Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống của lực lượng Công an nhân dân
Khu di tích lịch sử Công an nhân dân (hay còn gọi là Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương) tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là nơi ở và làm việc của Nha Công an Trung ương từ tháng 4/1947 đến tháng 9/1950. Nơi đây đã chứng kiến những bước trưởng thành, nơi ra những chỉ thị, nghị quyết quan trọng có ý nghĩa lịch sử đối với lực lượng Công an nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay nhân dân cũng là lúc lực lượng Công an nhân dân Việt Nam ra đời. Ở Bắc Bộ thành lập Sở Liêm phóng (19/8/1945), ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát (ngày 23/8/1945) và ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc (ngày 25/8/1945). Tuy tên gọi các tổ chức đó khác nhau nhưng đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng.
Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các Sở Liêm phóng, Cảnh sát và Quốc gia tự vệ cuộc thành Việt Nam Công an vụ.
Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các Sở Liêm phóng, Cảnh sát và Quốc gia tự vệ cuộc thành Việt Nam Công an vụ. Đồng chí Lê Giản được cử giữ chức Giám đốc Việt Nam Công an vụ. Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 121-NV/NĐ quy định chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Việt Nam Công an vụ. Đây là những mốc lịch sử đầu tiên trên chặng đường sự hình thành và phát triển của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
Ngày 19/12/1946, Hà Nội nổ tiếng súng đầu tiên mở màn cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Cùng với các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, Nha Công an Trung ương chuyển về căn cứ kháng chiến. Hành trình di chuyển từ Thủ đô qua Phú Thọ và điểm đóng quân được lựa chọn là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Xã Minh Thanh nằm ở giữa vùng căn cứ địa cách mạng, có địa thế hiểm yếu, tiện đường giao thông, bảo đảm an toàn bí mật. Nhân dân các dân tộc trong vùng một lòng đi theo cách mạng. Vì thế, Minh Thanh có vị trí hết sức quan trọng trong khu căn cứ cách mạng Tân Trào, nơi được chọn làm nơi ở và làm việc của nhiều cơ quan đầu não Trung ương Đảng và Chính phủ.
Xã Minh Thanh nằm ở giữa vùng căn cứ địa cách mạng, có địa thế hiểm yếu, tiện đường giao thông, bảo đảm an toàn bí mật.
Khi Nha Công an Trung ương chuyển đến xã Minh Thanh, lúc đầu cán bộ, chiến sĩ và nhân viên đều đến ở nhờ nhà dân trong các thôn. Đồng chí Lê Giản, Giám đốc Nha ở nhờ một gia đình người dân tộc Tày, thôn Lũng Cò. Địa điểm được chọn xây dựng trụ sở là hai quả đồi nằm liền nhau, cây cối xanh tốt, rậm rạp ở gần cánh đồng Lũng Cò. Từ đây có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn và thuận tiện cho việc đi lại. Phía sau hai quả đồi có núi Đền bao bọc, địa thế kín đáo và hiểm yếu rất thuận lợi cho việc bảo vệ.
Để bảo đảm bí mật, Nha Công an Trung ương có tên gọi bí mật là “nhà ông cả Nhã”. Đồng chí Lê Giản làm Giám đốc. Tổ chức của Nha Công an bao gồm các bộ phận: Ty Chính trị; Tình báo; Tuyên huấn; Trật tự – Tư pháp, bộ phận điện đài, thông tin, làm ảnh căn cước, Nhà in nội san Rèn luyện và khu hậu cần (gồm nhà bếp, nhà ăn, nhà kho, nhà xay lúa…) số cán bộ nhân viên của Nha lúc này có khoảng 100 người.
Ngày 21/2/1948, nội san “Rèn luyện” của Nha Công an Trung ương do đồng chí Lê Giản làm chủ nhiệm ra số đầu tiên, phát hành 14 bản, ra hằng tháng, sau đó phát triển tới 320 bản
Thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh là địa điểm chứng kiến những bước trưởng thành của lực lượng công an. Tại đây, ngày 21/2/1948, nội san “Rèn luyện” của Nha Công an Trung ương do đồng chí Lê Giản làm chủ nhiệm ra số đầu tiên, phát hành 14 bản, ra hằng tháng, sau đó phát triển tới 320 bản. Với nội dung: “Rèn luyện cho công an các cấp trong toàn quốc một tinh thần lạc quan, đoàn kết, tương thân, tương ái, dẻo dai bền bỉ và dân chủ, rèn luyện cho mỗi chiến sỹ Công an Việt Nam một bản lĩnh cao cường, một tinh thần kỷ luật sắt đá, một tinh thần chiến đấu bền bỉ"… Tháng 10/1950, nội san trở thành một trong các tài liệu nghiên cứu học tập và tranh đấu của Nha Công an Trung ương.
Tháng 9/1949, Nha công an Trung ương đã tổ chức Hội nghị điều tra toàn quốc lần thứ nhất. Hội nghị tập trung thảo luận hai vấn đề lớn là: Tổ chức bộ máy làm việc; kinh nghiệm điều tra nghiên cứu tình hình. Cuối năm 1949, Nha thành lập Đại đội vũ trang chiến đấu có tên gọi là Đại đội độc lậphay còn gọi là Đại đội Hoàng Hữu Nam - Đại đội 123.
Đại đội được thành lập để phối hợp với các đơn vị vệ quốc đoàn bảo vệ cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ tại an toàn khu Việt Bắc. Đại đội có khoảng 80 người chia làm 4 tiểu đội đóng tại xã Quang Trung (nay là xã Minh Thanh), do đồng chí Phan Châu làm đại đội trưởng. Cán bộ, chiến sỹ của Đại đội cũng được cử đi bảo vệ Bác Hồ trong những lần Bác đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại Chiêm Hóa; thăm đồng chí Xu Phanuvông và chính phủ kháng chiến Lào ở Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn.
Từ ngày 8 đến 15/1/1950 Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 đã được tổ chức. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị, góp ý kiến về công tác xây dựng bộ máy Công an nhân dân, cách tổ chức công an, về lề lối làm việc và quan hệ với nhân dân.
Để động viên phong trào “Rèn cán, lập công”. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở lực lượng Công an nhân dân phải cố gắng thực hiện kỳ được 4 điểm: “Xây dựng bộ máy Công an nhân dân, tức là công an phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân đồng thời phải dựa vào các đoàn thể mà giáo dục nhân dân trong công việc phòng gian và trừ gian để nhân dân thiết thực giúp đỡ công an".
Cuối tháng 5/1950, diễn ra lễ sáp nhập một bộ phận tình báo quân đội vào Nha Công an và Thành lập Ty Tình báo do đồng chí Trần Hiệu làm Trưởng ty theo quyết định số 08- QĐ/TW của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Lễ sáp nhập do đồng chí Trần Duy Hưng đại diện Bộ Nội vụ, đồng chí Lê Giản và cán bộ nhân viên Nha Công an, đồng chí Trần Hiệu và cán bộ chiến sỹ tình báo quân đội. Từ đây Ty Tình báo chính thức trở thành một bộ phận của Nha Công an Trung ương.
Tháng 9/1950, Nha Công an Trung ương đã chuyển đến địa điểm mới tại xã Yên Nguyên và xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Đại úy Nguyễn Như Trang, Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử Công an nhân dân cho biết, Di tích Nha Công an Trung ương nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Hiện nay, Ban quản lý có 23 cán bộ, chiến sỹ trực tiếp chăm sóc, bảo quản, giữ gìn khu di tích.
Tại Bảo tàng Công an nhân dân đang lưu giữ trên 2.000 tư liệu ảnh, hiện vật, là một kho tư liệu vô giá của lực lượng Công an nhân dân qua các thời kỳ. Hằng năm, di tích đón hàng nghìn lượt du khách tới thăm quan, tìm hiểu lịch sử của ngành. Tất cả sự trưởng thành, phát triển và những chiến công của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam Anh hùng đã được thể hiện sinh động, trang trọng và mang tính nghệ thuật sâu sắc trong từng hiện vật tại bảo tàng.
Di tích đã trở thành một địa chỉ đỏ không chỉ đối với các thế hệ cán bộ, chiến sỹ công an mà còn với nhân dân cả nước trong hành trình về với Tân Trào - Trung tâm Thủ đô kháng chiến.