Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa

Cổ Loa là kinh đô đầu tiên của nhà nước Âu Lạc, gắn liền với Vua An Dương Vương cùng những câu chuyện truyền thuyết nổi tiếng, như: Nỏ thần Kim Quy và bi kịch tình yêu Mỵ Châu - Trọng Thủy... Cách trung tâm Hà Nội gần 20 km về phía Bắc, khu di tích Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh là một trong những minh chứng cho lịch sử, văn hóa và tinh thần sáng tạo của người Việt cổ, gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết hấp dẫn.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào năm 257 TCN, sau khi hợp nhất Văn Lang và Tây Âu thành nước Âu Lạc, vua An Dương Vương sai đắp thành ở Cổ Loa - một tòa thành vừa là nơi ở của vua và triều đình, vừa là nơi dân cư tập trung sinh sống, đảm bảo quân giặc không thể đánh phá, đó cũng chính là kinh đô của nước Âu Lạc.

Thời kỳ Bắc thuộc,Loa Thành là huyện thành quan trọng trong hệ thống chính quyền cai trị của triều đại phong kiến phương Bắc.

Mùa đông năm 938, Đức Ngô Vương Quyền đã đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng. Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền tiến hành xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập, bỏ chức Tiết độ sứ, tự xưng Vương hiệu, định đô ở Cổ Loa kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của dân tộc Việt Nam.

Thế kỷ XI - thế kỷ XVIII, Loa Thành bắt đầu hình thành những đơn vị làng xóm.

Thế kỷ XIX - đến nay, Loa Thành là căn cứ địa trong cuộc kháng chiến chống Pháp và hậu phương trong thời kỳ chống Mỹ. Đến nay, Cổ Loa vẫn đang phát triển và gìn giữ văn hóa truyền thống.

Truyền thuyết dân gian kể rằng, khi An Dương Vương xây thành, cứ xây xong lại bị đổ sụp. Vua lấy làm lo, liền trai giới lập đàn khấn trời đất và thần linh sông núi phù hộ. Theo lời khẩn cầu của nhà vua, mùa xuân, tháng 3, chợt có một thần nhân đến trước cửa thành báo với nhà vua là “Cứ đợi giang sứ đến”. Sáng hôm sau, vua ra cửa thành, quả thấy có con rùa vàng bơi trên sông từ phía đông đến, xưng là giang sứ, nói được tiếng người, bàn được tương lai”. Vua hỏi về nguyên do thành sụp, rùa vàng đáp: “Đó là do tinh khí núi sông vùng này bị con vua trước phụ vào để báo thù trước…”. Rùa vàng (thần Kim Quy) đã giúp vua diệt trừ yêu ma và đắp thành. Thành đắp xong, rộng tới ngàn trượng vừa dày vừa cao xoáy vòng như hình con ốc, nên gọi là Loa thành.Thành Cổ Loa có kiến trúc đặc sắc với hệ thống thành lũy hình xoắn ốc độc đáo, gồm ba vòng thành đất dài gần 16 km cùng hệ thống hào sâu và ụ lũy phức tạp. Thành được chia làm 3 khu: thành Trong, thành Trung và thành Ngoại. Thành Trong được xem là chỗ ở cũng là nơi đặt đền thờ của vua An Dương Vương, phía trước là một hồ nước lớn có giếng Ngọc ở bên trong.

Cổng chính của Đền thờ An Dương Vương.

Cổng chính của Đền thờ An Dương Vương.

Thành ngoại với chu vi khoảng 8 km, được xây dựng bằng phương pháp đào đất, khoét hào và đắp lũy. Lũy thành xưa cao từ 4 - 5 m, có nơi cao 8 - 12 m. Ước tính tổng lượng đất sử dụng để xây dựng thành ngoại lên đến 2,3 triệu m³, tạo nên một hệ thống phòng thủ vững chắc. Thành trung có chu vi 6,5 km, kết cấu tương tự thành ngoại nhưng diện tích nhỏ hơn và kiên cố hơn. Khu vực này được xây dựng chặt chẽ, đảm bảo an ninh cho khu vực trung tâm của kinh đô. Các tường thành tại đây được củng cố mạnh mẽ, thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc phòng thủ dài hạn. Thành nội là khu vực quan trọng nhất, nơi đặt cung điện và các công trình phục vụ Vua An Dương Vương.

Đền thờ Đức vua An Dương Vương.

Đền thờ Đức vua An Dương Vương.

Hiện nay, khu di tích Cổ Loa gồm khoảng 60 di tích cổ, trong đó có 7 di tích được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Những di tích này không chỉ minh chứng cho trình độ kiến trúc và tổ chức xã hội của người Việt cổ mà còn là nguồn tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học. Ngoài các di tích vật thể, Cổ Loa còn nổi tiếng với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Đây là nơi diễn ra nhiều lễ hội dân gian đặc sắc như lễ hội Cổ Loa, thu hút đông đảo du khách tham dự.

Du khách tham quan, khám phá di tích Cổ Loa.

Du khách tham quan, khám phá di tích Cổ Loa.

Đền Thờ An Dương Vương, còn gọi là Đền Thượng, được xây dựng trên một quả đồi trước đây từng là cung thất của nhà vua. Đền quay mặt về hướng Nam, với các công trình chính đều nằm trên trục Dũng đạo (Thần đạo), thể hiện sự trang nghiêm và uy nghiêm của nơi thờ tự. Trong đền có pho tượng An Dương Vương được đúc bằng đồng, cao khoảng 1.5 mét, tượng trưng cho vị vua anh minh của nước Âu Lạc. Bên cạnh đó, đền còn lưu giữ nhiều di vật lịch sử quý giá như: đồ cổ bằng gỗ, sứ và vải, phản ánh sự phong phú và đa dạng của văn hóa thời kỳ đó. Các hiện vật này không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn là nguồn tư liệu quý báu cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh các công trình kiến trúc, còn có nhà trưng bày với hơn 200 hiện vật lịch sử như trống đồng, mũi tên đồng niên đại khoảng 3.500 năm. Những di vật này không chỉ phản ánh trình độ kỹ thuật mà còn là minh chứng sống động cho sự phát triển văn hóa của người Việt qua hàng thiên niên kỷ. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng bản đồ chi tiết của Loa Thành với 9 vòng thành độc đáo, minh chứng cho kỹ thuật xây dựng và phòng thủ tinh vi của người Việt cổ. Bên cạnh bản đồ, khu trưng bày giới thiệu hình dáng của chiếc nỏ thần - vũ khí nổi tiếng dưới thời An Dương Vương, biểu tượng của sức mạnh quân sự và sự sáng tạo. Ngoài ra, nhiều hiện vật quý giá khác như mũi tên đồng, công cụ lao động, và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cũng được trưng bày, giúp du khách hình dung rõ nét về cuộc sống và văn hóa của người dân Âu Lạc.

Du khách tham quan Nhà trưng bày có khoảng hơn 200 tài liệu, hiện vật bổ sung cho Khu di tích.

Du khách tham quan Nhà trưng bày có khoảng hơn 200 tài liệu, hiện vật bổ sung cho Khu di tích.

Bên cạnh đó, các dự án lớn như xây dựng đền thờ Vua Ngô Quyền và công viên di sản cũng đang được triển khai, nhằm biến Cổ Loa thành một trung tâm văn hóa - du lịch có tầm vóc. Mỗi năm đều có đến hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm Cổ Loa. Với sự đầu tư và các nỗ lực bảo tồn, di tích khẳng định vị trí như một bảo tàng lịch sử - văn hóa sống động, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và kinh tế địa phương.

Di tích Cổ Loa cũng là địa điểm khảo cổ học có giá trị nổi bật, gắn với các giai đoạn văn hóa khảo cổ của người Việt, như: văn hóa Sơn Vi, văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun, mà đỉnh cao là Văn hóa Đông Sơn với nhiều di chỉ khảo cổ tiêu biểu: Đồng Vông, Bãi Mèn, Đình Chiền, Đình Tràng, Mả Tre, Thành Nội, Thành Ngoại, Thành Trung, Xuân Kiều, xóm Nhồi, đền Thượng, Tiên Hội, Đường Mây, Cầu Vực... Tại khu vực này, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng vạn công cụ lao động, nhạc khí và vũ khí bằng đồng, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về thời kỳ An Dương Vương và lịch sử vùng đất này. Nhà trưng bày hiện vật khảo cổ Cổ Loa không chỉ là điểm tham quan hấp dẫn còn là nơi mang lại những kiến thức sâu sắc về lịch sử và văn hóa Việt Nam, giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản truyền thống của dân tộc.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu của di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg).

M.T

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/di-tich-lich-su-thanh-co-loa-3177357.html