Đi tìm... cỏ mực
Tay mẹ chẳng may bị đứt, một vết đứt thật sâu khiến máu chảy không ngừng. Vừa nắm chặt chỗ tay bị đứt, mẹ kêu nó chạy đi tìm cây cỏ mực về để đắp cầm máu. Giữa trưa nắng oi ả, nó mỏi mắt kiếm tìm vẫn chẳng thấy bóng cỏ mực ở đâu.
Cỏ mực hay còn gọi là nhọ nồi - loại cây cỏ chẳng còn xa lạ với những người sinh ra từ làng như nó. Cái giống cây chỉ cao tầm độ hai gang tay, hoa màu trắng, lá mỏng thuôn dài, khi vò nát, giã dập thì có màu đen, có lẽ vậy mà người xưa đã đặt tên cho thứ cây ấy là cỏ mực, lại có người gọi là nhọ nồi, cả hai tên gọi đều thật thân thương.
Trước đây, cỏ mực mọc hoang khắp nơi, từ vườn nhà, ven đường cái ra đến đồng làng, ở đâu người ta cũng có thể tìm thấy cỏ mực. Có lẽ vì thế, mà đám trẻ con sinh ra từ làng như nó, cũng chẳng cần người lớn phải dạy nhiều cũng dễ dàng nhận biết được cây cỏ mực.
Dù là cây cỏ mọc hoang dại, nhưng cỏ mực lại có thật nhiều công dụng. Trong đó, phổ biến nhất có lẽ là cầm máu. Ai bị chảy máu, dù vết thương có sâu, chỉ cần một nắm cỏ mực rửa sạch bùn đất, giã hoặc nhai dập, đắp vào chỗ bị thương là máu lập tức được cầm. Rồi người ta kiếm thêm miếng vải xé ra từ quần áo cũ, buộc lại chỗ bị thương, ấy vậy mà chỉ một, hai ngày sau mở ra, thì chỗ bị thương đã liền miệng.
Lại nhớ, ngày còn nhỏ, vào mùa lúa chín, nó theo mẹ ra đồng làng đi gặt. Đang loay hoay bứt lúa thì chẳng may chiếc liềm cấu trượt vào chân khiến máu chảy, vừa đau lại thấy máu chảy nhiều, nó khóc toáng lên. Mẹ chạy đến nhìn chỗ chảy máu, vội dìu nó lên bờ ruộng rồi chạy đi tìm nắm lá cỏ mực. Về đến nơi, bà rửa qua bằng nước mương, sau đó nhai dập đắp lên chỗ chân nó bị thương, rồi mẹ lại lấy chiếc nón cũ đang đội đầu xuống, tháo quai để buộc chân cho nó. Chỉ một lát sau, vị cỏ mát lành khiến chỗ bị thương nhanh chóng dịu cơn đau. Trên đường về nhà, nó mới phát hiện ra cỏ mực mọc đầy đường, trong lòng ngây ngô tự hỏi, phải chăng cỏ mực là bạn của con người, cỏ mọc nhiều, ở khắp nơi để dễ dàng cho người ta tìm thấy khi cần. Có lẽ cỏ mực là bạn tốt của con người!
Cỏ mực tốt là thế, nhưng rồi cuộc sống ngày càng hiện đại, những bông băng, miếng dán dần hiện hữu trong tủ thuốc của mỗi gia đình dường như khiến cây cỏ bị lãng quên.
***
Nó chạy ra khu vườn trước nhà, ra hai bên đường, đi một quãng mải miết tìm kiếm, vẫn không thấy bóng dáng cỏ mực ở đâu nữa. Cũng may, vừa đến gần nhà, gặp bà giáo già hàng xóm đang đứng ở cổng, khi biết nó đang đi tìm cỏ mực thì bà bảo, trong vườn nhà bà có trồng một khóm, rồi bà dẫn nó vào để hái. Vừa hái cỏ mực, nó vừa nghe bà cụ thủ thỉ trò chuyện: Giống cỏ này cũng thật kỳ lạ, trước đây mọc hoang thì tốt lắm, thế mà bây giờ được trồng tử tế lại cứ cằn cỗi. Cũng bởi thấy cây ngày càng vắng bóng, hôm đi bộ ra đồng làng thấy có mấy cây mọc bờ ruộng, bà mới nhổ về nhà để trồng, phòng khi dùng đến...
Cầm nắm cỏ mực về nhà, nó cứ nghĩ đến lời bà giáo già vừa nãy, rằng bây giờ đường làng sạch đẹp, bê tông, thảm nhựa kín hết cả hai bên đường, chẳng còn chút đất nào dành cho cây cỏ mọc, là con người vô tình không cần cỏ mực nữa?! Cuộc sống này vốn có nhiều điều tốt đẹp, nhưng nếu mỗi người không quan tâm, chăm sóc và cả tự mình vun đắp từng ngày, thì cũng như cỏ mực, sẽ ngày càng càng hiếm hoi chăng?!
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/di-tim-co-muc-32486.htm