Nơi thảm sát 900 người thành địa điểm du lịch
Vốn là nơi xảy ra thảm kịch dẫn đến cái chết của hơn 900 người vào năm 1978, giờ đây khu định cư Jonestown (Guyana) đã được biến thành một điểm du lịch.

Người dân đứng trước bản sao của tấm biển “Chào mừng đến Jonestown”.
Vào ngày 18/11/1978, thủ lĩnh giáo phái Jim Jones đã ép tất cả tín đồ tại Jonestown, khu định cư ở Guyana của hắn, phải tự sát. Hơn 900 người đã thiệt mạng vào ngày hôm đó, bao gồm cả Jones.
Giờ đây, nơi xảy ra thảm kịch này đã mở cửa đón khách du lịch. Từ đầu năm 2025, công ty du lịch Wanderlust Adventures GY (Guyana) đã bắt đầu điều hành các tour du lịch tham quan Jonestown với giá 750 USD và bao gồm ăn uống, vé máy bay và cơ hội trò chuyện với một nhân chứng của vụ thảm sát.
Công ty du lịch này cho biết: "Tour Tưởng niệm Jonestown là một hành trình đến Tây Bắc Guyana nhằm khám phá lịch sử và văn hóa xung quanh Jonestown. Điểm nhấn của trải nghiệm này là được lắng nghe trực tiếp câu chuyện từ một người đã sống ở khu vực này thời Jonestown còn tồn tại, mang đến góc nhìn độc đáo về một thời khắc quan trọng của lịch sử”.
Qua đây, Jonestown đã đứng vào danh sách những địa điểm “du lịch thảm họa” như Auchswitz (Ba Lan), Ground Zero (Mỹ) và Chernobyl (Ukraine). Tuy nhiên, nhiều người dân ở Guyana tỏ thái độ không hài lòng về việc này.

Có người muốn tránh nhắc lại ký ức kinh hoàng tại Jonestown. Có người lại cho rằng chúng ta cần ghi nhớ những gì đã xảy ra.
Neville Bissember, một giảng viên khoa Luật tại Đại học Guyana lên tiếng: “Rõ ràng có rất nhiều hoạt động phi pháp đã diễn ra ở đó, và những hình ảnh để lại thì vô cùng ghê rợn và đáng lên án. Mọi người thà không phải nhớ đến những chuyện đó thì hơn”.
Roselyn Sewcharran, chủ sở hữu và người sáng lập Wanderlust Adventures, không đồng tình với quan điểm này. Bà tin rằng cần công nhận thảm kịch Jonestown như một phần của lịch sử, để từ đó rút ra bài học cho tương lai.
Bà Sewcharran nói với NBC News: “Jonestown vẫn là một phần bi thảm của lịch sử Guyana, nhưng nó cũng là một sự kiện mang tầm ảnh hưởng toàn cầu. Nó đem lại những bài học quan trọng về tâm lý sùng bái, thao túng và lạm dụng quyền lực".
Sinh ra tại bang Indiana (Mỹ) vào năm 1931, Jim Jones ban đầu theo học để trở thành bác sĩ, nhưng sau đó chuyển sang con đường mục sư vào những năm 1950. Không lâu sau, Jones mở nhà thờ riêng, ban đầu mang tên Wings of Deliverance (Đôi cánh Cứu rỗi), sau đổi thành Peoples Temple (Đền thờ Nhân dân).

Jim Jones vào năm 1977.
Vào thập niên 1960, Jones chuyển giáo đoàn đến San Francisco. Tại đây, thông điệp phản chiến và chống chủ nghĩa tư bản của hắn đã thu hút hàng nghìn tín đồ. Đến đầu những năm 1970, Đền thờ Nhân dân ước tính có khoảng 20.000 thành viên.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ hào nhoáng, Jones thực chất là một bậc thầy thao túng. Hắn ngoại tình với nhiều phụ nữ trong giáo đoàn, bắt các tín đồ phải giao nộp tiền tiết kiệm cả đời cho hắn và trừng phạt bất kỳ ai làm phật lòng hắn. Năm 1977, khi áp lực từ công chúng và giới chức ngày càng gia tăng, Jones đã đưa các tín đồ đến Guyana và thành lập khu định cư Jonestown.
Tuy vậy, các cơ quan chính phủ vẫn theo dõi sát sao hoạt động của Jones. Đến tháng 11/1978, Nghị sĩ Leo Ryan đã đến Guyana sau khi được một số cử tri báo cáo rằng người thân của họ đang bị thủ lĩnh giáo phái ngược đãi. Dù ban đầu Ryan và phái đoàn được chào đón tại Jonestown và một vài thành viên của Đền thờ Nhân dân còn được phép rời đi cùng ông, họ đã bị các tín đồ của Jones phục kích dữ dội tại sân bay Port Kaituma. Ryan, ba nhà báo và một thành viên của Đền thờ Nhân dân đã thiệt mạng.

Tấm biển “Chào mừng đến Jonestown” nguyên bản.
Ngay sau đó, Jones đã ép toàn bộ tín đồ của mình tự sát. Hắn thông báo rằng lính Mỹ sẽ sớm đến tra tấn các thành viên giáo phái và ra lệnh cho họ uống nước hoa quả pha chất độc xyanua. Trong khi một số người tuân theo, nhiều người khác bị ép uống hoặc tiêm thuốc độc; số ít người còn lại bị bắn chết. Jones, vợ hắn và phần lớn các con của họ cũng nằm trong số 909 người thiệt mạng ngày hôm đó. Vụ thảm sát - tự sát tập thể này đã gây chấn động thế giới.
Kể từ ngày đó, những công trình còn sót lại ở Jonestown đã dần bị rừng rậm phá hủy hoặc bao phủ gần hết. Thế nhưng giờ đây, nếu muốn, du khách hoàn toàn có thể thăm thú mảnh đất nơi hơn 900 người đã mất mạng cùng một lúc gần 50 năm trước.