Dị ứng thực phẩm cuối năm từ những bữa tiệc 'độc lạ'
Những ngày cuối năm, khi các bữa tiệc tất niên, liên hoan tổng kết diễn ra dồn dập cũng là lúc số người bị dị ứng thực phẩm tăng lên đáng kể.
Chia sẻ với PV Gia đình Việt Nam, ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam cảnh báo: “Cứ vào dịp cận Tết, số ca mày đay do dị ứng thực phẩm, thuốc,… đến thăm khám tăng cao đáng kể, thậm chí có những trường hợp cầu cứu bác sĩ ngày sát giao thừa”.
Nguy cơ đến từ thực phẩm "độc, lạ" dịp cuối năm
Theo BS Thành, nổi mày đay dịp cuối năm phần lớn xuất phát từ việc sử dụng thực phẩm không kiểm soát trong các bữa tiệc tất niên. Ngoài các món ăn quen thuộc, nhiều món ăn "độc, lạ" cũng thường được dọn mời khách trong dịp lễ quan trọng này kéo theo nguy cơ dị ứng.
Theo BS Tiến Thành một số loại thực phẩm như thịt nhím, kỳ đà, lợn rừng, rau rừng và các loại hải sản như tôm, cua, ghẹ, hay côn trùng như nhộng tằm, châu chấu và bọ cạp đều có thể gây dị ứng mạnh, đặc biệt với những người chưa từng tiếp xúc trước đó. Thêm vào đó, rượu ngâm thảo dược, rượu ngâm động vật như rắn hoặc bọ cạp cũng là những tác nhân dễ gây dị ứng, nhất là khi kết hợp với các món ăn khác hoặc rượu bia.
Một số người cũng bị dị ứng khi tiêu thụ các loại thuốc như kháng sinh hoặc thuốc hạ sốt và việc kết hợp chúng với các thực phẩm dễ gây dị ứng làm tăng nguy cơ bị mày đay.
“Ngoài ra, rượu bia – "nhân vật chính" trong các bữa tiệc cuối năm – cũng đóng vai trò tăng nặng các phản ứng dị ứng. Rượu làm giãn mạch máu, kích thích kích thích tế bào Mast giải phóng histamine, dễ dẫn đến mày đay khi kết hợp với các thực phẩm dễ gây dị ứng…”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.
Mày đay không chỉ đơn giản là ngứa
Mày đay có thương tổn da là những sẩn phù được bao quanh bởi quầng đỏ, rất ngứa. Các sẩn có thể tồn tại từ 30 phút tới 36 giờ, có kích thước từ 1 mm tới vài cm (mày đay khổng lồ), ấn kính mất màu. Đặc trưng của mày đay là các mạch máu bị giãn và tăng tính thấm ở trung bì nông và liên quan tới mạng lưới mao mạch ở vị trí đó.
BS Thành nhấn mạnh, dù mày đay thường được coi là bệnh nhẹ, nhưng trong nhiều trường hợp, nó có thể tiến triển thành sốc phản vệ – một tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
Các triệu chứng nghiêm trọng hơn của mày đay
- Phù mạch tại môi, mắt, lưỡi hoặc cổ họng, gây khó thở.
- Đau bụng dữ dội, tiêu chảy hoặc nôn ói.
- Hạ huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu… – dấu hiệu của sốc phản vệ.
“Những ngày cận Tết, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều ca bệnh với các mức độ khác nhau, từ nhẹ như nổi mẩn ngứa toàn thân, đến nặng như khó thở, phù mạch. Thậm chí có những trường hợp gọi điện cầu cứu vào đêm 30 Tết vì tình trạng dị ứng trở nên nghiêm trọng”, BS Thành chia sẻ.
Lời khuyên từ bác sĩ
Để hạn chế nguy cơ dị ứng thực phẩm trong những ngày cuối năm, BS Thành đưa ra một số khuyến cáo quan trọng:
Cẩn trọng với thực phẩm lạ
Hạn chế thử các món ăn “độc, lạ” hoặc các loại đặc sản không quen thuộc như đồ rừng, côn trùng, rượu ngâm. Nếu có tiền sử dị ứng, hãy tuyệt đối tránh xa các loại thực phẩm từng gây phản ứng trước đó.
Kiểm soát lượng thực phẩm tiêu thụ
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tránh ăn quá nhiều các món giàu đạm, dầu mỡ, hoặc gia vị nặng trong một bữa tiệc. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm dễ gây dị ứng trong một bữa ăn cũng làm tăng nguy cơ nổi mày đay.
Nhận biết sớm dấu hiệu mày đay
Khi xuất hiện các dấu hiệu như nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, nóng rát, cần dừng ngay các thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng. Nếu có triệu chứng nặng hơn như khó thở, phù mạch, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Mang theo thuốc dự phòng
Người có cơ địa dị ứng nên chuẩn bị sẵn thuốc kháng histamin và thuốc chống dị ứng do bác sĩ chỉ định. Đây là cách xử lý ban đầu hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng nhẹ, đặc biệt trong trường hợp không thể đến bệnh viện ngay.