Đi theo tiếng gọi của Đảng, thay đổi vùng đất '3 không'

31 năm trước, những người con Bắc Giang đã vượt gần 2.000 cây số đến miền biên giới huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh - nơi từng được gọi là vùng đất 'khô cằn, nắng cháy' với cái tên '3 không': Không đường, không trường, không điện. Nhờ quyết tâm của cả hệ thống chính trị và tinh thần lao động bền bỉ của những người con quê hương Bắc Giang, vùng đất khó khăn năm xưa nay đã đổi thay mạnh mẽ, trở thành miền quê trù phú, khang trang, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Lập nghiệp nơi biên viễn

Rời quê hương vào Tây Ninh lập nghiệp, đến nay ông Chúc Văn Việt ở ấp Tân Kiên, xã Tân Hà, huyện Tân Châu vẫn không thể quên những ngày đầu đến vùng đất mới. Khi đó, vợ chồng ông Chúc ở trong ngôi nhà tranh, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn do không có điện, giao thông đi lại khó khăn. “Lúc đó động lực của chúng tôi chính là sự động viên của chính quyền địa phương: Đất Tây Ninh không phụ lòng người, các đồng chí cố gắng động viên bà con trụ lại. Nghe vậy, chúng tôi động viên bà con cùng nỗ lực sản xuất, chia nhau miếng cơm cái bánh, đoàn kết vượt qua khó khăn. Cứ thế, đời sống cũng ổn định dần”, ông Việt nhớ lại.

 Mô hình trồng chuối già Nam Mỹ của ông Chinh không chỉ giúp gia đình phát triển kinh tế mà còn tạo việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn.

Mô hình trồng chuối già Nam Mỹ của ông Chinh không chỉ giúp gia đình phát triển kinh tế mà còn tạo việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn.

Và quả thật, “đất khó không phụ lòng người”, hơn 30 năm sau ngày khai hoang mở đất, những rẫy mì (sắn), mía của người dân đã vươn lên xanh tốt; những vườn cao su bạt ngàn tuôn dòng mủ trắng đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Đặc biệt, những năm gần đây người dân đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho thu nhập cao.

Ông Nguyễn Văn Chinh ở ấp Đông Hà là người đầu tiên đưa cây chuối già Nam Mỹ về trồng trên vùng đất biên giới xã Tân Đông. Ông Chinh cho biết, khi vào Tây Ninh, gia đình lập nghiệp bằng nghề trồng mì. Năm 2019, khi dịch khảm lá mì lan rộng, trồng mì không năng suất, ông tìm hiểu và quyết định chuyển đổi sang cây chuối già Nam Mỹ. Theo ông Chinh, giống chuối này nếu trồng đúng kỹ thuật sẽ cho năng suất từ 40 - 60 tấn/ha, giá bán hiện nay dao động từ 10 nghìn - 12 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha, hoặc có thể cao hơn.

Từ vùng đất khô cằn, nắng cháy ngày nào, giờ đây mầm xanh của cây trái đã tươi tốt, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Những câu hát nặng nghĩa, vẹn tình “người ơi, người ở đừng về” đã góp thêm một một làn gió mới trong phong trào văn hóa văn nghệ trên quê hương mới của những người con Kinh Bắc - Bắc Giang, Bắc Ninh năm nào.

Từ vùng đất khô cằn, nắng cháy ngày nào, giờ đây mầm xanh của cây trái đã vươn lên tươi tốt, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. “Đối với bà con từ Bắc Giang vào lập nghiệp trên địa bàn huyện Tân Châu, đa số kinh tế rất phát triển. Ví như ở xã Tân Hà không còn hộ nghèo, xã Suối Ngô tỷ lệ hộ nghèo rất thấp so với trung bình toàn huyện”, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết.

Xác định biên giới là “phên giậu”, là “hàng rào” bảo vệ cho nhân dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, trong quá trình sinh sống và canh tác trên khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh, những người con của quê hương Bắc Giang luôn có ý thức giữ gìn an ninh trật tự, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Ông Hoàng Văn Thiệu, quê gốc Bắc Giang, hiện là Bí thư Chi bộ ấp Đông Hà, xã Tân Đông chia sẻ: "Thực hiện chủ trương của Đảng, chúng tôi vào đây vừa phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương, đất nước vừa chung tay giữ ổn định vùng biên giới bình yên. Chúng tôi thường xuyên cùng bà con nâng cao cảnh giác, khi phát hiện có sự việc bất thường là báo ngay cho chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng để xử lý kịp thời".

Giữ gìn bản sắc quê hương

Vào lập nghiệp, xây dựng quê hương mới, hơn 30 năm qua, câu hát quan họ đã theo bước những người con quê hương Kinh Bắc (Bắc Giang - Bắc Ninh ngày nay) về với mảnh đất Tây Ninh. Câu hát quan họ đã giúp những người con xa quê vượt qua khó khăn, vất vả trong lao động hằng ngày để xây dựng cuộc sống ấm no trên vùng đất mới. Yêu quê hương, yêu những làn điệu quan họ tha thiết, những liền anh, liền chị xa xứ đã cùng nhau thành lập Câu lạc bộ Quan họ mang tên “Một thoáng quê hương” ngay trên miền quê biên giới Tây Ninh.

 Một buổi biểu diễn dân ca quan họ của những người con xa xứ.

Một buổi biểu diễn dân ca quan họ của những người con xa xứ.

Bà Hoàng Thị Hằng ở ấp 4, xã Suối Ngô kể: “Khi mới vào vùng đất Tây Ninh lập nghiệp, chúng tôi ai cũng vất vả, lại nhớ quê cồn cào. Giữa những giờ khai hoang, trồng mía, trồng mì thì những câu quan họ là cách để chúng tôi vơi đi những khó khăn, nhọc nhằn. Dù quãng đường đi từ ấp này đến ấp kia khá xa nhưng chúng tôi vẫn tập trung để cùng ôn lại một số bài hát của quê mình”. Còn bà Nguyễn Thị Gấm ở ấp 1, xã Suối Ngô - thành viên Câu lạc bộ “Một thoáng quê hương” cho biết thêm: “Tình người quan họ lúc nào cũng xao xuyến trong lòng, nên tôi rất thích những giai điệu dân ca để nhớ về quê hương và cũng là động lực để mình xây dựng đời sống trên quê hương mới ngày một tốt hơn”.

Khi đến mảnh đất Tân Châu, nghe các liền anh, liền chị của Câu lạc bộ “Một thoáng quê hương” cất lên những làn điệu dân ca quan họ thân thương, quen thuộc như: "Khách đến chơi nhà", "Mười nhớ", "Vào chùa"... những ai yêu quan họ đều ngỡ như đang lạc vào xứ Kinh Bắc xưa. Đến nay câu lạc bộ quy tụ hơn 30 thành viên. Đặc biệt, những năm gần đây, câu lạc bộ đã tạo được tiếng vang, được nhiều người biết đến. Trong các dịp lễ, Tết ở địa phương, câu lạc bộ đều được mời tham gia biểu diễn.

Hơn 30 năm sinh sống trên quê hương mới cũng là bằng đấy thời gian những người con quê hương Kinh Bắc luôn ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa, truyền thống của quê hương. Đến nay, những thế hệ con, cháu lần lượt ra đời và câu hát quan họ cũng tiếp tục truyền lại cho thế hệ sau. Ngồi ngân nga câu hát “Làng quan họ quê tôi, tháng Giêng mùa hát hội, những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao quanh, ngang lưng làng quan họ xanh xanh”, cháu Nghiêm Thị Ngọc Hân ở ấp 1, xã Suối Ngô cho biết đã học hát quan họ từ năm 13 tuổi, đến nay đã gần 2 năm. “Con chưa một lần được về thăm quê hương nhưng qua câu chuyện kể, qua những lời hát dân ca của ông bà, con rất thích và tự hứa sẽ cố gắng học hát để giữ gìn làn điệu quê hương”, Hân nói.

Một mùa xuân mới lại về, những câu hát nghĩa tình của người con quan họ xa xứ lại được vang lên trên mảnh đất Tây Ninh. Những câu hát nặng nghĩa, vẹn tình “người ơi, người ở đừng về” đã góp thêm một làn gió mới trong phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương. Qua lời ca tiếng hát, những người con xa xứ vơi đi nỗi nhớ, chung tay góp sức xây dựng quê mới ngày càng giàu mạnh.

Bài, ảnh: Vũ Nguyệt

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/di-theo-tieng-goi-cua-dang-thay-doi-vung-dat-3-khong--postid411521.bbg