Địa ốc Hoàng Quân nợ đầm đìa, 3 'sếp' cấp cao xin từ nhiệm
Từ năm 2011-2022, Địa ốc Hoàng Quân chỉ có năm 2015 là hoàn thành kế hoạch kinh doanh, 11 năm chỉ hoàn thành cao nhất chưa tới 20% kế hoạch lợi nhuận năm. Hôm 7/5, địa ốc Hoàng Quân nhận được đơn xin từ nhiệm của 3 thành viên hội đồng quản trị.
Tuần này, có 30 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức. Trong đó, 28 công ty trả cổ tức bằng tiền mặt, 1 doanh nghiệp trả cổ tức cổ phiếu, 1 công ty trả cổ tức kết hợp.
Liên tục vỡ kế hoạch
Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán: HQC) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông năm 2024 (dự kiến tổ chức ngày 1/6 tại TPHCM). Theo đó, năm 2024, Địa ốc Hoàng Quân đặt kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng, tăng 520% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng, tăng hơn 18 lần so với thực hiện trong năm 2023.
Đây được xem là mục tiêu đầy tham vọng của HQC, khi mà quý I năm nay, địa ốc Hoàng Quân ghi nhận doanh thu giảm gần 66% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 13 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5 tỷ đồng.
Năm 2023, địa ốc Hoàng Quân ghi nhận doanh thu giảm 3%, về hơn 322 tỷ đồng (hoàn thành 19% so với kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế giảm gần 73%, chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng (hoàn thành 4% so với kế hoạch lợi nhuận năm).
Địa ốc Hoàng Quân được niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2010 nhưng từ năm 2011-2022, HQC chỉ có 1 năm hoàn thành kế hoạch là năm 2015, còn 11 năm chỉ hoàn thành cao nhất chưa tới 20% kế hoạch lợi nhuận năm. Tuy nhiên, trước mùa đại hội cổ đông năm nào HQC cũng đưa ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cao chót vót.
Đáng chú ý, địa ốc Hoàng Quân trình cổ đông phát hành tối đa 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng hoán đổi 300 tỷ đồng nợ vay, dự kiến triển khai trong năm 2024-2025. Trong đó, các khoản nợ sau khi hoán đổi cổ phiếu sẽ được xóa bỏ và các chủ nợ trở thành cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông.
Tuy nhiên, địa ốc Hoàng Quân vẫn chưa công bố danh sách chi tiết chủ nợ sẽ hoán đổi nợ thành cổ phần trong thời gian tới, nếu được đại hội thông qua.
Tại thời điểm ngày 31/3, địa ốc Hoàng Quân đã tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng nợ vay, lên hơn 1.265 tỷ đồng, có nghĩa tăng gần 20 lần nợ vay so với đầu năm và bằng 23,5% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 98,7 tỷ đồng và nợ vay dài hạn gần 1.167 tỷ đồng.
Theo giải trình của địa ốc Hoàng Quân, nợ vay phát sinh dài hạn chủ yếu là do khoản mục hơn 850 tỷ đồng vay dài hạn tại HDBank chi nhánh Cộng Hòa để bổ sung vốn thực hiện dự án nhà ở xã hội Thành phố Vàng (Golden City), góp vốn hợp tác kinh doanh với Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông và gần 316 tỷ đồng vay tại HDBank chi nhánh Đông Sài Gòn để thanh toán hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển Nhà Bảo Linh.
Hôm 7/5, địa ốc Hoàng Quân nhận được đơn xin từ nhiệm của 3 thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), gồm ông Trương Thái Sơn, ông Nguyễn Văn Toàn và bà Nguyễn Thị Diệu Phương. Trong đó, bà Nguyễn Thị Diệu Phương là vợ ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT HQC, còn ông Trương Thái Sơn là em trai ông Trương Anh Tuấn.
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, HPG sẽ phát hành thêm hơn 581 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10%, tức cổ đông sở hữu 10 cổ phần sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Nguồn vốn phát hành từ thặng dư vốn cổ phần (hơn 3.211 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (hơn 2.603 tỷ đồng).
Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của HPG sẽ tăng từ gần 58.150 tỷ đồng lên mức 63.960 tỷ đồng, tương ứng gần 6,4 tỷ cổ phiếu lưu hành.
“Nữ tướng” Cơ Điện Lạnh gom cổ phiếu REE
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ Điện Lạnh (mã chứng khoán: REE) - đăng ký mua 2,5 triệu cổ phiếu REE để nâng sở hữu lên 12,8% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 10/5 - 7/6. Ước tính, bà Thanh sẽ chi khoảng 163 tỷ đồng để mua vào 2,5 triệu cổ phiếu REE.
Nhóm Dragon Capital vừa mua vào 1 triệu cổ phiếu HSG của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen để nâng sở hữu lên 10,09% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ thực hiện mua vào 1 triệu cổ phiếu HSG là DC Developing Markets Strategies Public Limited Company.
Vào ngày 15/3, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited thuộc nhóm Dragon Capital đã bán ra 2 triệu cổ phiếu HSG. Ngày 12/4, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã thực hiện bán ra 2,5 triệu cổ phiếu HSG.
Trước đó, từ ngày 7/3 - 2/4, ông Trần Ngọc Chu - Phó Chủ tịch HĐQT thường trực điều hành HSG - bán ra 1,5 triệu cổ phiếu HSG, giảm sở hữu về 281.147 cổ phần. Ngày 17/4, ông Bùi Thanh Tâm - phụ trách quản trị - đã bán ra 390.900 cổ phiếu HSG, giảm sở hữu về 64 cổ phần.
Công ty CP Container Việt Nam (Viconship - mã chứng khoán: VSC) đã bán ra 5.278.500 cổ phiếu HAH của Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, giảm sở hữu về 2,53% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn tại HAH.
Công ty CP Xuất nhập khẩu Than (Vinacomin - mã chứng khoán: CLM) thông báo trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 30%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phần được nhận 3.000 đồng. Trong cơ cấu cổ đông của CLM, công ty mẹ là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang sở hữu 55,41% vốn, ước tính sẽ thu về gần 18 tỷ đồng từ cổ tức CLM.
Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - mã chứng khoán: VNS) vừa thông báo về ngày đăng ký cuối cùng nhận tạm ứng cổ tức 2024 bằng tiền với tỷ lệ 15%. Theo đó, ngày chốt danh sách cổ đông là 16/5, thời gian thanh toán dự kiến vào 28/5. Với gần 68 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vinasun dự kiến sẽ chi hơn 100 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức lần này.