Đi xứ Lạng thăm nàng Tô Thị
Trên cả nước có 7 hòn vọng phu tại các tỉnh thành, tuy nhiên quen thuộc và được biết đến nhiều vẫn là hòn vọng phu tại Lạng Sơn với danh xưng 'Nàng Tô Thị'.
Núi nàng Tô Thị và thành nhà Mạc nằm phía trước cửa động Tam Thanh là một quần thể di tích nằm trong khu di tích danh thắng Nhị-Tam Thanh đã được xếp hạng cấp quốc gia.
Theo thống kê chưa đầy đủ của tác giả Nguyễn Dược – Trung Hải trong cuốn “Sổ tay địa danh Việt Nam” xuất bản năm 1998, trên cả nước có 7 hòn vọng phu tại các tỉnh, tuy nhiên quen thuộc và được biết đến nhiều nhất vẫn là hòn vọng phu tại Lạng Sơn với danh xưng “Nàng Tô Thị”.
Hiện nay, tượng đá độc đáo này nằm trên ngọn núi thuộc quần thể Khu danh thắng Nhị – Tam Thanh, thành nhà Mạc thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Năm 1962, khu di tích này, trong đó bao gồm cả núi Tô Thị đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia.
Truyền thuyết về sự tích nàng Tô Thị ở Lạng Sơn có nhiều dị bản khác nhau nhưng tựu chung lại, hình ảnh nàng Tô Thị bồng con chờ chồng ở Lạng Sơn là một biểu tượng cho lòng chung thủy son sắt của người phụ nữ Việt Nam.
Năm 2019, UBND thành phố Lạng Sơn đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc với chủ đề “Di sản văn hóa và tiềm năng du lịch” trong đó có nội dung nghiên cứu làm rõ giá trị của biểu tượng hòn vọng phu – nàng Tô Thị.
GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, chuyên gia lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Ở Việt Nam có nhiều câu chuyện về hòn vọng phu và chắc chắn câu chuyện hòn vọng phu lưu truyền ở Lạng Sơn có ảnh hưởng sâu đậm, rộng khắp trong tâm thức người Việt. Điểm đặc sắc nhất của tượng đá nàng Tô Thị là sự kết tinh cao nhất lòng chung thủy son sắt của người phụ nữ.
Bên cạnh núi Nàng Tô Thị là một thung lũng bằng phẳng, có hai bức tường thành xây bằng đá chắn ngang, đó là di tích Thành nhà Mạc.
Năm 1527, nhà Lê được Chúa Trịnh giúp đỡ đã đánh bật nhà Mạc ra khỏi Thăng Long, tàn dư nhà Mạc chạy lên các tỉnh biên giới phía bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang) và lập căn cứ để chống lại Lê – Trịnh.
Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn là một căn cứ quân sự quan trọng, hiểm yếu trấn giữ con đường độc đạo, được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII. Đây là di tích kiến trúc quân sự phản ánh một thời kỳ chiến tranh tương tàn trong lịch sử Việt Nam.
Thành được xây bằng đá, dài 300m, mặt Thành dày 1m, nay vẫn còn nguyên vẹn, đứng trên thành nhìn về phía đông có thể bao quát được toàn cảnh thành phố Lạng Sơn. Hiện nay di tích thành Nhà Mạc đã được đầu tư, tôn tạo và đưa vào phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.
Kỳ Phong
Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//du-khao/di-xu-lang-tham-nang-to-thi-c14a58120.html