Di vật La Mã bí ẩn khiến cả thế giới thám tử mạng 'vò đầu bứt tai'
Di vật đúc bằng đồng, rỗng ở giữa, 12 mặt, có kích thước tương đương một nắm đấm - khiến các chuyên gia khảo cổ bối rối, đồng thời châm ngòi cho hàng loạt giả thuyết.
Khi nhóm các nhà khảo cổ không chuyên sàng lọc gạch đá, răng động vật và các mảnh gốm được chôn trong một cái hố thời La Mã cổ đại ở miền Đông nước Anh, một người đã bắt gặp hiện vật bất thường vào tháng 6 năm ngoái.
Đó là một vật đúc bằng đồng, rỗng ở giữa, 12 mặt, có kích thước tương đương một nắm đấm.
Kỳ quái
Chỉ một người trong nhóm khảo cổ - tất cả là thành viên từ hội khảo cổ của làng Norton Disney - công nhận phát hiện này: Đó là một khối mười hai mặt thời La Mã, có khả năng đã được đặt ở đó 1.700 năm trước.
Richard Parker, thư ký của Nhóm Khảo cổ và Lịch sử Norton Disney, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Washington Post: “Bạn đang nhìn thấy một vật thể rất kỳ lạ và kỳ quái”.
Thoạt nhìn, khối 12 mặt trông giống một tác phẩm khoa học viễn tưởng hơn là một di vật La Mã cổ đại. Mỗi mặt hình ngũ giác của nó được đánh dấu bằng một lỗ, có kích thước khác nhau và mỗi góc trong số 20 góc của nó được tạo điểm nhấn bằng một núm hình bán cầu.
Kể từ năm 1739, khoảng 130 vật thể như vậy đã được phát hiện trên khắp Bắc và Tây Âu. Mặc dù xác định niên đại của các di tích này là từ thời La Mã nhưng các nhà khảo cổ học vẫn bối rối về chúng suốt nhiều thế kỷ và chưa ngã ngũ về việc chúng dùng để làm gì. Không có mô tả bằng văn bản nào về chúng trong các tài liệu cổ; cũng như không có bất kỳ tài liệu tham khảo bằng hình ảnh nào tồn tại.
“Một lý do khiến nó thu hút công chúng đến vậy là khó tin được rằng có thứ gì từ thời La Mã mà chúng ta không biết nó dùng để làm gì”, Lorena Hitchens, một nhà khảo cổ học chuyên về khối 12 mặt thời La Mã, cho hay. “Sự thôi thúc phải giải đáp bí ẩn đó thật hấp dẫn”.
“Đó là một khối 12 mặt thực sự tốt”, cô Hitchens nói thêm. Nữ chuyên gia này đã kiểm tra vật thể và nhận thấy nó còn nguyên vẹn một cách đáng kinh ngạc. Cuộc kiểm tra sơ bộ xác định niên đại của phát hiện này là từ năm 43 đến năm 410 sau Công nguyên, thời kỳ La Mã.
Vào thời điểm vật thể được tìm thấy, ông Parker đang pha trà cho các nhà khảo cổ đồng nghiệp. Ông chia sẻ: “Nó thực sự là một trong những hiện vật kỳ lạ và khác thường nhất mà bạn có thể tìm thấy từ thời cổ đại”.
Dùng để làm gì?
Và dù cho không ai có thể nói người La Mã sử dụng nó như thế nào, “Chức năng của những vật bí ẩn này vẫn chưa rõ ràng và chưa có kết luận chắc chắn nào được đưa ra”, theo tóm tắt từ Portable Antiquities Scheme (PAS) của Bảo tàng Anh.
PAS là dự án phân tích và bảo tồn các hiện vật có giá trị được tìm thấy ở Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, có những manh mối: Hình thức, điều kiện và địa điểm của những khám phá đều cung cấp những chỉ dấu. Chúng có thể không hóa giải được bí ẩn, nhưng các nhà khảo cổ tin rằng ít nhất chúng cũng thu hẹp phạm vi của các giả thuyết đang bùng nổ.
Ví dụ, các khối 12 mặt được phát hiện cho đến nay có chiều dài 5-10 cm, gợi ý cho chuyên gia Hitchens rằng chúng không phải là thiết bị đo tiêu chuẩn. Cô nói: “Thước đo phải có sự nhất quán”.
Vị trí địa lý của những khám phá này cung cấp một manh mối khác: Chúng được tìm thấy trên khắp các tỉnh phía bắc và phía tây của Đế chế La Mã xưa - Anh, Pháp và Đức ngày nay.
Hitchens nói: “Chúng luôn ở phía bắc dãy Alps”, cho đến nay vẫn chưa có phát hiện nào xung quanh Lưu vực Địa Trung Hải.
Đối với chuyên gia này, đây là một chỉ dấu cho thấy chúng khả năng cao không phải là vật dụng quân sự: “Nếu đây là một vật dụng quân sự của La Mã, thì nó sẽ được sử dụng trên toàn đế chế”.
Bùng nổ giả thuyết
Các “thám tử Internet” đã gia nhập làn sóng suy đoán, bao gồm cả trên một diễn đàn Reddit, với nhiều ý kiến xoay quanh việc chúng có thể là công cụ.
Trong một video trên YouTube, nhà thiết kế mẫu đan và móc Amy Gaines nêu giả thuyết rằng các khối 12 mặt có thể được sử dụng để đan dây chuyền vàng. Cô thậm chí tạo ra một bản sao in 3D để chứng minh giả thuyết của mình.
Chuyên gia Parker cho biết ông nhận được một giải thuyết (dường như nửa đùa nửa thật) gửi tới cho rằng vật thể này có thể là công cụ chia đồ ăn cho chó.
English Heritage công bố các giả thuyết khác nhau, từ công cụ tìm ngày gieo hạt, đến giá nến, khuôn đa giác, công cụ tìm phạm vi, dụng cụ khảo sát hoặc khuôn để đan găng tay.
Nhưng các nhà khảo cổ học hàn lâm gạt bỏ những giả thuyết cho rằng chúng là những đồ vật thiết thực được sử dụng như công cụ hàng ngày. Cô Hitchens nói: “Tôi biết điều đó bởi tôi đã kiểm tra rất nhiều trong số hiện vật và chúng không được dùng làm công cụ như mọi người mong đợi”.
“Chúng cũng mỏng manh hơn nhiều so với những gì mọi người tưởng tượng”, cô nói. “Chúng sẽ bị hỏng rất nhanh”.
Chuyên gia Hitchens cũng không tin rằng chúng có thể được sử dụng làm khuôn - do trọng lượng khác nhau của các mặt, các lỗ có hình dạng kỳ lạ, khiến chúng không cân bằng và các núm nhô ra cản trở khả năng lăn.
Giả thuyết phổ biến nhất trong giới chuyên gia hàn lâm, mặc dù chưa được chứng minh, là các khối 12 mặt có ý nghĩa tôn giáo hoặc nghi lễ, được liên kết theo một cách nào đó với các tập tục địa phương ở rìa Đế chế La Mã.
Những người ủng hộ giả thuyết này - bao gồm cả ông Parker - cũng chỉ ra sự phức tạp của vật thể, cho thấy nó có thể mang giá trị đặc biệt. Theo Hitchens, vật thể được tạo ra bằng quy trình đúc đồng không sáp, một kỹ thuật kỳ công - thậm chí còn tinh vi hơn bởi nó được tạo hình rỗng. “Đó là thiết kế rất khó thực hiên. Bạn phải thực sự làm chủ kỹ thuật rất cao để tạo ra một thứ như vậy”, cô nói.
Các nhà khảo cổ tin rằng di vật Norton Disney đã được cố ý chôn cất tại địa điểm nơi nó được tìm thấy - cùng một nơi mà các nhà khảo cổ tìm thấy bức tượng nhỏ của một vị thần cưỡi ngựa - vật thể gắn liền với những nơi thờ cúng - nhiều thập kỷ trước đó. Ông Parker nói: “Chúng tôi nghĩ rằng địa điểm này có yếu tố tôn giáo nào đó. Rất có thể chúng ta đang xem xét thứ gì đó có yếu tố nghi lễ”.
“Tuy nhiên, tại thời điểm này, chưa thể chứng minh điều đó”, Hitchens nói. “Tới lúc nào đó, chúng ta sẽ tìm ra”.
Có lẽ thời điểm đó sẽ đến vào tháng tới, khi di vật được trưng bày tại Bảo tàng Lincoln gần đó, nhà thiết kế Gaines nêu ý kiến.
“Ai biết được, ai đó có thể nhìn thấy nó và liên hệ với tính năng, đó có thể là giải pháp tốt nhất”, cô gợi ý.
“Tôi tự hỏi sau 2.000 năm nữa, một nhà khảo cổ học sẽ nghĩ gì khi phát hiện ra một số công cụ hoặc những thứ linh tinh mà chúng ta vứt đi mà không có hướng dẫn sử dụng”.