Địa chỉ giúp người yếu thế hòa nhập

Hoạt động từ hơn 20 năm nay, Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người khuyết tật (gọi tắt Trung tâm) trở thành địa chỉ dạy nghề, ăn ở hoàn toàn miễn phí và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật (NKT) và đối tượng yếu thế. Đây còn là 'mái ấm tình thương' giúp nhiều NKT vượt qua nghịch cảnh, tự ti và bệnh tật để hòa nhập với cuộc sống bình thường.

 Lớp học hướng nghiệp cho các em khuyết tật chưa đủ tuổi học nghề

Lớp học hướng nghiệp cho các em khuyết tật chưa đủ tuổi học nghề

Được học, được ăn ở miễn phí

Rời xa gia đình từ hơn 6 tháng nay, Phan Hải Long, quê ở xã Phong Xuân, Phong Điền đã dần quen với môi trường sinh hoạt ở Trung tâm. Qua thời gian bắt nhịp và được định hướng, tư vấn nghề phù hợp với điều kiện khiếm khuyết của mình, Hải Long chọn học nghề sửa chữa điện dân dụng. Giao tiếp tuy khó khăn, nhưng Long vẫn hồ hởi “chữ được chữ mất” khoe, giờ em đã sửa được quạt bị hư, đèn led bị cháy. Qua trò chuyện, Long có ý định học xong nghề sẽ xin ở lại Trung tâm cùng ăn ở, làm nghề, vì điều kiện gia đình ở quê còn khó khăn, khó tìm việc làm.

Trung tâm đang tiếp nhận đào tạo nghề cho 110 - 115 học viên là NKT, trẻ mồ côi, người dân tộc thiểu số; trong đó, học viên là NKT chiếm trên 80%. Có 6 nghề được tổ chức dạy ở Trung tâm, gồm: May, mộc mỹ nghệ, cắt tóc trang điểm, sửa chữa xe gắn máy, điện dân dụng, thêu. Ngoài ra, Trung tâm đang thử nghiệm lớp hướng nghiệp để vừa dạy văn hóa, vừa dạy kỹ năng cho 17 em bị khuyết tật từ 8 - 13 tuổi, độ tuổi chưa đủ tuổi học nghề.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho NKT cho biết, mục tiêu hoạt động của Trung tâm mang tính thiện nguyện, xã hội hóa nhằm san sẻ, giảm bớt gánh nặng cho những gia đình không may có con em bị khuyết tật nhưng còn khả năng học nghề, hay những em mồ côi, gia đình dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để tạo điều kiện cho những em nhà ở xa, đi lại khó khăn, Trung tâm bố trí 2 hình thức nội trú và bán trú. Trung tâm đang tiếp nhận từ 70 - 75 em ở nội trú và học nghề miễn phí, gia đình không đóng thêm khoản nào cho các em. Một số em nhà gần, có người đưa đón chỉ ở lại bán trú được Trung tâm phục vụ bữa ăn trưa và học nghề miễn phí.

Từ khoảng 6 năm nay, theo quy định mới, Trung tâm không được hỗ trợ kinh phí về nuôi dưỡng của Nhà nước, nên để hoạt động ổn định, Trung tâm tự tìm các nguồn kinh phí hỗ trợ dạy nghề của địa phương thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguồn dạy nghề từ các dự án, nguồn hỗ trợ học nghề cho các gia đình thuộc diện chính sách, nguồn tạo việc làm, nguồn từ các nhà từ thiện...

Mặc dù gặp nhiều khó khăn và không chủ động về tài chính, nhưng dưới sự điều hành quản lý của Hội Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi Thừa Thiên Huế, Trung tâm luôn đảm bảo về nguồn nhân lực, giáo viên giảng dạy cơ hữu, bộ phận văn phòng, nghiệp vụ, nhà bếp... để quản lý, phục vụ đảm bảo nền nếp từ ăn ở, sinh hoạt đến dạy nghề cho các em.

Tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng

Vào Trung tâm từ hơn 12 năm nay, anh Quyền (xã Phong Chương, huyện Phong Điền) là một trong những học viên, thành viên kỳ cựu, gắn bó lâu nhất với Trung tâm. Bị liệt 2 chân từ nhỏ, cách đây hơn 12 năm, anh Quyền được Trung tâm đón nhận vào nuôi ăn ở, học nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ. Đến nay, tuy tay nghề đã cứng, nhưng do điều kiện ở những nơi có ý định nhận anh vào làm việc không thể bố trí nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi phù hợp, thuận lợi, nên anh Quyền vẫn “nương tựa” Trung tâm để hành nghề, sinh sống.

Anh Quyền chia sẻ: Các anh chị ở Trung tâm xem mình như người nhà, luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất từ ăn ở đến tìm kiếm các đơn hàng. Mình và anh em ở Trung tâm nhờ thế luôn có việc, có nguồn thu nhập. Là thợ chính, bình quân mỗi tháng mình kiếm được từ 1,5 - 2 triệu đồng.

Thời gian qua, sau mỗi khóa đào tạo xong, thường có khoảng 50 - 60% em rành nghề và có thể “ra đời” để tự lập nghiệp. Còn những em “sau, đẹt” thì xin ở lại Trung tâm làm nghề. Một nhân viên của Trung tâm cho biết, Trung tâm luôn tìm kiếm, nhận các đơn hàng về may áo quần, đồ đồng phục, tranh thêu, gia công hàng mộc mỹ nghệ chạm trổ... Nhờ đó, các em luôn có việc làm, có thu nhập, dù tiền công không cao bằng ra làm ngoài.

Ông Trần Văn Thành cho biết, quan điểm của Trung tâm khi học viên mới đến là phải giúp các em hòa nhập, làm quen với môi trường sống, bạn bè, thầy cô rồi sau đó mới tính đến dạy nghề, học nghề. “Cách dạy của chúng tôi cũng khác. Vì các em là NKT nên Trung tâm áp dụng phương pháp “truyền nghề” bắt tay chỉ việc, có nghĩa dạy các em thực hành đi đôi lý thuyết để giúp các em dễ hiểu, nhanh biết”, ông Thành cho hay. Vì thế, trên lý thuyết, thông thường mỗi lớp đào tạo nghề từ 3 - 6 tháng. Nhưng với NKT, do nhận thức, tiếp thu không đồng đều nên có khi lớp học kéo dài 1 năm.

Việc sắp xếp công việc cho những em muốn ở lại Trung tâm tuy còn bấp bênh, phụ thuộc vào đơn hàng, thị trường, nhưng thời gian qua, Trung tâm vẫn luôn xoay sở, linh động để giúp các em không chỉ có thu nhập mà còn được thực hành, nâng cao tay nghề trên sản phẩm thực. Qua đó, tăng cơ hội tiếp cận, làm quen với các cơ sở, doanh nghiệp bên ngoài để có thể được tuyển dụng công việc ổn định. Cũng từ Trung tâm này, nhiều mảnh đời yếu thế được tạo điều kiện học nghề và tạo việc làm. Nhiều người đã có cuộc sống độc lập và hòa nhập cộng đồng tốt hơn, ý nghĩa hơn.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/dia-chi-giup-nguoi-yeu-the-hoa-nhap-145725.html