'Dịch bệnh' bác sĩ online
Song hành với dịch cúm hiện nay, có một 'dịch bệnh' khác nguy hiểm không kém là hội chứng 'bác sĩ online'. Đây là thuật ngữ chỉ những người không bằng cấp, chuyên môn, chỉ cần có một tài khoản mạng xã hội và khoác trên mình chiếc áo blouse trắng là kê đơn nhanh hơn cả bác sĩ thật.
Tâm lý đám đông
Trên mạng xã hội, những video clip ngắn, những bài đăng chia sẻ nhan nhản lời khuyên của các "bác sĩ", rồi "dược sĩ" hay "chuyên gia" tự xưng. Họ, đôi khi nói quá lên về chứng bệnh và hậu quả của cúm A, đôi khi lại bịa cả tình hình bệnh, tự cho là đang bùng phát, thêm thắt về nguy cơ và đặc biệt là cho những lời khuyên không có cơ sở về cách chữa và phòng bệnh.
Mỗi tài khoản này đều có một mục đích riêng nào đó, dù bán thuốc hay đơn giản là câu view thì cũng đã tạo làn sóng đổ xô đi mua thuốc, nhất là thuốc Tamiflu, làm cho nhiều người lầm tưởng phải mua tích trữ Tamiflu và các loại thuốc chữa viêm họng, cảm cúm và thuốc kháng sinh thì mới yên tâm.
Chị Trần Kim Oanh, quản lý nhà thuốc Long Châu, cơ sở Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, cho biết: "Bệnh nhân không nên tích trữ thuốc Tamiflu gây ảnh hưởng đến bệnh nhân khác. Tính từ tháng 12 đến nay, lượng người mua tăng lên đáng kể".
Việc đổ xô đi mua thuốc như vậy sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Người dân vừa tốn kém, gây sốt ảo cho thuốc, gây rối loạn thị trường. Chưa kể, nguy hiểm nhất là những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe nếu uống thuốc vô tội vạ và tự ý dùng thuốc tại nhà.
Tin mạng hơn tin bác sĩ thật
Không ít người ngại đến bệnh viện vì nhiều lý do: xếp hàng chờ đợi lâu, thủ tục rườm rà, chi phí tốn kém… Chính vì thế, nhiều người chọn cách tự tra cứu thông tin bệnh tật trên mạng, thậm chí tin tưởng vào các "bác sĩ online" hơn là bác sĩ thật.
Chị H (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Bây giờ đi bệnh viện phức tạp lắm, đông, lây nhiễm, lắm thủ tục, lâu mà lại không cần thiết, nên không có bệnh nghiêm trọng thì em chỉ mua thuốc tự uống. Mà bây giờ mua thuốc cũng tiện lắm, rẻ và ship đến nhà, thời buổi 4.0 quá là tiện lợi, chỉ cần xem TikTok là có đủ".
Không chỉ tự bắt bệnh khi nghe qua các clip ngắn cùng các chia sẻ trên mạng, nhiều người còn coi mạng xã hội là nguồn tư vấn sức khỏe đáng tin cậy. Họ tham gia các hội nhóm, theo dõi kênh TikTok của những người tự xưng là bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia dinh dưỡng… mà chẳng mấy khi kiểm chứng trình độ thật sự của những người này. Những người cả tin và thiếu kiến thức chỉ cần thấy tài khoản mạng tự xưng là bác sĩ, dược sĩ hay chuyên gia có lượng người xem và người like đông thì cho rằng đó là chuyên gia có thể tin tưởng được.
Trong thời đại công nghệ số, việc tiếp cận thông tin sức khỏe chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Nhưng dễ dàng không đồng nghĩa với chính xác.
Khi tin vào các "bác sĩ online" đang mọc lên như nấm, bao nhiêu người nhận ra đang đặt sức khỏe của mình vào tay những người không có chuyên môn?
Hậu quả của việc tin vào bác sĩ online
Chị Phạm Thị Hoa là một bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Trước khi vào viện, chị Hoa đã tham khảo nhiều thông tin hướng dẫn làm đẹp từ các chuyên gia online. Chị Hoa chia sẻ: "Tôi bị biến chứng do tin theo một bác sĩ online hướng dẫn. Vì tình trạng không cải thiện nên tôi phải đi khám trực tiếp. Sau khi nghe những lời tư vấn trên mạng tôi đã nhận ra những điều đó là không chính xác và chúng ta nên đến bệnh viện để bác sĩ khám trực tiếp".
Nhuwg không phải ai cũng lựa chọn sáng suốt như vậy, trước muôn vàn những lời mời chào, quảng cáo trên mạng xã hội. Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận không ít những ca bệnh nghiêm trọng, là hậu quả của việc tin lời các bác sĩ online.
Ai chứng nhận bác sĩ online?
Trước thực trạng nhiều thông tin giả mạo bác sĩ trên mạng, nhiều bệnh nhân đã trực tiếp liên lạc đến những cơ sở khám chữa bệnh uy tín để xác nhận thông tin.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: "Nếu nghe theo những trào lưu trên mạng, tin theo những biện pháp không chính thống thì sẽ hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, chúng ta không nên tự đi mua những loại thuốc kháng virus. Người dân nên chọn một kênh chính thống và khi nghe một thông tin gì đó thì cũng nên đi kiểm tra lại. Và hiện nay các bệnh viện lớn đều có kênh chính thống, người dân nên vào đó để kiểm tra lại và chỉ nghe theo một vài bác sĩ có tiếng nói, có kinh nghiệm".
Điều quan trọng nhất là người dân cần biết cách chọn lọc thông tin trên các nền tảng mạng xã hội. Sức khỏe là vốn quý giá nhất của mỗi người, chúng ta có thể nghe những lời khuyên để chăm sóc sức khỏe nhưng tuyệt đối không nên tự ý điều trị.
Đừng để nỗi lo sức khỏe biến ta thành con mồi cho những kẻ trục lợi.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/dich-benh-bac-si-online-287043.htm