mỗi cộng đồng lớn, nhỏ khác nhau của từng quốc gia, mỗi sắc thái ấy tạo thành một bức tranh văn hóa đa dạng của mỗi quốc gia.
“Di sản văn hóa vừa là bản sắc nhưng nó cũng chính là tài nguyên đem lại cho quốc gia những nguồn lợi lớn về phát triển kinh tế, du lịch. Và quan trọng hơn, di sản văn hóa còn là điểm tựa tinh thần, là chỗ dựa vững chắc cho mỗi quốc gia, dân tộc trong hành trình hội nhập và giao lưu văn hóa với quốc tế”, Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.
Nguồn lực để phát triển
Với hệ thống hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên dải đất hình chữ S không chỉ mang giá trị lịch sử, là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, còn là “mỏ vàng” của quốc gia, là nguồn vốn, là tài nguyên để phát triển du lịch cũng như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững.
Đơn cử, những di tích lịch sử, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên như như phố cổ Hội An, Vịnh Hạ Long, Quần thể danh thắng Tràng An, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng... thường xuyên thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Những di sản văn hóa phi vật thể như Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hội Gióng, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Di sản xòe Thái… luôn thu hút số lượng lớn người tham dự và trải nghiệm… Điều đó cho thấy, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã, đang và sẽ mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các chuyên gia văn hóa và du lịch cho rằng, các di sản văn hóa là giá trị cốt lõi để phát triển du lịch đặc trưng ở các vùng miền, các tỉnh/thành phố trong cả nước. Nhiều sản phẩm du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa đã được các địa phương khai thác thành công, có thể kể đến tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, danh thắng Tràng An, các lễ hội truyền thống và đương đại như Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Bà Chúa Xứ, Festival Huế, Festival biển Nha Trang, Carnaval biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ...
Nhiều chuyên gia văn hóa và du lịch khẳng định, các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh là những “địa chỉ đỏ” trong việc thu hút ngày càng đông khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Các khu di sản ở Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Những hiệu quả về kinh tế ở các khu di sản của Việt Nam hiện nay đa phần đều thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu. Bên cạnh đó, tại các khu di sản hình thành các tuyến, điểm du lịch với các hình thức du lịch có trách nhiệm, bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch biển... vừa tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới, vừa góp phần giảm tải cho các khu vực vùng lõi của di sản, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Theo thống kê của Cục Du lịch, hơn 70% du khách nước ngoài mỗi khi đặt chân đến Việt Nam đã dành thời gian, tâm sức để tìm hiểu, khám phá di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Việt. Số liệu thống kê của các địa phương thời gian qua cho thấy, các di sản thế giới sau khi được công nhận đều tăng nhanh số lượng du khách và năm sau tăng nhiều hơn năm trước. Đơn cử, Quần thể di tích cố đô Huế và vịnh Hạ Long từ khi mới được ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới chỉ có vài chục nghìn khách du lịch. Đến năm 2023, tổng lượng khách đến tham quan di tích cố đô Huế đạt 2,3 triệu lượt, tổng doanh thu từ nguồn bán vé tham quan đạt trên 350 tỷ đồng. Vịnh Hạ Long, năm 2023 đón khoảng 2,6 triệu lượt khách tham quan, doanh thu khoảng 800 tỷ đồng. Quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2023 Ninh Bình đón 6,6 triệu lượt khách, (trong đó, quần thể danh thắng Tràng An chiếm khoảng 70% tổng lượt khách), doanh thu gần 6.500 tỷ đồng… đóng góp đáng kể vào sự phát triển của địa phương.
Có thể khẳng định, di sản văn hóa là một loại tài nguyên đặc biệt, có sức sống, tiềm năng vô hạn, là tài nguyên quý của quốc gia. Vì vậy, cộng đồng cần quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời sử dụng di sản như nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.