Huyện Thường Tín - Vùng đất danh hương, khoa bảng
Với vị thế cửa ngõ phía nam kinh thành Thăng Long - Hà Nội, huyện Thường Tín là vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống khoa bảng, đất trăm nghề, nơi tiếp nhận, lưu giữ, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống.
Lừng lẫy khoa bảng, danh hương
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, thời gian qua, huyện Thường Tín đã và đang triển khai hàng loạt các biện pháp với nhiều nguồn lực nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng "đất danh hương". Huyện Thường Tín xưa có tên là Thượng Phúc, được mệnh danh là đất học.
Các tài liệu Viện Hán Nôm và hệ thống văn bia tại Văn Từ Thượng Phúc cho thấy, Thường Tín là huyện có số lượng khoa bảng nhiều nhất trên địa bàn TP Hà Nội. Theo thống kê, đến nay vùng đất này có 128 người đỗ đại khoa, trong đó 2 người đỗ trạng nguyên, 3 người đỗ bảng nhãn, 2 người đỗ thám hoa.
Sử sách ghi lại, huyện Thường Tín là nơi sinh ra nhiều bậc hào kiệt, nhiều nhà khoa bảng như: Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Lê Nguyên Kỷ…Để vinh danh truyền thống khoa bảng của vùng đất này, từ hàng trăm năm trước các bậc tiên hiền đã kiến lập Văn Từ Thượng Phúc.
Song hành việc xây dựng Văn Từ, Tiến sĩ Dương Công Độ soạn văn, khắc lên bia đá 4 mặt chữ tên tuổi của 75 nhà khoa bảng. Nối tiếp truyền thống, thừa mệnh bản huyện cùng quan triều đình và quan viên qua các thời kỳ đó, Văn Từ Thượng Phúc được tu sửa, có thêm tòa nội đường từ vũ, tiền đường, khắc thêm phần bia ký của các bậc hiền tài tiếp theo.
Theo các sách cổ miêu tả, Văn Từ Thượng Phúc có mái che rất đẹp và có người trông coi, nơi này cũng là trường học của huyện. Tuy nhiên, khuôn viên Văn Từ nhỏ hẹp, lại ở nơi heo hút nên lễ hội thường vắng vẻ. Thêm nữa ở nơi đất thấp, cuối mùa thu hay lụt lội nên việc tế lễ thường không đúng kỳ.
Đến năm Tân Mùi (1811), tường Văn Từ bị nước lũ cuốn trôi. Năm Nhâm Thân (1812), Hội Tư Văn của Văn Từ Thượng Phúc bàn tính, dời chuyển đồ thờ tự, văn bia…về thôn Văn Hội, xã Văn Giáp, huyện Thượng Phúc (nay là thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín) rồi dựng lại khu Văn Từ tráng lệ, uy nghi hơn.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, biến thiên của thời gian, Văn Từ Thượng Phúc từng bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của mảnh đất khoa bảng, địa linh nhân kiệt, năm 2018, huyện Thường Tín tổ chức khảo sát, nghiên cứu về nguồn gốc Văn Từ. Qua đó khẳng định rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa nơi đây.
Phát huy giá trị lịch sử
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của công trình lịch sử này, ngày 24/11/2019, huyện Thường Tín đã khởi công thực hiện Dự án xây dựng, phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc ở thôn Văn Hội, xã Văn Bình.
Dự án này có tổng diện tích 3.516m2 với kiến trúc nội công ngoại quốc, gồm các hạng mục công trình: Tiền tế, thiêu hương, hậu cung, tả vu - hữu vu, nhà bia, đồng trụ và các công trình phụ trợ... với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Sau hơn một năm triển khai thi công, toàn bộ các hạng mục của công trình đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Văn Từ Thượng Phúc được xây dựng nhằm phát huy giá trị truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của huyện Thượng Phúc xưa (Thường Tín ngày nay), khôi phục lại nơi tôn thờ và ghi danh các bậc hiền tài, nhà khoa bảng, qua đó kế thừa giá trị văn hóa lịch sử. Đồng thời phát huy giá trị truyền thống vùng "đất danh hương", "đất trăm nghề", góp phần đưa Thường Tín phát triển vững mạnh.
Từ những thành công của việc phục dựng và ý nghĩa lịch sử - văn hóa của khu Văn Từ Thượng Phúc, huyện Thường Tín đang triển khai dự án xây dựng khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê là động lực phát triển từ trầm tích văn hóa
Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi nằm tọa lạc trên quê hương ông có tổng diện tích 2,7ha gồm các công trình: Bảo tồn khu trại Ổi, ao Huê; xây dựng nhà lưu niệm theo hướng trưng bày hiện vật có liên quan đến danh nhân Nguyễn Trãi.
Cùng với đó, theo thiết kế xây dựng và thi công còn có khu giới thiệu giáo dục truyền thống về lịch sử, sự nghiệp, đóng góp của danh nhân Nguyễn Trãi đối với Thủ đô, đất nước; khu các công trình phụ trợ cần xây dựng khu dịch vụ, trải nghiệm di sản, vườn hoa, cây xanh, tiểu cảnh cùng nơi đón tiếp khách, bãi đỗ xe…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản: cùng với khu Văn Từ Thượng Phúc, khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi sẽ là những dấu ấn lịch sử truyền thống của huyện và là điểm nhấn quan trọng trong phát triển chuỗi du lịch văn hóa - lịch sử của Thường Tín.
Bên cạnh hai công trình quan trọng nêu trên, Thường Tín còn có 74 di tích được đầu tư chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết với kinh phí 78 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn xã hội hóa huy động từ Nhân dân giai đoạn 2018 - 2022 để tu bổ, tôn tạo di tích hơn 50 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số di tích được các địa phương chủ động xin phép tu bổ, tôn tạo bằng 100% nguồn xã hội hóa.
"Truyền thống văn hóa chính là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực phát triển của Thường Tín trong suốt chiều dài lịch sử, tạo nên thế và lực mới cho đất danh hương, đất trăm nghề bước vào cuộc kiến tạo mới, trước mắt để trở thành huyện nông thôn mới nâng cao cùng với hàng loạt khu đô thị mới đang dần hiện hữu…" - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản chia sẻ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-thuong-tin-vung-dat-danh-huong-khoa-bang.html