Đi tìm lời giải cho bài toán úng ngập của Hà Nội
Nhiều năm qua, Hà Nội đã dành không ít nguồn lực để cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước cũng như hiện đại hóa nhiều thiết bị thoát nước. Thế nhưng đến thời điểm này, 'bao giờ Hà Nội hết cảnh chớm mưa là ngập' vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Những gam màu sáng, tối
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) cho hay, năm 2023, trong khu vực nội thành còn tồn tại từ 11 - 19 trọng điểm úng ngập.
Cụ thể, đối với các trận mưa có cường độ từ 50mm/h đến dưới 70mm/h, trên địa bàn TP sẽ xuất hiện 11 điểm ngập úng (lưu vực sông Tô Lịch 8 điểm, sông Nhuệ 1 điểm và khu vực Long Biên - sông Cầu Bây 2 điểm); đối với các trận mưa có cường độ từ 70mm/h trở lên, Hà Nội sẽ xuất hiện 19 điểm ngập úng. Trong đó, lưu vực sông Tô Lịch là 8 điểm; sông Nhuệ 8 điểm; Long Biên 1 điểm và Đông Anh 2 điểm.
Nguyên nhân dẫn đến các điểm ngập úng là do cốt nền tại đây thấp hơn so với mặt bằng chung của khu vực nên khi mưa lớn, nước chảy theo mặt đường dồn về nhanh gây ra úng ngập cục bộ.
Ngoài ra, một số khu vực, hệ thống thoát nước được đầu tư xây dựng từ những năm 1954 đến nay đã qua 60, 70 năm sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu thực tế, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao.
Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy nhưng các trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch, khiến việc tiêu thoát nước ra nguồn xả còn hạn chế.
Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay, đối với khu vực nội thành, thông qua trung tâm điều hành hệ thống thoát nước, công ty có thể theo dõi các thông số về mực nước trên hệ thống, công tác vận hành các trạm bơm, cửa phai, đập điều tiết, sơ đồ vận hành của các tuyến sông chính theo thời gian thực… giúp cho công tác điều hành được linh hoạt, kịp thời. Nhờ đó, các trọng điểm úng ngập tồn tại từ những năm trước đã được kiểm soát chặt chẽ về mức độ ngập, phạm vi ngập và thời gian ngập.
Thế nhưng, tại khu vực phía Tây và Tây Nam Hà Nội, tình trạng úng ngập tuy đã có những chuyển biến nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tái ngập úng, đặc biệt khi thời tiết diễn biến xấu. Bởi đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, các dự án hầu hết được xây dựng trên nền đất nông nghiệp làm giảm hệ số thấm tự nhiên, làm xuất hiện các điểm đọng nước như quảng trường Mỹ Đình, đường Võ Chí Công.
Tương tự, tại khu vực quận Long Biên, tình trạng úng ngập tiếp tục xảy ra mỗi khi mực nước trên hệ thống sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải dâng cao. Tại đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, hạ tầng kỹ thuật dù đã được đầu tư theo quy hoạch, có hướng thoát về các trạm bơm đầu mối để bơm cưỡng bức ra sông Hồng, sông Đuống.
Công ty Thoát nước Hà Nội được giao quản lý vận hành chủ động thực hiện 3 gói thầu quản lý, duy trì hệ thống thoát nước đô thị gồm các quận thuộc lưu vực sông Tô Lịch, Tả Nhuệ, Long Biên; 1 gói thầu tại các thị trấn thuộc các huyện, tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường cao tốc thuộc các huyện; 2 gói thầu thực hiện liên danh tại ngõ xóm các quận và 2 gói thầu quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch… chiếm 80% khối lượng hệ thống thoát nước của TP.
Song, đến thời điểm hiện tại, các trạm bơm đầu mối chưa được xây dựng khiến công tác tiêu thoát nước, giảm thiểu ngập úng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự ở khu vực các thị trấn thuộc huyện, nơi có tốc độ đô thị hóa cao nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, cụ thể như: tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long; khu vực đường 32; đường 2B…
Không để bị động trong mọi tình huống
Ông Trịnh Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, nhằm bảo đảm an toàn hệ thống thoát nước, giảm thiểu các điểm, thời gian ngập úng…, công ty đã yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, xây dựng kịch bản với các tình huống cụ thế; đồng thời, thực hiện duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông, hồ điều hòa. Các đơn vị cần kiểm soát, thường xuyên giữ mực nước đệm trên hệ thống các sông, hồ điều hòa thoát nước: thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa các công trình đầu mối (trạm bơm, đập điều tiết, cống qua đê...) xong trước mùa mưa 2024.
Trong đó, đối với khu vực nội thành, công ty đã yêu cầu các đơn vị phát huy tối đa hiệu quả tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước hiện có để đưa nước nhanh nhất về nguồn tiêu và các trạm bơm đầu mối, bảo đảm thoát nước trong thời gian nhanh nhất; chủ động, sẵn sàng đối phó với các trận mưa theo từng tình huống cụ thể, kể cả những trận mưa vượt quá công suất của hệ thống thoát nước.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần phát huy hiệu quả của các thiết bị, công trình thoát nước, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu thiệt hại do mưa và úng ngập gây ra trong khu vực nội thành…
Đối với khu vực ngoại thành, ông Trịnh Ngọc Sơn cho biết, công ty đã yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý, duy tu, duy trì hệ thống thoát nước, giảm thiểu tình trạng úng ngập, khắc phục các bất cập tồn tại trên hệ thống. Các đơn vị cần phối hợp với UBND các huyện và các đơn vị quản lý đường bộ, thủy nông liên quan nhằm quản lý hệ thống thoát nước một cách đồng bộ từ ga thu đến nguồn tiêu, đặc biệt là ở các huyện có đề án lên quận như Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh.
Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, góp phần giảm thiểu tình trạng ngập úng tại Thủ đô, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội kiến nghị UBND TP ban hành quy định liên kết các hồ điều hòa trong công viên, trong khu đô thị với hệ thống thoát nước thành phố. Trên cơ sở đó, công ty đề xuất xây dựng mực nước khống chế và quản lý mực nước từng hồ để góp phần vào công tác điều hòa thoát nước chung của TP.
Cùng với đó, Công ty Thoát nước Hà Nội kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND quận, huyện vận động, tuyên truyền các hộ kinh doanh, nhà hàng, hộ gia đình về việc lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ trên địa bàn nhằm giảm thiểu lượng đầu mỡ ra hệ thống thoát nước.
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp; tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội có xu thế gia tăng; mưa theo vùng trong thời gian ngắn, lượng mưa vượt trung bình hàng năm, trong các tháng cao điểm mùa mưa có xu hướng tăng dần từ 5 - 10%. Dự báo năm 2024 tiếp tục là năm có thời tiết diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường, nắng nóng xuất hiện nhiều hơn kèm theo đó là những trận mưa bất thường, không theo quy luật có thể xảy ra.
UBND TP giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành triển khai công tác khảo sát, xây dựng số hóa bản đồ nền để làm cơ sở giao các đơn vị quản lý triển khai, số hóa đồng bộ hệ thống thoát nước trên địa bàn TP, đáp ứng nhu cầu quản lý, giám sát việc thực hiện quản lý vận hành hệ thống thoát nước và xây dựng đề án TP thoát nước thông minh.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/di-tim-loi-giai-cho-bai-toan-ung-ngap-cua-ha-noi.html