Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Thần Phong hòa
Đình Phong Hòa tọa lạc tại ấp Tân Lợi, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung. Được xây dựng vào giữa thế kỷ XIX, trải qua năm tháng, đình Phong Hòa còn giữ được nét kiến trúc đặc trưng của đình Nam bộ, hệ thống liễn đối, hoành phi gỗ, nghệ thuật khắc hoa văn, họa tiết khéo léo, tinh xảo. Đình được vua Tự Đức ban Sắc phong Thần Hoàng Bổn Cảnh vào năm Tự Đức thứ năm (năm 1852). Đình Phong Hòa được xếp loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, năm 2022, được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là Di tích cấp tỉnh.
Theo lời của những bậc cao niên truyền lại, đình Phong Hòa được thành lập vào thế kỷ XIX mang tên gọi của làng lúc bấy giờ là Tân Phong (thuộc Hạt Cần Thơ). Buổi đầu sơ khai, đình làm bằng cây lá, gỗ tạp do một số thân hào, nhân sĩ trong làng lập để thờ cúng. Sau đó, đình Tân Phong được vua Tự Đức ban sắc cấp phong Thành Hoàng Bổn Cảnh vào năm Tự Đức thứ năm. Đến khoảng năm 1920, do đình xuống cấp, các bô lão hương chức cùng các nhà nhân sĩ lên kế hoạch xây dựng lại bằng bê tông và cột cây bằng gỗ căm xe. Đình được xây dựng đến năm 1929 thì hoàn thành. Đến năm 1981, địa giới hành chính của xã thay đổi và đình Tân Phong được gọi theo tên mới của xã là Phong Hòa (nay thuộc xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp).
Trải qua thời gian thăng trầm, đình ngưng hoạt động một thời gian dài và bị xuống cấp nhiều. Đến năm 1994, đời sống kinh tế Nhân dân trong vùng ngày càng phát triển và nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tinh thần ngày một nâng cao. Ban tế tự và một số người dân trong vùng đứng ra vận động tiền, của tu sửa lại chánh điện như: đôn nền lên cao, lát gạch men, thay kèo, rui mè bị mục và xây dựng lại võ ca là nơi dùng làm sân khấu tổ chức diễn tuồng, văn nghệ phục vụ người dân trong các dịp lễ hội.
Đình Phong Hòa được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của đình thần ở Nam bộ, nằm hướng mặt ra dòng kênh Bù Húc. Tổng thể kiến trúc gồm các hạng mục: cổng đình, sân đình, miếu Ngũ Hành, miếu Sơn Quân, võ ca, chánh điện, nhà khách và nhà bếp. Từ cổng chính đi vào phía bên trái là miếu Ngũ Hành, bên phải là miếu Sơn Quân thờ hổ. Tục thờ Ngũ Hành là thờ 5 vị nữ thần biểu trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và thờ hổ biểu hiện cho tín ngưỡng dân gian với mong muốn cầu bình an và may mắn. Võ ca sau khi được xây dựng lại nằm hướng mặt vào chánh điện.
Chánh điện đình được xây dựng theo lối kiến trúc thượng lầu hạ hiên, gồm có 2 nóc chính. Phần mái thiết kế dạng mái chồng mái, lợp ngói âm dương, triền mái thẳng và hếch lên ở góc mái tạo sự thanh thoát cho mái đình. Trên nóc mái trang trí các hình ảnh chim hạc, lân, nghê, các góc mái đắp họa tiết hoa lá cách điệu, giữa 2 tầng mái gắn nhiều tượng người nhỏ với nhiều tư thế khác nhau tạo sự sinh động, bắt mắt.
Bên trong chánh điện thiết kế thành 3 gian thờ, cửa chánh điện thiết kế theo kiểu thượng song hạ bản. Trong chánh điện, chính giữa có bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ Sắc thần, bàn thờ Quan thánh Đế quân, bàn dâng vật phẩm và bàn thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực, bàn thờ Thần. 2 bên có các bàn thờ: Cửu huyền thất tổ, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Tiền hiền, Hương chức hội tề, Hữu ban, Tả ban. Bàn thờ Thần thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh với bao lam khánh thờ được chạm hình rồng, hoa lá và bày trí các đồ thờ cúng trang trọng. Khám thờ được khắc lưỡng long chầu nhật, chim phụng, hoa lá tinh xảo, ở giữa viết chữ Thần. 2 bên khám thờ có câu đối dịch nghĩa là: “Thờ Thần ban ơn huệ người dân bốn phương khỏe mạnh bình yên. Cầu mong Thánh đức giúp muôn vật đều hòa hợp, thông suốt”.
Hàng năm, Lễ Kỳ Yên là lễ hội lớn nhất diễn ra ở đình Phong Hòa nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cũng là dịp để người dân bày tỏ lòng thành, tạ ơn thần đã phù hộ cho họ có cuộc sống ấm no, sung túc. Lệ cúng Kỳ yên ở đình Phong Hòa diễn ra theo thông lệ, lệ cúng Kỳ yên Hạ điền vào ngày 16, 17 tháng 4 âm lịch và lệ cúng Kỳ yên Thượng điền vào ngày 16, 17 tháng 11 âm lịch.
Tọa lạc ở vùng quê hiền hòa, không khí trong lành, yên tĩnh, đình Phong Hòa với giá trị kiến trúc nghệ thuật lưu giữ những dấu ấn thời gian, cùng các lệ cúng mang tín ngưỡng dân gian là điểm đến cho những người quan tâm, yêu thích giá trị văn hóa dân gian truyền thống.