Di sản vĩ đại của dân tộc

BPO - Vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta, trở về với thế giới người hiền. Trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho Đảng, cho dân tộc Việt Nam và nhân loại một di sản vĩ đại và vô cùng thiêng liêng - Di chúc của Người. Đây là một kiệt tác vừa mang tính triết lý truyền thống vừa là cảm nghĩ của một vĩ nhân nhưng cũng là sự đúc kết các quy luật của tự nhiên, xã hội, con người một cách đơn giản, nhẹ nhàng, kinh nghiệm, cô đọng và triết luận. Di chúc của Người còn là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn đối với tiến trình cách mạng cũng như sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện, vạch ra phương hướng cách mạng Việt Nam cho cả hôm nay và mai sau.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rất nhiều tác phẩm, nhưng điều đặc biệt là Di chúc được Người viết lâu nhất - trong 4 năm (1965-1969) và được Người công phu chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần. Khởi thảo vào ngày 10-5-1965, khi Người tròn 75 tuổi và Người xem lại lần cuối vào lúc 9 giờ đến 10 giờ ngày 20-5-1969, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 79 ngày sinh của Người. Tháng 5-1965, khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tròn 75 tuổi và Bác tự cảm nhận được sức khỏe của mình giảm sút so với những năm trước đó. Bác cho rằng mình đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Mặc dù Người cảm nhận thấy “Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh” nhưng Người cũng đã đưa ra dự báo “Ai dám đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng được mấy năm tháng nữa?” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2002, trang 497).

Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội - Ảnh tư liệu

Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội - Ảnh tư liệu

Như vậy, rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự cảm được thời khắc quan trọng trong khoảng thời gian còn lại ở phần cuối cuộc đời mình. Và chính từ sự dự cảm đó, Người đã viết trong Di chúc: “Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột” (sđd, tập 12, trang 497). Ở bản Di chúc đầu tiên được Người viết vào ngày 15-5-1965, nhân dịp mừng thọ 75 tuổi. Bản Di chúc này do Người tự đánh máy, dày 4 trang và có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Và đây là bản Di chúc hoàn chỉnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong 2 năm sau (1966-1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục bổ sung vào bản Di chúc Người viết năm 1965. Ở phần nội dung bổ sung, Người viết về Đảng. Ngay ở khổ đầu tiên của phần này, Người đã viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân”. Và đến đây, Người viết thêm cụm từ “phục vụ Tổ quốc”. Cũng ở phần bổ sung viết về Đảng, ở khổ thứ ba, Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Đến đây, Người bổ sung thêm câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” vào cuối của khổ này.

Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục bổ sung vào Di chúc một đoạn viết tay gồm 6 trang. Đến năm 1969, vào ngày 10-5, Người viết lại toàn bộ phần mở đầu của bản Di chúc bằng một trang viết tay. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự cảm thấy “sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”. Và Người đã bình tĩnh, chủ động nhận biết quy luật của tự nhiên, nên Người đã viết: “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm”… Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó không có gì lạ”. Vì vậy, Người đã chủ động viết Di chúc để lại muôn vàn tình thương yêu và những lời căn dặn tâm huyết cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và đồng chí, bạn bè gần xa.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố năm 1969, đề ngày 10-5, gồm 4 trang in khổ 14,5cmx22cm. Bản Di chúc này chủ yếu dựa vào bản Di chúc Người đã viết năm 1965, trong đó có đoạn mở đầu là bản Người viết năm 1969. Ở đoạn nói về việc riêng là phần đầu, Người viết vào năm 1968. Các bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI công bố năm 1989, dịp kỷ niệm lần thứ 99 ngày sinh của Người.

Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của cuộc đời, của tạo hóa đặt ra cho con người và muôn vật trên thế gian này. Vì vậy, đã là con người sinh ra trên cõi đời này thì không ai ngoài vòng của quy luật nêu trên. Song, từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng ở Người vẫn nồng cháy một tình yêu thương lớn lao và tinh thần trách nhiệm cao đối với đồng chí, đồng bào, đối với toàn dân tộc, với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Di chúc của Người là chúc thư của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc, một chiến sĩ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng con người, phấn đấu, hy sinh vì tự do, hạnh phúc của con người.

Những tư tưởng vĩ đại, phẩm chất đạo đức trong sáng tuyệt vời và chủ nghĩa nhân văn tỏa sáng từ di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta sẽ mãi mãi là nguồn sức mạnh to lớn dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam trên con đường xây dựng Tổ quốc Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đã tròn 55 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhưng Di chúc của Người mãi mãi soi rọi con đường chân lý chẳng những cho nhân dân ta mà còn cho tất cả dân tộc trên thế giới đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hòa bình, công lý và hạnh phúc của loài người.

Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta tiếp tục đọc và suy ngẫm những lời tâm huyết của Người trước lúc đi xa. Với tất cả tình cảm, lòng kính yêu vô hạn và niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng, hoài bão của Người, cả dân tộc ta đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng và sự nghiệp cách mạng do Người khởi xướng, xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, như mong ước của Người. Và 55 năm đã qua kể từ khi được công bố, Di chúc của Bác là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hãy vì lợi ích của dân tộc, của đất nước, nhưng cũng là lời dặn dò chân tình gửi lại cho bao thế hệ kế thừa với cả sự tin tưởng lẫn yêu thương, vậy nên chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với Người - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một nhà văn, nhà thơ lớn, danh nhân văn hóa thế giới.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/162045/di-san-vi-dai-cua-dan-toc