Địa phương lo ngại khi hàng trăm giáo viên bỏ việc vì lương không đủ sống
Gần năm học mới, nhiều địa phương vẫn đang loay hoay với bài toán thiếu giáo viên. Thậm chí, tại một số địa phương còn có đến hàng trăm giáo viên nghỉ việc, khiến tình trạng thiếu hụt giáo viên càng thêm trầm trọng.
Ngày 2/8, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Nghị quyết số 72/QĐ/TW.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023. Việc tuyển dụng biên chế giáo viên thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Đến nay, thực tế nhiều địa phương đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trường lớp cho năm học mới cũng như để triển khai chương trình GDPT 2018, song khó khăn lớn nhất vẫn nằm ở đội ngũ giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới đã hoàn thành song vẫn thiếu lượng lớn giáo viên tiểu học, mầm non so với quy định. Trong năm học 2022-2023, Bình Dương tăng thêm 11 trường, trong đó có 1 trường THCS và 10 trường mầm non ngoài công lập, dự kiến số học sinh trong năm học này cũng sẽ tăng thêm 29.000 em, tập trung chủ yếu ở các địa bàn có khu công nghiệp.
Với số học sinh tăng nhanh như hiện nay, dự kiến năm học 2022-2023, toàn tỉnh thiếu trên 3.000 giáo viên.
Theo bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, điều đáng ngại hơn nữa là trong bối cảnh thiếu giáo viên toàn tỉnh, nhưng thời gian gần đây có một lượng lớn giáo viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương xin nghỉ việc.
“Thống kê từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022 toàn ngành có đến 527 giáo viên nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân là lương giáo viên không đủ sống. Tình trạng thiếu giáo viên nói chung và giáo viên mầm non ngoài công lập là một trở lại, thách thức lớn trong nâng cao chất lượng chương trình, xây dựng trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng với giáo dục mầm non", bà Nguyễn Thị Nhật Hằng lo ngại.
Để khắc phục những bất cập về thiếu đội ngũ giáo viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua Sở đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để tuyển dụng theo phân cấp quản lý. Hiện nay Sở GD-ĐT cũng đang thực hiện đẩy mạnh tuyển dụng giáo viên toàn ngành. Trên cơ sở tham mưu, UBND tỉnh cũng đã có cơ chế cho phép ký hợp đồng với giáo viên sau khi tuyển dụng còn thiếu và tiếp tục xem xét cho các viên chức trong ngành nhưng không trực tiếp đứng lớp giảng dạy mà có bằng sư phạm được chuyển ra đứng lớp giảng dạy dựa trên đánh giá về chuyên môn. Đồng thời, Sở GD-ĐT cũng tiếp tục thực hiện phân công giáo viên dạy thêm giờ để khắc phục trước mắt tình trạng thiếu giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết thêm, bên cạnh khó khăn về giáo viên, thì số học sinh tăng cao, khiến sĩ số mỗi lớp vượt cao quá so với quy định cũng đang khiến nhiều trường trên địa bàn tỉnh phải giảm số lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học. Đặc biệt, nhiều trường phải dạy 1 buổi/ngày với học sinh lớp 1, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chương trình GDPT mới.
Còn tại tỉnh Nghệ An, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời điểm hiện tại Nghệ An đang thiếu khoảng 8.000 giáo viên, trong năm học 2021-2022 đã bổ sung được gần 2.800 giáo viên, như vậy trong năm học 2022-2023 vẫn thiếu hơn 5.000 giáo viên. Việc thiếu lượng lớn giáo viên khiến việc thực hiện chương trình GDPT 2018 tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Từ thực tế trên, ông Long đề nghị cần có cơ chế đặc thù, thí điểm các trường THPT công lập tự chủ, đặc biệt có cơ chế hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. "Nếu thực hiện được như vậy, các trường có cơ sở bán trú thì sẽ giảm được điểm trường, khi giảm được điểm trường thì có thể giảm số lượng giáo viên đứng lớp, rõ ràng thuận lợi hơn khi thực hiện chương trình GDPT mới”, ông Bùi Đình Long nói.
Tương tự, Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết, năm học 2021-2022, toàn tỉnh còn thiếu 8.968 giáo viên. Đến năm học 2022-2023, Thanh Hóa sẽ thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỷ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT phối hợp với các ngành liên quan giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng. Đồng thời, cần xem xét việc thực hiện giảm biên chế (mỗi năm 2%) là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là với ngành giáo dục.
Còn theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Nghị định 120 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập, quy định mỗi trường chỉ 2 cấp phó hiệu trưởng. Tuy nhiên, tại Hà Nội, các trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia, trường ở các khu đô thị thì sĩ số học sinh luôn quá tải. Với những trường có đông học sinh, ông Cương đề xuất nên xem xét lại quy định này, cho phép các trường có 3 phó hiệu trưởng để giảm tải khối lượng công việc.
Nói về vấn đề thiếu giáo viên hiện nay, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, để thực hiện chương trình GDPT mới, cần tập trung phát triển, bồi dưỡng giáo viên.
“Đã đến lúc cần đặc biệt quan tâm đến kiên cố hóa trường học, nhà công vụ và chế độ với thầy cô, học sinh vùng khó khăn. Trong điều kiện hiện tại, khi thấy rõ sự phân hóa giàu nghèo, ai cũng muốn lựa chọn môi trường công tác thuận lợi, nên chăng cần có những giải pháp cụ thể để có đủ đội ngũ giáo viên ở các vùng khó khăn. Nếu không triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp, chỉ trong vài năm nữa sẽ thấy những báo động về đội ngũ giáo viên. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách của đội ngũ giáo viên, việc làm của sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Đây là việc lớn mà chỉ riêng Bộ GD-ĐT sẽ không thể giải quyết được”, GS.TS Nguyễn Văn Minh nói./.