Địa chỉ 'vàng' thu hút các nhà đầu tư
Những năm gần đây, Hà Nam nổi lên như một địa chỉ 'vàng' thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, luôn nằm trong top 10 - 15 tỉnh thành thu hút vốn FDI tốt nhất cả nước.
Vị trí địa lý, hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi; nỗ lực, quyết tâm của chính quyền địa phương; thực hiện mạnh mẽ cam kết đầu tư - tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp… tất cả đã là những nhân tố giúp Hà Nam, những năm gần đây nổi lên như một địa chỉ “vàng” thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, luôn nằm trong top 10 - 15 tỉnh thành thu hút vốn FDI tốt nhất cả nước.
Liên tục ở top 10 tỉnh dẫn đầu thu hút FDI
Trong mọi cuộc đua, chiến thắng cuối cùng sẽ chỉ dành cho những ai thực sự “biết mình biết ta”. Điều này hoàn toàn có thể “áp” vào trường hợp của Hà Nam. Là địa phương nằm kề cận một đô thị lớn như Hà Nội, lại sở hữu diện tích nhỏ (xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố trong cả nước) nhưng Hà Nam hiểu rằng những điều đó hoàn toàn có thể bù đắp bằng những “điểm cộng” khác như: vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi; Những chính sách ưu đãi của tỉnh, đặc biệt là những cam kết dành cho nhà đầu tư.
Dây chuyền lắp ráp xe máy của Công ty Honda tại Khu công nghiệp Đồng Văn II.
Từ quan điểm ấy, từ khi mở cửa nền kinh tế, Hà Nam rất quan tâm thu hút FDI vào tỉnh, trong đó có cam kết rất mạnh mẽ với doanh nghiệp là tạo điều kiện thuận lợi nhất để cung cấp dịch vụ hoàn hảo nhất, trong đó có cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đến tới tỉnh Hà Nam. Bên cạnh đó, Hà Nam còn có các giải pháp đồng bộ, từ ngành thuế, hải quan, đến ngành điện, giáo dục và đào tạo… “Trước khi đầu tư, chính quyền tỉnh Hà Nam có nhiều buổi làm việc, hội thảo để giải thích rõ ràng cho nhà đầu tư về các chính sách. Chính vì thế nhà đầu tư khi đã lựa chọn Hà Nam là đã nắm rất rõ chính sách, dễ dàng tiếp cận với các ưu đãi của tỉnh. Môi trường đầu tư có thể nói là rất thuận lợi”, ông Son Jea Hyung- Tổng Giám đốc Seoul Semiconductor Vina, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của Hàn Quốc có nhà máy đặt tại KCN Đồng Văn II (huyện Duy Tiên, Hà Nam) cho biết.
Đặc biệt, tỉnh Hà Nam đã đưa ra 10 cam kết với nhà đầu tư gồm: cung cấp điện 24/24h; đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ đến chân hàng rào doanh nghiệp; giải quyết thủ tục nhanh gọn; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; giao đất không thu tiền để xây nhà cho công nhân; tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất; phục vụ hải quan nhanh gọn; đảm bảo an ninh trật tự, không đình - bãi công; thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp…
Một dây chuyền sản xuất tại nhà máy Ishigaki Việt Nam.
Kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đã khó, giữ chân doanh nghiệp còn khó hơn- nhưng với cả hai cái khó này, Hà Nam đều nỗ lực vượt khó thành công. Nhờ vậy, cho đến nay, Hà Nam luôn nằm trong top 10 - 15 tỉnh thành thu hút vốn FDI tốt nhất cả nước.
Theo thống kê, 11 tháng đầu năm 2019, tỉnh thu hút được 95 dự án đăng ký hoàn thành, nâng số dự án đăng ký đi vào hoạt động trong năm 2019 thành 142 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 473,3 triệu USD và 16.501 tỷ đồng. Các dự án lớn chủ yếu tập trung vào các ngành điện, điện tử, viễn thông, trong đó có những dự án của nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc giá trị trên 300 triệu USD.
Riêng 11 tháng năm 2019, các KCN của tỉnh đã thu hút được 54 dự án trong đó có 40 dự án FDI và 14 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư 318,7 triệu USD và 2378,3 tỷ đồng. “Nếu mọi chuyện đi theo chiều hướng tích cực, thu hút vốn đầu tư năm 2019 vào KCN của Hà Nam năm nay sẽ đạt con số 1 tỷ USD”, ông Trần Văn Kiên – Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam đặt kỳ vọng.
Thu hút dự án hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường
Không bằng lòng với những thành công đã có, Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh hạ tầng và cải cách hành chính để thu hút vốn FDI, đặc biệt là tăng cường thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế từ các khu công nghiệp. Hiện nay, Hà Nam có 8 khu công nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, khu công nghiệp Đồng Văn III vừa được thông qua quy hoạch 1/2000 được kỳ vọng sẽ là điểm đến mới thu hút nhà đầu tư khi tới Hà Nam.
Sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tại Công ty Annam-Elextronic
Tuy nhiên, với Hà Nam, thu hút được đông đảo các nhà đầu tư là nhiệm vụ quan trọng nhưng làm thế nào để đảm bảo tăng trưởng bền vững, phát triển không gây tác động tiêu cực đến môi trường còn là nhiệm vụ quan trọng hơn. Từ chủ trương ấy, Hà Nam hướng tới xây dựng chính sách thu hút dự án hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng quỹ đất ít, thân thiện môi trường; mũi nhọn trong thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh trong giai đoạn 2015 – 2025 là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dia-chi-vang-thu-hut-cac-nha-dau-tu-post72753.html