Di sản văn minh phương Đông của chúng ta
Về cơ bản 'Our Oriental Heritage' là một pho sử về các nền văn minh phương Đông với nội dung phong phú và hấp dẫn.
Huỳnh Ngọc Chiến dịch tựa đề “Our Oriental Heritage” của (Will Durant) thành Di sản phương Đông là không đủ. Thứ nhất là thiếu một từ quan trọng mà Durant nói rõ (explicitly) là “Của chúng ta” với hàm nghĩa là những Di sản này là của chúng ta, của loài người chúng ta, trên hành tinh này. Thứ hai là thiếu nội hàm của Di sản mà Durant đã trình bày trong tác phẩm đồ sộ thứ nhất (trong bộ kiệt tác 11 tác phẩm của mình). Đấy là từ Văn Minh (nền văn minh). Nếu dịch đủ thì Our Oriental Heritage sẽ phải là: Di sản văn minh phương Đông của chúng ta.
Về cơ bản Our Oriental Heritage là một pho sử về các nền văn minh phương Đông với nội dung phong phú và hấp dẫn. Tác phẩm có ba điểm nổi bật.
Một là Durant đã giới thiệu hệ quy chiếu về văn minh, nghĩa là văn minh là gì, một nước như thế nào là một nước văn minh. Theo Durant, có tám yếu tố làm nên một nền văn minh: (i) Lao động, canh tác, kỹ nghệ, vận tải và thương mại, (ii) nhà nước- chính phủ, (iii) phong tục, đạo đức, lương tâm, và đức hạnh, (iv) tôn giáo, (v) khoa học, (vi) triết học, (vii) văn chương và (viii) nghệ thuật. Tám yếu tố đó cấu thành nền văn minh “và là một phần trong di sản mà phương Đông để lại cho phương Tây”.
Điểm nổi bật thứ hai là Durant, sau khi kể lại cho chúng ta về những nền văn minh, thì đưa ra những nhận xét khái quát về tính cách của mỗi dân tộc cũng như của một con người điển hình của dân tộc đó. Và nhận xét thường được đưa ra một cách khách quan, khá chính xác, theo một cung cách vừa lạnh lùng vừa hài hước.
Điểm nổi bật thứ ba là Durant, cuối mỗi phần bàn về một nền văn minh, thường đưa ra dự đoán về tương lại của nền văn mình đó. Những dự đoán này được đưa ra vào giữa những năm ba mươi của thể kỷ trước, tới bây giờ, sau gần một trăm năm, lại đúng theo cái cách mà người ta có thể xếp tác giả vào hàng tiên tri.
Ví dụ, thời điểm 1930, khi Trung Quốc còn trong quãng thời gian đen tối nhất, Durant đã dự đoán rằng “Rất có thể Trung Quốc sẽ đạt được những sự cường thịnh mà ngay cả nước Mỹ cũng chưa từng biết đến và có thể một lần nữa, Trung Quốc lại đứng đầu thế giới về sự xa hoa, và nghệ thuật sống như trong quá khứ.”
Tương tự, ở thời điểm viết cuốn sách, tức là khoảng 6, 7 năm trước trận Trân Châu Cảng (mà nước Mỹ hoàn toàn bất ngờ) thì Durant, trong phần kết của nội dung về Nhật Bản, đã đưa ra câu hỏi: “Liệu Mỹ có cần phải đánh Nhật không”? Nếu lãnh đạo Mỹ chịu khó đọc Durant thì có lẽ đã không phải chịu bất ngờ trong trận chiến ở cảng Trân Châu vào năm 1941.
“Điều thường tình trong lịch sử, là khi hai nước cùng giành giật nhau một thị trường, nước nào mất khả năng cạnh tranh về kinh tế, nếu mạnh hơn về tài nguyên và quân lực, thì nó tiến hành chiến tranh với kẻ thù”. Trong bối cảnh hiện tại, lý thuyết này có thể cho chúng ta những tham chiếu từ lịch sử.
Nguồn Znews: https://znews.vn/di-san-van-minh-phuong-dong-cua-chung-ta-post1469059.html