Di tích đồn Coóc - nơi ghi dấu lịch sử cách mạng
Khi thực dân Pháp đánh chiếm Văn Bàn (1886), xứ Mường Thát (ngày nay gồm các xã Làng Giàng, Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Chiềng Ken, Liêm Phú) là khu vực trù phú có nhiều bản làng tập trung và rất đoàn kết nên việc cai trị, bóc lột gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng đã cử cán bộ về xứ Mường Thát lãnh đạo Nhân dân, trong đó có Đội Du kích Pú Gia Lan, đứng lên chống Pháp. Việc xuất hiện cơ sở cách mạng ở Văn Bàn khiến người Pháp rất đau đầu và chúng phải lập nhiều đồn bốt để khống chế. Trong các đồn mà người Pháp lập ở Văn Bàn có đồn Coóc (nay thuộc địa phận thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng và một phần thuộc tổ 6, thị trấn Khánh Yên).
Đồn được người Pháp chọn xây dựng trên ngọn đồi Coóc, có vị trí chiến lược rất quan trọng, đứng ở đây có thể bao quát một vùng rộng lớn cả dãy núi Gia Lan đến thị trấn Khánh Yên và xã Khánh Yên Thượng. Điểm cao của đồn cũng có thể án ngữ kiểm soát được tuyến đường từ Lai Châu về Văn Bàn đi Bảo Thắng, Bảo Yên và Lào Cai.
Theo cụ Vương Văn Kít, người từng có gần 2 năm bị bắt làm phu trong lò bánh mỳ ở đồn Coóc kể lại: Đồn có quy mô lớn, được chia thành nhiều khu vực, thiết kế hình chữ U tựa lưng vào núi, quay mặt ra cánh đồng xã Khánh Yên Thượng, trong đó có khu nhà ở của quan Pháp, khu lính khố đỏ, khu lính khố xanh (các khu nhà làm hoàn toàn bằng gỗ dài khoảng 50 m - 60 m), khu kho lương thực, thực phẩm, kho chứa vũ khí, đạn dược…
Đồn Coóc khác với một số đồn bốt khác mà người Pháp xây dựng ở Lào Cai là không hề có lô cốt bê tông, mà chỉ có hệ thống hầm bằng gỗ và các đường hào thông nhau được thiết kế khá linh hoạt, giúp thuận lợi trong việc tiếp ứng, di chuyển nếu bị tấn công từ bên ngoài.
Ông Chu Xuân Trường (86 tuổi) ở thôn Văn Tiến, xã Khánh Yên Thượng, người từng bị bắt đi phu làm sân bay phục vụ đồn Coóc kể: Khi người Pháp xây dựng đồn Coóc, ông và nhiều trai tráng trong làng bị bắt đi vận chuyển đá để xây thành bao quanh và san đất làm sân bay cho máy bay cất, hạ cánh vận chuyển vũ khí, lương thực.
Theo ông Trường, trong đồn Coóc thường xuyên có 3 quan pháp chỉ huy. Chúng còn cho xây nhà giam để giam giữ, tra tấn dã man người mà chúng nghi ngờ có liên hệ với cán bộ cách mạng.
Đồn Coóc có vị trí chiến lược quan trọng, là một trung tâm chỉ huy quân sự quan trọng của thực dân Pháp tại Văn Bàn, chúng lấy đó để chi phối toàn bộ một khu vực rộng lớn. Xác định rõ, vị trí, vai trò của đồn Coóc, trong chiến dịch giải phóng Văn Bàn, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo quân và dân Văn Bàn cùng với bộ đội Việt Minh vây giáp, đánh chặn các ngả đường tiến lui, các tiền đồn… buộc chúng phải co cụm tại đồn Coóc, sau đó ta tập trung binh lực tiêu diệt.
Ngày 16/11/1950, Văn Bàn được giải phóng, đồn Coóc bị Nhân dân địa phương cùng bộ đội Việt Minh tấn công buộc quân Pháp và tay sai phải rút chạy về hướng Than Uyên. Ta tiếp tục truy kích và phục kích địch tại cầu Nậm Xây, tiêu diệt phần lớn địch và giành thắng lợi.
Di tích lịch sử đồn Coóc là nơi ghi dấu ấn lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta tại huyện Văn Bàn. Đây là bằng chứng về sách lược chiến tranh Nhân dân, chiến tranh du kích, lấy ít địch nhiều của Đảng bộ, quân và dân Văn Bàn.
Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1835 xếp hạng di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng đồn Coóc là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Văn Bàn xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, tu bổ và sử dụng di tích.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Thượng cho biết: Để bổ sung tư liệu cho việc lập hồ sơ Di tích lịch sử “Chiến thắng đồn Coóc”, huyện Văn Bàn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập đoàn khảo sát nhằm bảo tồn di tích, tuy nhiên vì nhiều lý do nên việc xây dựng phương án quy hoạch, tu bổ, bảo vệ, quản lý và sử dụng di tích vẫn chưa được triển khai.
Người dân xã Khánh Yên Thượng nói riêng và huyện Văn Bàn nói chung rất mong UBND tỉnh, ngành chức năng, huyện Văn Bàn sớm hoàn thành quy hoạch, xây dựng Di tích lịch sử “Chiến thắng đồn Coóc” để góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ, đồng thời phát huy giá trị của di tích phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.