Dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025 sẽ vẫn diễn biến phức tạp
Dự báo năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp, đặc biệt, sốt xuất huyết là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu.
Dịch sởi tăng 130 lần
Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025, hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) do Bộ Y tế tổ chức sáng 26/12, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, năm 2024, số ca sốt phát ban nghi sởi là 38.364, tăng hơn 94 lần so với năm 2023 và 6.725 ca dương tính với sởi, tăng hơn 130 lần so với năm 2023. Trong đó, một số tỉnh có số mắc cao như Đồng Nai (6.360 ca), TP Hồ Chí Minh (4.758), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405)… Cả nước đã ghi nhận 13 trường hợp tử vong do sởi, trong đó chủ yếu là trẻ em do bệnh chồng bệnh, người già có bệnh nền. Ông Nguyễn Lương Tâm nhấn mạnh, sởi là bệnh đáng quan tâm trong thời điểm hiện nay.
Ông Tâm cũng cho biết, theo thống kê từ đầu năm đến nay ghi nhận 141.00 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 16,7% so với năm 2023; 28 người tử vong giảm 17 ca so với năm 2023. Trong đó, Hải Phòng có số ca mắc cao nhất là hơn 23.000 ca mắc, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 14.000 ca mắc.
Tay chân miệng ghi nhận hơn 76.000 ca mắc, giảm 55,8% so với năm 2023, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Trong đó, một số tỉnh có số mắc cao TP Hồ Chí Minh (17.882), Tiền Giang (5.467), Đồng Nai (4.968), An Giang (4.187), Đồng Tháp (3.717).
Năm 2024 cả nước ghi nhận 287.548 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong; so với năm 2023, giảm 18,6% ca mắc, tăng 5 ca tử vong.
Về bệnh dại, năm qua ghi nhận 84 trường hợp tử vong. Số ca ho gà trong năm 2024 là 1.074 ca (tăng 21,9 lần), trong đó có 1 ca tử vong. Đậu mùa khi có 76 trường hợp mắc rải rác tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Nam.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng dịch bệnh, đó là đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm vaccine, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng. Ý thức phòng bệnh của cộng đồng vẫn còn hạn chế, một số người chủ quan, lơ là. Đặc biệt là tình trạng "anti" vaccine của một bộ phận người dân khiến nhiều trẻ bỏ lỡ tiêm chủng. Điều này dẫn đến một số bệnh có vaccine phòng bệnh như sởi gia tăng trong thời gian qua.
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng nhận định còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế có lúc xảy ra cục bộ gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, nhìn chung số ca bệnh truyền nhiễm nhập viện tuyến cuối năm 2024 cao hơn nhiều lần so với năm 2023.
Đánh giá về dịch sởi ở TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, việc công bố dịch sởi tại TP là kịp thời, đúng và trúng, điều này giúp TP chủ động các nguồn lực chống dịch, đặc biệt là trong việc mua sắm vaccine tiêm cho đối tượng ngoài đối tượng tiêm chủng.
Các địa phương cần nâng cao năng lực dự phòng y tế
Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dự báo năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu với các yếu tố nguy cơ do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa, di dân gia tăng và sự đa dạng các vật chứa mầm bệnh...
Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tình trạng chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, bệnh cá nhân khá phổ biến, đặc biệt là với nhóm trẻ em tại các cơ sở giáo dục, nhà trẻ, mầm non nên nguy cơ gia tăng số mắc.
Bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vaccine tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết, trong khi quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế, có khả năng gia tăng các trường hợp nhập viện.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng nhận định với bệnh sởi, nhiều ca bệnh từ 6-9 tháng tuổi được ghi nhận và đang điều trị tại khoa truyền nhiễm. Do đó, các bệnh viện cần phân tuyến, phân luồng sàng lọc bệnh hô hấp khi nhập viện, kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo. Các địa phương cần tổ chức tiêm bù, tiêm vét, rà soát đối tượng tiêm chủng năm 2025, nhất là tiêm vaccine sởi.
Bên cạnh đó, bệnh dại vẫn ghi nhận tử vong ở mức cao do hạn chế trong quản lý đàn chó, mèo, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo thấp. Người dân vẫn chủ quan, lơ là khi không tiêm phòng dại và xử trí kịp thời khi bị chó, mèo cắn.
Ông Tâm cũng cho biết, bệnh nguy hiểm mới nổi, lây truyền từ động vật sang người như đậu mùa khỉ tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc với các biến chủng mới. Cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ xuất hiện do virus trên gia cầm được phát hiện tại nhiều nơi.
Việt Nam chuẩn bị đón Tết Nguyên đán và bước vào mùa lễ hội, nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn nếu các địa phương không tăng cường kiểm soát dịch bệnh, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp để người dân vui xuân, đón Tết an lành. Theo Cục Y tế dự phòng, thời điểm này vào mùa đông-xuân, nguy cơ lây lan dịch bệnh dễ xảy ra.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, COVID-19 là một lời cảnh tỉnh đối với toàn thế giới; hệ thống y tế bị đẩy đến giới hạn; kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, an sinh, an ninh xã hội không được bảo đảm, đời sống người dân bị đảo lộn.
Thứ trưởng Bộ Y tế nói rằng, cuộc khủng hoảng tạm thời đã qua, nhưng bài học kinh nghiệm vẫn luôn còn đó.
Nhân dịp hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn, dinh dưỡng đầy đủ, thực hiện lối sống lành mạnh để phòng, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.