Di tích chiến thắng Xóm Gò: 'Địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích chiến thắng Xóm Gò (tại ấp Xóm Gò, xã Tăng Hòa, nay là thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) là di tích lịch sử cấp tỉnh. Hằng năm, tại di tích này, chính quyền và nhân dân đều tổ chức ôn lại truyền thống đấu tranh của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời, đây cũng là 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.DI TÍCH GẮN LIỀN VỚI SỰ KIỆN LỊCH SỬ

Tháng 2-1961, Tiểu đoàn 261 được thành lập tại xã Hưng Thạnh. Đây là Tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu 8, có 2 Đại đội do đồng chí Lê Văn Khuyên làm Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Lê Pha làm Chính trị viên. Vừa thành lập, đơn vị đã phối hợp với Tiểu đoàn 514 tổ chức nhiều trận phục kích địch đi giải tỏa. Bộ đội địa phương huyện và du kích các xã cũng được phát triển.

Bia chiến thắng Xóm Gò (thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông) sau khi hoàn thành trùng tu, hiện rất khang trang. Ảnh: Quốc Toàn

Bia chiến thắng Xóm Gò (thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông) sau khi hoàn thành trùng tu, hiện rất khang trang. Ảnh: Quốc Toàn

Mỗi huyện có 1 Trung đội được trang bị vũ khí đầy đủ; mỗi xã đều có đội du kích được trang bị súng, mã tấu, súng kíp; vùng giải phóng trong tỉnh được mở rộng. Trên chiến trường đã hình thành 3 vùng rõ rệt, vùng giải phóng, vùng tranh chấp, vùng yếu và thị xã, thị trấn.

Việc xây dựng củng cố vùng giải phóng được các cấp ủy Đảng coi trọng. Hàng vạn nhân dân dốc sức, dốc lòng xây dựng cuộc sống mới. Các Ủy ban Mặt trận với chức năng chính quyền tự quản đã điều hành mọi công việc trong xã, ấp. Tỉnh chỉ đạo các huyện chia cụm nhằm căng kéo địch. Cùng một lúc, các nơi đều đánh địch, địch không thể ứng phó hiệu quả. Tuy nhiên, mặt hạn chế là kỹ thuật và phương tiện đánh phá giao thông của ta còn thô sơ, đánh xe chủ yếu bằng súng bộ binh, bắn tỉa, phá lộ bằng sức người là chính, với cuốc, xẻng, đắp mô, chà gai...

Sau Hội nghị cuối năm 1961, phong trào xây dựng xã chiến đấu phát triển mạnh làm bàn đạp tiến công địch. Tại các huyện địch mở trường huấn luyện thanh niên chiến đấu. Lực lượng địch có Tiểu đoàn Bảo an 17 của tỉnh và 8 Đại đội Bảo an chiến đấu, 2 Đại đội biệt lập, cố vấn Mỹ xuống tới các huyện điều khiển mọi hoạt động quân sự. Địch còn dùng chủ lực, bảo an mở hàng loạt cuộc càn quét quy mô từ 1 - 2 đại đội, 1 - 2 tiểu đoàn trong một khu vực vài ba xã, khủng bố bắn chết dân, gom dân, khoanh dân vào ấp chiến lược.

Trong 2 ngày 26 và 27-2-1962, Bộ Chính trị họp ra Nghị quyết về những công tác trước mắt của cách mạng miền Nam, kiên quyết đẩy mạnh đấu tranh chính trị, quân sự, giành và giữ thế chủ động, đẩy địch vào thế bị động hơn nữa. Tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt ra sức phá Kế hoạch Xtalây - Taylo mở rộng hơn nữa phong trào giải phóng dân tộc - tăng cường chặt chẽ khối đại đoàn kết toàn dân, khơi sâu hơn nữa mâu thuẫn nội bộ của địch, tranh thủ mạnh mẽ sự ủng hộ và đồng tình của lực lượng hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa trên thế giới, chống sự can thiệp vũ trang quy mô của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam, tiến lên giành những thắng lợi lớn hơn nữa.

Để hỗ trợ cho mũi đấu tranh chính trị của nhân dân, Tiểu đoàn 261 bí mật hành quân từ Cai Lậy về Gò Công. Ngày 26-2-1962, đơn vị cùng Đại đội 206 (Gò Công) và Tiểu đội Du kích xã Tăng Hòa, phục kích tại Xóm Gò, xã Tăng Hòa đánh diệt Đại đội Bảo an 892 thuộc Liên đoàn Bảo an Định Tường và Trung đội Dân vệ Xóm Gò (Tăng Hòa).

Diễn biến trận đánh, khi Tiểu đoàn 261 về địa bàn Gò Công hoạt động và nắm được quy luật càn quét của địch, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn thống nhất phối hợp với Trung đội 206 (Gò Công) đắp nhiều mô đất trên tuyến lộ 24 khu vực Xóm Gò và bố trí trận địa, ngụy trang kín đáo. Đúng như nhận định, 8 giờ ngày 26-2-1962, Đại đội Bảo an 892 được xe cơ giới chở từ Gò Công đến Xóm Gò để phá các mô đất; cũng như các lần trước, địch đi theo tuyến lộ 24.

Đến 8 giờ 30 phút, địch lọt vào trận địa, Đại đội 2 nổ súng tiêu diệt phần lớn lực lượng của địch, số còn sống chạy tán loạn ra đồng trống, bị Đại đội 1 truy kích, địch tháo chạy ra lộ 24 về hướng Tăng Hòa lại bị Trung đội 206 chặn đánh. Kết quả trận đánh: Ta diệt 27 tên địch, làm bị thương 28 tên, bắt 78 địch, đốt cháy 3 xe quân sự, thu 1 đại liên, 9 trung liên, 12 tiểu liên, 25 garant, 2 máy vô tuyến điện.

Trận phục kích của Tiểu đoàn 261 (Quân khu 8) và Trung đội Bộ binh 206 (Gò Công) đánh Đại đội Bảo an 892 (thuộc Liên đoàn Bảo an Định Tường tại Xóm Gò, xã Tăng Hòa, nay là thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông) đã góp phần ngăn chặn kế hoạch bình định của địch ở Gò Công trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam.

Chiến thắng Xóm Gò tại xã Tăng Hòa vào ngày 26-2-1962 đã cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang, chính trị, binh vận địa phương, ngay trong đêm và ngày hôm sau bao vây bức hàng các đồn Tân Thành, Tăng Hòa, Phước Trung; đốt cầu Tăng Hòa, Tân Thành và Phước Trung, đốt nhà việc Tăng Hòa và Phước Trung thu nhiều vũ khí. Địch buộc phải điều Đại đội 882 thay thế về đóng tại huyện Gò Công.

“ĐỊA CHỈ ĐỎ” GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG

Di tích chiến thắng Xóm Gò thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng. Di tích nằm cách tỉnh lộ 862 khoảng 15 m, cửa rộng 2 m quay về hướng Đông Bắc. Khuôn viên di tích được láng bê tông, có hàng rào cao 80 cm, diện tích 240 m2. Di tích chiến thắng Xóm Gò được xây dựng vào thập niên 90 thế kỷ XX bằng chất liệu bê tông cốt thép.

Di tích chiến thắng Xóm Gò bao gồm Bia chiến thắng và công viên chung quanh có hàng rào rộng khoảng 240 m. Bia có diện tích xây dựng khoảng 20 m2, cao 400 cm. Thân Bia chiến thắng được đỡ bởi 6 trụ bê tông cốt thép vuông 20 cm bề trên đắp nổi 4 chữ: “Chiến thắng Xóm Gò” sơn màu đỏ. Bên dưới hàng chữ đắp nổi phù điêu diễn biến trận đánh trên nền đỏ. Phù điêu đắp nổi 20 người, 2 chiếc xe bị cháy sơn màu vàng với diện tích phù điêu khoảng 7,5 m2.

Bên dưới chân bia là nội dung tóm tắt lịch sử của di tích được khắc âm nét chữ in hoa trên đá hoa cương có nội dung như sau: “Nơi đây ngày 26-2-1962, Tiểu đoàn 261, lực lượng 206, du kích và nhân dân Gò Công đã tiêu diệt tên Tổng Thinh ác ôn và 2 Đại đội địch, bắt sống 53 tên (trong đó nhiều tên tề có nợ máu với nhân dân). Phá hủy 3 xe quân sự, thu toàn bộ vũ khí và quân trang quân dụng. Trận Xóm Gò đã góp phần ngăn chặn kế hoạch bình định của Mỹ ở Gò Công”.

Với những giá trị lịch sử trên, ngày 15-2-2000, sự kiện chiến thắng Xóm Gò được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh và đã xây dựng Bia chiến thắng khang trang. Hiện nay, di tích được giao cho chính quyền địa phương trông coi chăm sóc. Năm 2021, UBND huyện Gò Công Đông đã có quyết định phê duyệt Dự án Công trình nâng cấp, sửa chữa Bia chiến thắng Xóm Gò, kinh phí gần 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện.

Di tích được thi công với nhiều hạng mục, như: Mài lại đá mài bậc cấp, phủ keo bóng; phá dỡ, xây mới bồn hoa bao quanh bia và hàng rào; nâng nền khuôn viên, lót gạch; phát quang, dọn vệ sinh toàn bộ khu di tích; đổ bê tông nền đá khu hành lang bên ngoài hàng rào tiếp giáp đường lộ; làm đường, bó vĩa vào khu di tích; làm công viên khu đất bên cạnh... đến nay đã hoàn thành việc trùng tu.

Phó Bí thư Huyện đoàn Gò Công Đông Phạm Thành Công cho biết, Ban Thường vụ Huyện đoàn thường xuyên tổ chức cho đoàn viên, thanh niên về nguồn tại Khu di tích Chiến thắng Xóm Gò để thắp hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh. Qua đó, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện tinh thần tự hào về lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc; nâng cao ý thức phấn đấu vươn lên, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, nêu cao tinh thần xung kích tình nguyện vì an sinh xã hội và cộng đồng.

Đồng thời, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, bồi dưỡng và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết. Từ đó, khơi dậy trong thanh niên lòng tự hào dân tộc về những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc, của Đảng, Đoàn - Hội.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gò Công Đông Nguyễn Tuấn Duy cho hay, hằng năm, tại Di tích chiến thắng Xóm Gò, chính quyền và nhân dân đều tổ chức ôn lại truyền thống đấu tranh của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau của địa phương.

CÁT TƯỜNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202303/di-tich-chien-thang-xom-go-dia-chi-do-giao-duc-truyen-thong-cach-mang-972477/