Địa điểm chứng tích tình hữu nghị Việt - Lào

Việt Nam và Lào là 2 nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ truyền thống, gắn bó lâu đời, được minh chứng qua lịch sử đấu tranh giành độc lập của 2 dân tộc. Nổi bật là Đảng Cộng sản Việt Nam đã gúp đỡ tổ chức thành công Đại hội trù bị Đại hội II, Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng Nhân dân cách mạng Lào) và tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị cho các đồng chí đảng viên Lào tại Hòa Bình.

Đoàn công tác Cục Lưu trữ, Văn phòng T.Ư Đảng Nhân dân cách mạng Lào thăm khu di tích Địa điểm huấn luyện chính trị và Đại hội trù bị Đại hội II, Đảng Nhân dân Lào, thuộc khuôn viên Bộ CHQS tỉnh.

Đoàn công tác Cục Lưu trữ, Văn phòng T.Ư Đảng Nhân dân cách mạng Lào thăm khu di tích Địa điểm huấn luyện chính trị và Đại hội trù bị Đại hội II, Đảng Nhân dân Lào, thuộc khuôn viên Bộ CHQS tỉnh.

Trong quá trình thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào và trong thời kỳ kháng chiến, nhiều địa điểm minh chứng cho mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt đã được hiện diện ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Trong đó, tỉnh Hòa Bình là nơi diễn ra Đại hội trù bị Đại hội II, Đảng Nhân dân Lào và là nơi tổ chức các khóa bồi dưỡng về công tác Đảng, công tác chính trị... của cách mạng Lào trong thời gian từ năm 1971 - 1972.

Theo tài liệu hội thảo khoa học quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, ngày khai mạc đại hội, các đồng chí: Lê Duẩn, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh thay mặt Đảng ta lên chào mừng đại hội, mở tiệc chiêu đãi toàn bộ đại biểu tham dự đại hội. Tỉnh Hòa Bình có đoàn đại biểu vào chúc mừng đại hội do các đồng chí: Bùi Văn Kín, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh dẫn đầu. Đoàn đại biểu tỉnh đã tặng bức trướng chúc mừng và trao huy hiệu Cù Chính Lan cho các đồng chí Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Lào. Về phía Đảng bạn cũng có huy hiệu đại hội tặng đại biểu của ta và các đồng chí có công phục vụ đại hội. Có thể khẳng định, Đại hội trù bị Đại hội II, Đảng Nhân dân Lào đã diễn ra đảm bảo an toàn, bí mật và thành công tốt đẹp. Sự thành công đó có một phần đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trực tiếp là sự chỉ đạo của T.Ư Đảng, của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh Hòa Bình; các cơ quan, đoàn thể của tỉnh trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh cho đại hội trong điều kiện tình hình đất nước và tỉnh Hòa Bình đang còn chiến tranh với muôn vàn khó khăn.

Năm 2013, di tích địa điểm huấn luyện chính trị và tổ chức Đại hội trù bị Đại hội II, Đảng Nhân dân Lào được cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, nằm trong khuôn viên Bộ CHQS tỉnh thuộc phường Dân Chủ (TP Hòa Bình). Tháng 3/2021, tỉnh đã bố trí gần 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và khởi công dự án khôi phục, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng này. Dự án có diện tích 2.820 m2, gồm hạng mục nhà truyền thống và khôi phục nhà hội trường, cùng các công trình phụ trợ, khuôn viên… mang đậm nét văn hóa Lào, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022. Trong thời gian qua, mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Hòa Bình và các địa phương của Lào ngày càng được củng cố, tăng cường thông qua các hoạt động trao đổi đoàn. Đến nay, tỉnh đã ký Biên bản thỏa thuận với 2 địa phương của Lào là tỉnh Luông Pha Băng và tỉnh Hủa Phăn. Đặc biệt, tỉnh đang triển khai 2 chương trình hoạt động hỗ trợ tại tỉnh Hủa Phăn là dự án xây dựng trường THPT huyện Hủa Mường và chương trình đào tạo du học sinh Lào trình độ cao đẳng, trung cấp cho tỉnh Hủa Phăn. Hiện đã có 58 học sinh Lào theo học tại các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh.

Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cho biết: "Ngày nay, nơi đây trở thành điểm đến quen thuộc đối với các đoàn du khách của nước bạn Lào khi đến làm việc, học tập, thăm quan du lịch tại Việt Nam. Đây sẽ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, khẳng định mối quan hệ tốt đẹp, đặc biệt và hiếm có của Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Theo đó, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục duy trì và tăng cường giáo dục trong LLVT về truyền thống lịch sử tại điểm di tích này, giúp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ trẻ nâng cao tinh thần, lý tưởng cách mạng, nhận thức sâu sắc về mối quan hệ son sắt, thủy chung Việt Nam - Lào”.

Thanh Sơn

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/169652/dia-diem-chung-tichtinh-huu-nghi-viet-lao.htm